Lệnh đối ứng vụ bán chui cổ phiếu FLC đã được hoàn trả tiền

13/01/2022 08:52

Một công ty chứng khoán đầu ngành đã thực hiện hủy kết quả khớp lệnh mua đối ứng cổ phiếu FLC trên tài khoản và hoàn trả tiền ngay trong ngày 12/1.

Trưa nay một số nhà đầu tư chứng khoán đã nhận được tin nhắn thông báo hoàn trả tiền từ đợt mua cổ phiếu FLC hôm 10/1. Theo đó một công ty chứng khoán đầu ngành đã thực hiện hủy kết quả khớp lệnh mua đối ứng cổ phiếu FLC trên tài khoản và hoàn trả tiền ngay trong ngày 12/1.

Việc hoàn trả này được thực hiện theo thông báo 436/VSD-TTBT.NV của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) về điều chỉnh thông tin thanh toán giao dịch đối với mã FLC ngày 10/1.

Trước đó, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có thông báo mới về việc sẽ thực hiện hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC này, do vi phạm khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (không công bố thông tin trước khi bán cổ phiếu dù là người nội bộ tại doanh nghiệp - giao dịch chui).

Đồng thời Ủy ban Chứng khoán cũng ra quyết định yêu cầu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) phong tỏa toàn bộ tài khoản chứng khoán đứng tên ông Quyết từ 11/1.

Ủy ban yêu cầu VSD thông báo cho các công ty chứng khoán nơi ông Quyết mở tài khoản thực hiện phong tỏa các tài khoản giao dịch này.

Lãnh đạo cơ quan quản lý cũng tiết lộ sẽ thực hiện việc lọc các giao dịch mua đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết hôm 10/1 để hoàn trả cho nhà đầu tư. Việc này mất rất nhiều công sức và thời gian nhưng là cần thiết để giữ kỷ cương của thị trường.

Hôm 10/1, thị trường chứng kiến cổ phiếu FLC có giao dịch đột biến lên đến 135 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và trong số này có 74,8 triệu cổ phiếu là giao dịch bán chui của ông Trịnh Văn Quyết. Như vậy toàn bộ lượng tiền mua đối ứng của 74,8 triệu cổ phiếu trên sẽ được hoàn trả lại cho nhà đầu tư.

Cách xử lý này của Ủy ban chứng khoán là chưa có tiền lệ. Việc này cũng hoàn toàn thực hiện được do giao dịch chứng khoán ở Việt Nam theo nguyên tắc T+2.

Điều này nghĩa là nếu một nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC trong ngày 10/1 thì phải sau 16h30 của ngày 12/1 mới được nhận cổ phiếu và giao dịch chính thức hoàn thành, cổ phiếu mới về tài khoản.

Do vậy nhóm nhà đầu tư mua cổ phiếu đối ứng từ ông Quyết thực tế vẫn chưa nhận được cổ phiếu nên thuận lợi cho việc hủy các giao dịch này.

Tương tự ở chiều ngược lại, số tiền mà ông Quyết bán cổ phiếu thực chất vẫn chưa về tài khoản cá nhân, do đó cơ quan quản lý cũng thuận lợi để hoàn trả tiền cho nhà đầu tư và trả cổ phiếu về tài khoản ông Quyết.

ban chiu co phieu,  Trinh Van Quyet,  hoan tra co phieu anh 1

Nhà đầu tư đã bắt đầu được hoàn trả tiền mua cổ phiếu FLC đối ứng với ông Trịnh Văn Quyết hôm 10/1. Ảnh: Hoàng Hà.

Bình luận về sự việc lần này, lãnh đạo cao cấp của một công ty chứng khoán lớn cho biết hành động bán chui là sai hoàn toàn và có tính chủ đích. Với tư cách là chủ tịch một tập đoàn lớn và chủ nhiều doanh nghiệp khác mà bán khối lượng cổ phiếu rất lớn thì khó có việc sơ suất trong việc công bố thông tin.

Vị này đánh giá nhiều bên thiệt hại trong sự việc. Thứ nhất là thiệt hại cho chính các cổ đông của FLC khi họ mua vào ở vùng giá cao thì tức là đang kỳ vọng một tương lai sáng hơn của doanh nghiệp.

"Trong khi đó chủ tịch HĐQT lại bán chui lượng lớn cổ phiếu đã dấy lên nghi ngại của nhà đầu tư về một cái gì đó khuất tất hay có hiện tượng 'úp bô' nhà đầu tư, công ty có vấn đề mới khiến chủ tịch bán chui với hàng trăm triệu cổ phiếu như vậy", ông bổ sung.

Điều này cũng làm xóa mòn niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, không những là nhà đầu tư trong nước mà còn cả nước ngoài.

Bởi FLC là tập đoàn đa lĩnh vực với nhiều ngành nghề quan trọng như hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp... hoạt động trên toàn quốc. Nhà đầu tư lo lắng rất nhiều về tính minh bạch của doanh nghiệp và tính nghiêm minh của cơ quan quản lý để đảm bảo lợi ích của cá nhân nhỏ lẻ trước nhà đầu tư lớn.

Hơn nữa, sự việc còn làm mất rất nhiều uy tín của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, cũng như điều này gây quan ngại về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Không những thiệt hại về vật chất mà còn thiệt hại về niềm tin của công chúng đầu tư.

Vị lãnh đạo công ty chứng khoán trên nêu quan điểm ông Quyết đã gây "điều tiếng" cho thị trường chứng khoán trong nước, nên việc xử phạt của cơ quan quản lý là hợp lý và ông phải trả giá cho sự thiếu minh bạch.

"Sau hành động này uy tín của ông Quyết và hệ sinh thái FLC Group giảm đi rất nhiều dưới con mắt của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bản thân ông Quyết đánh mất niềm tin của nhà đầu tư chân chính khi đi ngược lại quyền lợi và có một chút phản bội niềm tin của nhà đầu tư đặt vào FLC. Đây là mất mát lớn nhất mà ông và FLC phải trả giá", ông nói thêm.

Ngoài ra hệ sinh thái FLC Group còn thiệt hại về khả năng huy động vốn trong tương lai (như phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu) sẽ rất khó bởi uy tín thương hiệu mất đi rất nhiều, nhà đầu tư chân chính bị thiếu niềm tin nên sẽ hạn chế tham gia.

Nói thêm về hành động của cơ quan quản lý, lãnh đạo công ty chứng khoán trên hoàn toàn ủng hộ các hành động quyết liệt và kịp thời. Ông tin tưởng các biện pháp phong tỏa tài khoản và hủy giao dịch đối ứng để trả tiền cho nhà đầu tư là giải pháp đúng, mang đầy tính nhân văn và thể hiện rõ vai trò bảo vệ của cơ quan quản lý.

Theo Huy Lê/Zing