Wai Ming Wong, Giám đốc tài chính (CFO) của Lenovo, một trong những nhà sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn nhất thế giới, ngày 24/5 cho biết hãng này có thể chuyển day chuyền sản xuất sang các nước khác nếu Mỹ áp đặt nhiều thuế quan hơn đối với Trung Quốc.
Lenovo đã báo cáo lợi nhuận 597 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2019.
CNBC dẫn lời ông Wai Ming Wong cho biết Lenovo đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phương án dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc nếu Mỹ áp dụng thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc.
Tuyên bố của CFO Lenovo đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Sau vòng đàm phán ngày 10/5, Trung Quốc và Mỹ chưa đưa ra lộ trình cho các buổi đàm phán thương mại kế tiếp. Cũng vào ngày này, ông Trump đã tăng thuế áp lên 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc từ 10 lên 25%.
Động thái tăng thuế của Mỹ được đưa ra sau khi cáo buộc Trung Quốc đã thay đổi phần lớn thỏa thuận thương mại giữa 2 nước mà hầu hết quan chức Mỹ đã đồng ý với các điều khoản.
Ông Trump tiết lộ rằng Mỹ và Trung Quốc đã “từng có những thỏa thuận rất tốt và Trung Quốc đã thay đổi điều đó. Tôi nói rằng được thôi, chúng ta sẽ đánh thuế sản phẩm của họ”.
Ba ngày sau, hôm 13/5, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh sách số hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ USD có thể bị đánh thuế 25% theo lời đe dọa trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Reuters, danh sách này bao gồm 3.805 loại hàng hóa "chưa nằm trong danh sách đánh thuế" ở các vòng trước, từ sữa, quần áo trẻ em, đồ chơi, điện thoại, laptop đến nhôm, thép. Danh sách này không bao gồm các mặt hàng dược phẩm và đất hiếm.
USTR sẽ tổ chức một buổi điều trần ngày 17/6 và sau đó là một tuần lấy ý kiến đóng góp. Theo CNBC, hạn sớm nhất để đợt tăng thuế nhập khẩu mới có hiệu lực sẽ là 24/6.
Ông Trump tin rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ phải nhượng bộ Mỹ vì “họ đang bị ảnh hưởng bởi thuế quan” và đến cuối cùng, họ có thể sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Trả lời phỏng vấn đài Fox News hôm 19/5, Tổng thống Trump nói rằng việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến các công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và hướng tới các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi có khả năng chuyển (sản xuất) một số sản phẩm từ Trung Quốc sang các quốc gia mà tôi nghĩ không có tác động của thuế quan", CFO của Lenovo nói với CNBC.
Tiền thân của Lenovo là New Technology Developer, được thành lập năm 1984 với số vốn 25.000 USD, bởi một nhóm chuyên gia làm cố vấn cho chính phủ Trung Quốc.
Trong giai đoạn đầu, Lenovo đã được Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc góp vốn, điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước cũng là một cổ đông trong công ty.
Dù vậy, Lenovo vẫn được điều hành theo thể chế tư nhân, sự can thiệp của chính phủ được cho là rất ít hoặc gần như không có. Sau đó 4 năm, năm 1988, hãng máy tính của Trung Quốc đã cho ra đời nhiều mẫu máy tính, tuy nhiên ở thời điểm đó, Lenovo chỉ phát triển ở thị trường nội địa.
Năm 2003, với mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế, cái tên Lenovo đã chính thức trở thành thương hiệu cũng như logo cho cả công ty. Hai năm sau, Lenovo hoàn tất việc mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM.
Cuối cùng, vào năm 2010, Lenovo đã lấn sân sang thị trường điện thoại thông minh với thiết bị đầu tiên có tên LePhone. Với sự đầu tư nghiêm túc cho việc nghiên cứu, phát triển và nhân rộng thương hiệu thì năm 2014, smartphone Lenovo đã đem về cho hãng danh hiệu "Nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất tại Trung Quốc Đại lục". Đây cũng chính là giai đoạn công ty đồng ý mua lại Motorola Mobility từ tay Google.
Đến nay, Lenovo Group Ltd. đã trở thành một "ông lớn" trong giới công nghệ không thua kém gì Samsung hay Apple. Hiện tại, tập đoàn công nghệ này đã có trụ sở tại hơn 60 quốc gia, quy mô trên toàn cầu khoảng 54.000 nhân viên, sản phẩm được bán tại hơn 160 nước trên thế giới.
Lenovo đã báo cáo lợi nhuận 597 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua.
VietnamFinance