Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Liệu có xuất hiện Evergrande phiên bản Việt?

26/09/2021 15:36

Đã có những ý kiến lo ngại, với sự bùng nổ của trái phiếu bất động sản vừa qua, nguy cơ xuất hiện Evergrande phiên bản Việt không phải là không thể xảy ra.

Cuộc khủng hoảng tại Evergande - doanh nghiệp bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc với "quả bom nợ" tới 300 tỷ USD - đang là một trong những điểm nóng nhất trên thị trường tài chính thế giới tuần qua.

Câu chuyện nợ trái phiếu của doanh nghiệp khi họ phát hành ồ ạt như Evergande cũng chính là hồi chuông báo động cho thị trường tài chính các nước.

Trông người, ngẫm ta. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vừa liên tiếp có những năm tăng trưởng bùng nổ, đặc biệt từ 2019 đến nay; trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chiếm một cấu phần chủ đạo trong đó.

Vượt xa mục tiêu

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam liên tục có nhịp độ tăng trưởng tốt, đi cùng với việc gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính làm dấy lên nhiều quan ngại về rủi ro tiềm ẩn. 

Ngân hàng Nhà nước (NHHH) theo đó đã phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này.

Tăng trưởng tín dụng vào bất động sản theo đó đã giảm mạnh xuống còn 11,89% trong năm 2020, so với mức tăng trưởng 26,6% năm 2018 và 21,53% năm 2019. Sang 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng vào ngành này tiếp tục giảm tốc, còn khoảng 5,5%.

Trong bối cảnh tín dụng bất động sản ngày càng bị siết chặt, các doanh nghiệp tìm đến trái phiếu nhiều hơn như một kênh huy động vốn dài hạn, với các điều kiện thuận lợi hơn, nhất là khi hạn chế tài sản bảo đảm và lực lượng nhà đầu tư cá nhân mở rộng nhanh chóng.

Dữ liệu thống kê cho thấy, sau khi liên tục bùng nổ trong năm 2019 nối sang 2020, đến cuối năm 2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã lên tới khoảng 17% GDP, vượt rất xa mục tiêu đạt 7% GDP mà Chính phủ từng hoạch định chiến lược trước đó.

Sang năm 2021, mặc dù có những điều chỉnh cốt lõi về khung khổ quản lý, song thị trường này tiếp tục sôi động. Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), 8 tháng đầu năm, đã có tổng cộng 490 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt 308.517 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản tiếp tục xếp vị trí thứ 2 (chỉ sau nhóm NHTM) với tổng khối lượng phát hành đạt 107,98 nghìn tỷ đồng. Trong đó có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

 Thị trường TPDN liên tục bùng nổ những năm gần đây. Nguồn: VCBS

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Trước đà tăng trưởng rất nhanh của thị trường TPDN, cùng từ năm 2019 đến nay, không dưới chục lần Bộ Tài chính phải đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo đối với nhà đầu tư với quan ngại rủi ro. Tần suất cảnh báo này dày đặc lên trong năm 2021, khi mà câu chuyện Evergrande nóng dần lên ở nước láng giềng.

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh các tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn một số rủi ro như một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản; có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành. 

Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.

Theo Bộ Tài chính, đối với các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp lấy cổ phiếu của chính mình làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trên nguyên tắc, điều này có thể tốt, nhưng với điều kiện tình hình tài chính của doanh nghiệp đó phải rất ổn, nếu không rủi ro sẽ rất lớn.

“Một nhà kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu và dùng cổ phiếu của chính mình để bảo đảm cho trái phiếu đó thì cũng giống như khi tôi đi vay tiền của một người nào đó và dùng chính cơ thể của mình để đảm bảo cho món vay đó. Điều đó là vô nghĩa”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Thực tế trong thời gian qua, thị trường cũng ghi nhận có một số doanh nghiệp dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu phát hành nhưng sau đó lại đi phát hành cổ phiếu tăng vốn khiến giá trị cổ phiếu bị pha loãng và tài sản đảm bảo cho trái phiếu vì thế cũng một phần “bốc hơi”.

 Thị trường TPDN trải qua những tác động lớn gần đây nhưng xu hướng bật lên thể hiện rõ. Nguồn: VCBS

Có khả năng xuất hiện Evergrande phiên bản Việt?

Thị trường trái phiếu đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, như trên, việc doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm như hiện nay mà chưa được xếp hạng tín nhiệm khiến các nhà đầu tư không đủ thông tin để phân tích rủi ro, việc vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích.

Tại một diễn đàn trực tuyến ngày 25/9, nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại, với tình hình thị trường trái phiếu bất động sản tăng mạnh như hiện nay, nguy cơ xuất hiện một Evergrande phiên bản Việt không phải là không thể xảy ra.

Nguy cơ đó đang bắt đầu được "kiểm định" trong bối cảnh lượng lớn trái phiếu lãi suất cao phát hành năm 2019 đang chuẩn bị đáo hạn trong khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước lại đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Dù vậy, tại diễn đàn trên, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Group - một tổ chức chuyên xử lý dữ liệu tài chính, dù thị trường bất động sản của Việt Nam và Trung Quốc cùng tăng mạnh, nhưng mức độ không giống nhau.

“Thị trường bất động sản Trung Quốc hiện “nóng” hơn rất nhiều so với Việt Nam. Điều này được thể hiện ở giá nhà ở bình quân trên thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các thành phố lớn, thể hiện ở mức nợ vay trong nền kinh tế, đặc biệt là cho vay nhà ở.

Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 11%/tổng dư nợ ngân hàng là cho vay nhà ở nhưng ở Trung Quốc, con số này lên tới 29%”, ông Thuân phân tích.

Cũng theo Chủ tịch Fiin Group, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu gần đây mới phát triển và NHNN đã có các biện pháp kìm lại cách đây 5 - 7 năm. Mặc dù một lượng lớn trái phiếu lãi suất cao được phát hành 2019, nhưng điểm rơi phải trả vào cuối năm nay và đầu năm sau chỉ là một phần rất nhỏ.

“Theo thống kê của chúng tôi, phần lớn trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành có điểm rơi vào năm 2024 và 2025. Do đó, câu chuyện rủi ro là có nhưng mức độ cấp thiết chưa thể bằng thị trường bất động sản Trung Quốc”, ông Thuân nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên viên cao cấp, phân tích - Công ty Chứng khoán Nhất Việt cho rằng, tổng nợ/tổng tài sản của doanh nghiệp bất động sản hiện nay mới chỉ ở mức 0,6, nhỏ hơn 1, tương đương mức bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, chuyên gia cho rằng, tình hình nợ của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Theo Trần Thúy/BizLIVE
Bạn đang đọc bài viết "Liệu có xuất hiện Evergrande phiên bản Việt?" tại chuyên mục Bất động sản.