Cuối tuần trước, hãng tin Reuters đưa tin Grab đang đàm phán để bán một lượng lớn cổ phần tại Thái Lan cho Central Group, nhà bán lẻ lớn nhất tại xứ sở Chùa Vàng. Liệu ở Việt Nam, điều tương tự có xảy ra?
Cũng theo nguồn tin, nếu thỏa thuận thành công, Grab sẽ có nhiều điều kiện và thuận lợi trong việc mở rộng sang thanh toán điện tử và thương mại điện tử, cùng với các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.
Thương vụ trên diễn ra trong bối cảnh khi đối thủ của Grab là Go-Jek, một công ty gọi xe công nghệ của Indonesia, đang đẩy mạnh phát triển và tham vọng chiếm lĩnh thị phần tại Thái Lan và cũng đang có kế hoạch rót những khoản đầu tư lớn để mở rộng quy mô.
Central Group chính thức vào Việt Nam vào giữa năm 2011 và đến nay không còn là cái tên xa lạ. Central Group đã, đang trở thành một “thế lực” trong ngành bán lẻ và ngày càng mở rộng quy mô hoạt động và đang phát triển ra nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.
Đây cũng là tập đoàn đã sở hữu 49% cổ phần của Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim (điện máy Nguyễn Kim). Tháng 4/2106 tập đoàn này của Thái Lan cũng chi hơn 1 tỷ USD để thâu tóm Big C Việt Nam. Ngoài ra, Central Group cũng sở hữu 49% cổ phần của Lan Chi Mart và cùng Nguyễn Kim mua 100% cổ phần của mạng thương mại điện tử Zalora.
Tháng 3 năm nay, tập đoàn này cũng lên kế hoạch dự định đầu tư thêm khoảng 1,51 tỷ USD để tăng số cửa hàng tại Thái Lan và Việt Nam trong năm nay. Và đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ nâng số cửa hàng tại Thái Lan từ 4.970 hiện nay lên hơn 7.500, và mở thêm hơn 500 cửa hàng để có thể đạt khoảng 750 cửa hàng ở Việt Nam.
Trong khi đó, đối với Grab, mặc dù được đánh giá là hãng đang chiếm lĩnh về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Một số thông tin cho biết, tính lũy kế đến cuối năm 2017, Grab lỗ khoảng 1.700 tỷ đồng tại Việt Nam. Trước đó, năm 2014 lỗ 51,7 tỷ đồng, năm 2015 lỗ tăng lên gấp 8 lần, là 441,8 tỷ đồng, và năm 2016 lỗ 444,7 tỷ đồng.
Một số thông cho biết, tính lũy kế đến cuối năm 2017, Grab lỗ khoảng 1.700 tỷ đồng tại Việt Nam.
Bức tranh lợi nhuận của Grab tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều sáng sủa cho dù hãng đang tăng tốc mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh vận chuyển khác nhau và đa dạng thêm các dịch vụ mới trên dịch vụ cốt lõi của mình. Chưa có thông tin Grab Việt Nam dự tính giảm dần khoản lỗ lũy kể trên và tiến tới có lãi.
Thú vị ở chỗ là Go-Jek cũng đã chính thức tiến vào thị trường Việt Nam với thương hiệu Go-Viet. Cụ thể đã khai trương tại TP.HCM vào tháng 8 và tại Hà Nội vào tháng 9. Hãng gọi xe công nghệ của Indonesia cũng đã lên kế hoạch rót thêm 500 triệu USD vào một số thị trường tại Đông Nam Á, trong số vốn này Việt Nam được dự kiến rót nhiều nhất, khoảng 150 triệu USD.
Chính với những lý do trên khiến sức ép đối với Grab từ rất nhiều đối thủ, đặc biệt là Go-Jek, sẽ ngày càng tăng lên.
Liệu kịch bản Grab “bán mình” ở Thái Lan có xảy ra ở Việt Nam? Gợi mở câu hỏi này tới lãnh đạo Grab Việt Nam, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam, tại buổi Grab Việt Nam công bố triển khai dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood tại Hà Nội cách đây ít hôm, ông Jerry Lim không trả lời trực tiếp vào vấn đề Grab Việt Nam có “bán mình” hay không (tất nhiên, có thể theo quy chế phát ngôn những vấn đề của tập đoàn). Tuy nhiên, vị lãnh đạo Grab Việt Nam lại hé mở, hãng cũng đang tìm cách hợp tác với các tập đoàn đa lĩnh vực tại thị trường Việt Nam giống như mối quan hệ hợp tác mà Grab có với Central Group tại Thái Lan.
Với thông tin hé mở trên, việc Grab có bán cổ phần cho Central Group tại thị trường Việt Nam trong tương lai, nếu xảy ra, thì cũng không phải là điều quá ngạc nhiên.
TRUNG ĐỨC
Theo TGTT