Đánh liều đem hết 10.000 con gà ri mận mình ấp nở ra để nuôi gà thịt vì không bán được, anh Hòa không ngờ đến cận Tết Nguyên đán, giá gà bật tăng mạnh. Cả đàn gà lên đến vạn con được các đầu mối đến thẳng vườn mua hết sạch trong đúng 1 tuần. Nhờ đó, anh thu lãi 1,1 tỷ đồng.
Chuẩn bị vào đợt gà mới, cuối tháng 5, anh Nguyễn Xuân Hòa cho thợ sửa sang lại khu chuồng trại trên xã Hòa Sơn (Lượng Sơn, Hòa Bình). Anh Hòa cho biết, khu trang trại này rộng 3,8ha, được anh thuê lại của một Việt kiều Canada để nuôi gà bán vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, còn lại đều bỏ không. Giờ anh cho thợ sửa chữa vài chỗ cần thiết và xây thêm một gian nhà nữa để công nhân ở vì khi vào đợt gà mới cần có người chăm sóc.
Anh kể, anh không phải dân chăn nuôi gà thịt mà là người làm giống, đặc biệt là giống gà ri đặc sản. Song, năm ngoái thị trường gà khá trầm lắng, đến nửa cuối năm mà bà con chăn nuôi gà vẫn không vào đàn thành ra gà con ấp nở ra ế ẩm, bán giá khá rẻ.
Đỉnh điểm là vào giữa tháng 8 âm lịch năm ngoái, gà giống gần như không bán được. Gà ế, lò ấp ra cả vạn con mà không người mua. Nghĩ đến việc con giống chất lượng tốt, nhưng khách không mua thì phải hủy bỏ nên anh tiếc, đành đánh liều đem đúng 10.000 con gà dòng ri mận nuôi thịt bán Tết.
Lúc đó, vừa tiếc con giống mình ấp nở ra, vừa thấy nếu người chăn nuôi không vào đàn mới thì kiểu gì thị trường gà thương phẩm cũng khan hiếm vào dịp Tết. Chưa kể, do ế ẩm cả năm nên công ty cũng ngỏ ý cho mua chịu, lúc nào bán gà có thể trả tiền cám, tiền thuốc thú y một thể.
Khó khăn nhất là chuồng trại thì lúc đó, may mắn thế nào anh lại thuê được một khu trang trại rộng 3,8ha của một Việt kiều người Canada. Họ bỏ không cả chục năm nay, trong khi trang trại có sẵn một nhà sàn, một khu lán trại có thể nuôi gà. Tường bao quanh trại cũng được xây cao tới trên 2 mét, rất phù hợp cho chăn nuôi gà ri đặc sản.
“Giá thuê toàn bộ khu đất chỉ 50 triệu/năm. Thế là tôi đánh liều làm phi vụ cuối năm, nuôi hẳn 1 vạn con gà ri thịt”, anh Hòa nói. Giá gà ri thời điểm tháng 8 âm rơi vào khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, anh tính toán rằng nếu vẫn giữ mức giá này thì lúc bán ít nhất sẽ hòa chứ không thể lỗ.
Quyết định nuôi nên sau rằm Trung thu, anh cho xe ô tô tải chở 10.000 con gà ri lên khu trang trại này, đồng thời thuê 2 công nhân làm việc với mức lương 6 triệu đồng/người. Trong đó, một công nhân sẽ chuyên phụ trách vấn đề thú y, công nhân còn lại chuyên về dinh dưỡng.
Ngoài làm công ăn lương, hàng tháng, hai công nhân này còn ký thêm cam kết chăn nuôi đúng quy trình, đảm bảo tỷ lệ gà hao hụt đúng theo quy định (khoảng 2-3% tổng đàn) và khi xuất bán trọng lượng gà phải đạt chuẩn. Nếu đáp ứng các điều kiện này, khi bán gà sẽ được ăn thêm phần trăm từ lợi nhuận. Còn trong quá trình nuôi cám, vắc xin sẽ được chuyển thẳng từ công ty lên trang trại.
Kết quả, đến ngày 10 tháng 12 âm lịch năm ngoái, đàn gà vạn con của anh đến kỳ xuất chuồng, trọng lượng mỗi con đạt trung bình 2-2,2kg/con, tỷ lệ gà trống cũng chiếm đến gần 80% nên khách mua cực kỳ ưa chuộng.
“Lúc xuất bán còn may hơn vì giá gà bất ngờ tăng mạnh, lên gần như gấp đôi khi đầu mối chấp nhận cân gà tại chuồng với giá 110.000 đồng/kg. Dân buôn ở chợ gà Hà Vĩ còn đánh xe tải lên tận trang trại cân gà. Chỉ trong vòng 1 tuần, đàn gà cả vạn con được dân buôn bắt mua sạch”, anh khoe.
Anh Hòa tiết lộ, sau khi bán hết đàn gà ri mận, anh ngồi tính toán cụ thể thì lãi đúng 1,1 tỷ đồng. Mỗi con gà cả tiền giống, tiền cám, tiền thuốc thú y, tiền nhân công chăm sóc, tiền thuê chuồng trại chỉ hết 120.000 đồng/con; ngoài ra, anh cũng chi trả cho hai công nhân thêm 50 triệu đồng mỗi người vì đã thực hiện đúng cam kết. Tính ra, bán hết đàn gà, coi như anh lãi được một nửa.
“Năm nay tôi dự kiến tháng 8 sẽ vào 1,5 vạn gà ri mận để bán Tết âm vì khu chuồng trại đã được mở rộng thêm, khu đất trống rất rộng, gà có thể ăn, ngủ trong chuồng, còn đất trống thì để chúng chạy nhảy thoải mái.
Theo Như Băng/VietnamNet