Lộ diện công ty chứng khoán vụ doanh nghiệp yến sào xuất hóa đơn 34.000 tỉ đồng trong 7 ngày

01/08/2023 14:23

Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã gửi yêu cầu đến Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) để xác minh nội dung liên quan đến việc công ty yến sào xuất hóa đơn 34.000 tỉ đồng nhưng đến nay công ty này vẫn chưa có trả lời.

lo-dien-cong-ty-chung-khoan-vu-doanh-nghiep-yen-sao-xuat-hoa-don-34000-ti-dong-trong-7-ngay-1690874574.jpg
Sự việc công ty yến sào xuất hóa đơn 34.000 tỉ đồng vào thị trường chứng khoán gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua - Ảnh: T.L

Cơ quan thuế yêu cầu HSC xác minh

Lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM đã cho biết như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online. Theo vị lãnh đạo này, sự việc một công ty yến sào xuất hóa đơn 34.000 tỉ đồng chỉ trong vòng một tuần không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận mà Tổng cục Thuế và các cơ quan chức năng khác cũng rất quan tâm và yêu cầu Cục Thuế TP.HCM báo cáo.

Theo báo cáo trước đó của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, công ty yến sào xuất hóa đơn 34.000 tỉ đồng, tương đương 1,5 tỉ USD vào thị trường chứng khoán là Công ty TNHH yến sào Hubnest, mới được thành lập vào ngày 11-10-2022. 

Công ty đặt trụ sở trên đường Phạm Văn Đồng, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Giải trình với cơ quan thuế, công ty yến sào này cho biết thực tế có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30. Công ty thực hiện giao dịch thông qua Công ty chứng khoán HSC bằng phương thức khớp lệnh.

Doanh thu phát sinh trong quý 1 lên đến hơn 34.574 tỉ đồng, cao hơn nhiều lần so với số vốn đăng ký của doanh nghiệp là 2,5 tỉ đồng.

Hóa đơn đầu vào không phát sinh thuế VAT, nhưng doanh nghiệp xác định giá trị mua vào trên tờ khai thuế VAT thông qua bảng kê chi tiết giao dịch của Công ty chứng khoán HSC. 

Hóa đơn đầu ra công ty này ghi nội dung là "Hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2210 tháng 10-2022, VN30F2211 tháng 11-2022, VN30F2212 tháng 12-2022, VN30F2301 tháng 1-2023, VN30F2302 tháng 2-2023, VN30F2303 tháng 3-2023". Ở mục tên người mua là "khách hàng không lấy hóa đơn".

Do vậy Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã gửi yêu cầu xác minh tới Công ty chứng khoán HSC về nội dung này nhưng đến nay đã hơn một tuần mà công ty vẫn chưa trả lời.

Trước đó PV Tuổi Trẻ Online cũng đã liên hệ với Công ty chứng khoán HSC về nội dung này nhưng phía công ty từ chối trả lời. 

Khó hiểu

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường đại học Kinh tế TP. HCM, nhìn nhận nếu doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính 1:4 (1 đồng vốn, 4 đồng vay ký quỹ) thì với số vốn thấp vài tỉ đồng cũng khó có thể nâng doanh thu lên hàng chục ngàn tỉ đồng trong thời gian ngắn. 

Chẳng hạn, nếu trong 7 ngày, doanh nghiệp giao dịch khoảng 30.000 hợp đồng chứng khoán phái sinh, thì một ngày phải giao dịch 4.000 hợp đồng. 

Nếu một hợp đồng mất 1 phút để giao dịch thì 4.000 hợp đồng cần 66 tiếng (trong khi một ngày chỉ có 24 tiếng). Như vậy, có thể công ty mua nhiều hợp đồng cùng lúc. Nhưng giá trị một hợp đồng yêu cầu ký quỹ như vậy cũng cao. 

Để biết chính xác về việc có bất thường hay không, Cục Thuế TP.HCM cần phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán để xác minh. Lưu ý, các giao dịch chứng khoán phái sinh kể trên không phát sinh thuế VAT, nên không cần phải khai hóa đơn VAT. 

Vì vậy việc doanh nghiệp khai xuất hóa đơn có thể đã "gây hoang mang cho cơ quan thuế".

Theo ông Huân, vì mục tiêu của việc xuất hóa đơn là để nộp thuế VAT, nên các giao dịch trên chỉ cần ghi nhận doanh thu trên báo cáo tài chính là đủ. 

Về các nghi ngờ mua bán hóa đơn, TS Huân cho rằng thông thường doanh nghiệp phải có hóa đơn đầu vào VAT dư, thì mới bán hóa đơn đầu ra cho doanh nghiệp khác. Còn trường hợp việc xuất này, mục tên khách hàng cũng ghi là "khách hàng không lấy hóa đơn".

Đặc điểm của hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh là giao dịch mua - bán ngay lập tức (T0), đòn bẩy tài chính cao (có thể gấp sáu lần chứng khoán cơ sở), thị trường có thể biến động giao dịch rất mạnh trong ngày. 

Do đó giá trị giao dịch thường rất lớn. Chẳng hạn, hiện chỉ số của rổ VN30 đang neo ở mức 1.230,81 điểm, tương đương một hợp đồng tương lai của chỉ số này có trị giá khoảng 123,8 triệu đồng. Tuy nhiên nhà đầu tư chỉ cần có vốn hơn 30 triệu đồng là có thể giao dịch.

Trong khi đó Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết đây là trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh lần đầu tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh.

"Công ty TNHH yến sào Hubnest kinh doanh chứng khoán thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù, có tính chất pháp lý phức tạp và Chi cục Thuế quận Bình Thạnh lần đầu quản lý doanh nghiệp có loại hình kinh doanh chứng khoán phái sinh. 

Do vậy, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đề nghị Cục Thuế TP.HCM chỉ đạo, hướng dẫn và phân cấp quản lý", báo cáo của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh nêu.

Dẫn quy định tại Luật Kinh doanh chứng khoán số 54 ban hành năm 2019 và nghị định 123 của Chính phủ về quản lý hóa đơn chứng từ, Chi cục Thuế Bình Thạnh đề xuất trường hợp công ty kinh doanh yến nhưng có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh thì khoản thu nhập này không chịu thuế VAT theo quy định tại thông tư 219. 

Tuy nhiên, công ty vẫn phải lập hóa đơn theo quy định.

Ánh Hồng - Báo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/lo-dien-cong-ty-chung-khoan-vu-doanh-nghiep-yen-sao-xuat-hoa-don-34-000-ti-dong-trong-7-ngay-20230731200158587.htm