Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Lỗ ròng 1.900 tỷ đồng, FLC giải trình sao?

30/04/2020 16:40

FLC cho biết việc tập đoàn chuyển từ lãi sang lỗ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản khiến giá vốn của doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

FLC cho biết việc tập đoàn chuyển từ lãi sang lỗ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản khiến giá vốn của doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn FLC báo lỗ gần 1.900 tỷ đồng (Ảnh: VT)

CTCP Tập đoàn FLC vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2020 trong đó ghi nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, FLC ghi nhận doanh thu đạt 4.767,5 tỷ đồng trong khi chi phí giá vốn tăng 2,15 lần so với cùng kỳ, đạt mức 6.215 tỷ đồng. Điều này khiến cho FLC báo lỗ gộp 1.447,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết cũng ghi nhận chi phí tài chính tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ Quý 1/2019, đạt 367,9 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay đạt 130,8 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Một số chỉ tiêu kinh doanh của FLC (Nguồn: FLC)

Các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và lỗ khác (cùng kỳ hoạt động khác báo lãi 41,6 tỷ đồng) cũng góp phần khiến kết quả kinh doanh của FLC trong Quý 1/2020 kém khả quan.

Tập đoàn này báo lỗ sau thuế 1.891 tỷ đồng. Trong đó, 1.171,5 tỷ đồng là khoản lỗ sau thuế của công ty mẹ; 719,9 tỷ đồng là lỗ của cổ đông không kiểm soát.

Theo giải trình từ FLC, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý 1/2020 giảm và chuyển từ lãi sang lỗ chủ yếu là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản, dẫn đến giá vốn hàng bán tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến ngày 31/3/2020, quy mô tổng tài sản của FLC đạt 33.549 tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm.

Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm mạnh, từ 632,9 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 48,5 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn của tập đoàn này tăng từ 14.207 tỷ đồng lên mức 16.503 tỷ đồng.

Tiền và tương đương tiền của FLC giảm mạnh (Nguồn: FLC)

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối Quý 1/2020, quy mô vốn nợ phải trả của FLC đạt mức 23.781 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản lỗ trong kỳ khiến quy mô vốn chủ sở hữu của FLC giảm xuống chỉ còn 9.767,9 tỷ đồng./.

Nguyễn Ánh

Theo VietTimes

Bạn đang đọc bài viết "Lỗ ròng 1.900 tỷ đồng, FLC giải trình sao?" tại chuyên mục Chuyện thương trường.