Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ tác động thế nào đến Việt Nam?

17/12/2021 09:29

Sau thời gian dài áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, trước áp lực lạm phát cũng như đà hồi phục kinh tế, cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra lộ trình cụ thể cho chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới.

Fed cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng. Trong đó, Fed đã giảm mua tài sản khoảng 15 tỷ USD trong tháng 11 và sẽ nâng mức giảm lên 30 tỷ USD trong tháng 12/2021. Từ tháng 1/2022, Fed chỉ mua 60 tỷ USD tài sản mỗi tháng, bằng một nửa so với mức mua tài sản 120 tỷ USD trước đây.

Sau khi kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân, Fed kỳ vọng sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại.

Trong dự báo mới nhất, các thành viên của Fed đều nghiêng theo hướng nâng lãi suất. Biểu đồ “dot-plot” – bao gồm dự báo lãi suất của từng thành viên – cho thấy chỉ 6 trong số 18 thành viên của FOMC dự báo có ít hơn 3 lần nâng lãi suất trong năm 2022 và không thành viên nào dự báo giữ nguyên lãi suất.

Và dù động thái siết chặt tiền tệ này của Fed đã được dự đoán từ trước nhưng chắc chắn sẽ có một số tác động nhất định đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước cũng như một số yếu tố vĩ mô. 

Về lý thuyết, việc tăng lãi suất cơ bản của Fed tất yếu sẽ làm cho đồng USD tăng giá và đồng thời làm cho vàng, chứng khoán và các đồng tiền khác giảm giá. Khi lãi suất của USD tăng lên thì giá trị của USD tăng so với các đồng tiền khác. Nhà đầu tư mua USD nhiều hơn, cũng có nghĩa là dòng vốn vào thị trường vàng và chứng khoán giảm tuân theo nguyên lý “lãi suất và thị giá chứng khoán luôn có sự biến động ngược chiều”.

Rõ ràng không bất ngờ khi giá vàng thế giới giảm trong phiên ngày thứ Tư (15/12) giảm sau tuyên bố của Fed. Kết thúc phiên giao dịch 15/12, hợp đồng vàng tương lai giảm 0.5%. Việc giảm bớt các biện pháp kích thích và nâng lãi suất có xu hướng thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng, qua đó sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.

Tác động nhất định đến dòng vốn đầu tư và tỷ giá

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, Fed chính thức phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lạm phát tại Mỹ và trên toàn cầu đang ở mức rất cao. Thứ hai, vấn đề việc làm tại Mỹ đã có nhiều cải thiện. Thứ ba, hoạt động sản xuất kinh doanh khác tại Mỹ đã có những tín hiệu phục hồi tích cực.

Khi Fed tăng lãi suất sẽ gây ra một số tác động lên nền kinh tế vĩ mô.

Trước hết, khi Fed tăng lãi suất thì rõ ràng lãi suất đồng USD sẽ tăng lên trên toàn cầu.

Thứ hai, việc này có thể tạo ra làn sóng các NHTW khác tăng lãi suất.

Thứ ba, tỷ giá đồng USD sẽ mạnh lên, tất nhiên không nhiều, vì điều này đã được dự báo từ trước.

Thứ tư, dòng vốn đầu tư có thể bị rút khỏi một số thị trường mới nổi, có thể chảy về Mỹ hoặc châu Âu khi lãi suất ở những nơi này được tăng lên. “Tôi hy vọng điều này sẽ không xảy ra hoặc xảy ra rất ít với Việt Nam như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2013-2015 trước đây. Tuy nhiên, nếu triển vọng kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, môi trường đầu tư hấp dẫn thì họ sẽ vẫn giữ dòng vốn đầu tư tại Việt Nam”, ông Lực kỳ vọng.

Nhìn lại quá khứ, ngay cả trong giai đoạn Fed thực hiện nâng lãi suất vào cuối năm 2015 sau gần một thập kỷ trì hoãn, thì các tác động tiêu cực và trực tiếp ảnh hưởng lên Việt Nam không thực sự rõ nét. Lãi suất trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay cũng như lãi suất trong nền kinh tế liên tục trong xu hướng đi xuống; tỷ giá duy trì được mức giảm giá gần 2%/năm đều đặn; dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân luôn duy trì ổn định...

fed-can-van-luc-1639708037.png

Về NHTW các nước, họ sẽ phải phân tích và đánh giá, tùy bối cảnh từng nước để có hành động phù hợp.

Nói riêng về Việt Nam, cần phải lưu ý theo dõi vì khi Fed thắt chặt tiền tệ cũng sẽ có một số tác động nhất định đến dòng vốn đầu tư và tỷ giá dù không nhiều vì việc thắt chặt tiền tệ này đã được dự báo từ trước.

“Lãi suất về cơ bản vẫn giữ ổn định, một số khuyến nghị gần đây còn cho rằng nên giảm tiếp lãi suất điều hành nhưng cá nhân tôi không đồng ý, cho rằng mức lãi suất hiện nay đã ở mức tương đối thấp, nên cố gắng giữ ổn định cả lãi suất điều hành, lãi suất huy động và cho vay. Đây cũng là cách để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi”, ông Lực kiến nghị thêm.

Có thể cân đối để VND mất giá nhẹ và tăng nhẹ lãi suất

Ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của CTCK MBS cho biết, thực tế là các NHTW nhỏ đã lường trước động thái này của Fed và bản thân Fed trước đây cũng đã đưa ra tín hiệu cho thị trường rồi. Một số NHTW ở thị trường mới nổi đã tăng lãi suất trước áp lực lạm phát và nhìn trước chính sách điều hành tiền tệ của Fed như Hàn Quốc, New Zealand, Brazil và Nga… Đặc biệt là những NHTW đang chịu áp lực lạm phát cao thì họ sẽ tăng sớm hơn.

Câu chuyện Fed sẽ tăng lãi suất đã được dự đoán trước nếu lạm phát không có xu hướng giảm hoặc giảm không dưới 2%. Do đó, chắc chắn các NHTW khác cũng sẽ bắt đầu xu hướng tăng lãi suất, nhất là những nước ở thị trường mới nổi – những quốc gia có sự nhạy cảm trước áp lực lạm phát và sự bị động của đồng nội tệ.

fed-hoang-cong-tuan-1639708037.png

Rõ ràng, ngay sau động thái của Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã thông báo nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, nâng lãi suất cơ bản từ 0.1% lên 0.25% giữa lúc lạm phát ngày càng tăng.

Còn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang hết sức thận trọng. Có thể thấy rằng trong thời gian qua kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng, tuy nhiên, trong năm 2021 và có thể trong năm 2022, NHNN không hạ tiếp mặt bằng lãi suất mặc dù có những áp lực nhất định. Trong thời gian tới, Mỹ chỉ đưa ra lộ trình, và có thể có sự sai biệt nếu áp lực lạm phát nguội đi, tuy nhiên, tổng thể thì lộ trình tăng lãi suất của Fed đã rõ ràng rồi. Do đó, trong năm sau Việt Nam có thể đứng trước 2 lựa chọn.

Thứ nhất, khi Mỹ tăng lãi suất, sẽ gây áp lực lên VND, nếu muốn bảo vệ VND, chúng ta bắt buộc phải tăng lãi suất.

Thứ hai, nếu vẫn muốn hỗ trợ nền kinh tế hơn sau đại dịch thì NHNN có thể chấp nhận để cho VND mất giá một chút so với USD, tuy nhiên không thể quá 3% để tránh gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Nếu điều hành tỷ giá ở mức 3% trở xuống sẽ không gây áp lực lên cân đối vĩ mô khác, do đó, “NHNN có thể lựa chọn để VND mất giá nhẹ và lãi suất tăng nhẹ là hài hòa nhất, không gây áp lực lên thị trường và nền kinh tế”, ông Tuấn khuyến nghị.

Về cơ bản, lãi suất sẽ vẫn ổn định và tùy vào tình hình thực tế có thể đi lên nhẹ sau khi Mỹ chính thức tăng lãi suất.

Theo Cát Lam/Vietstock