Loạt dự án FDI ở Việt Nam được "rót" thêm hàng trăm triệu USD

28/02/2022 06:59

Trong 2 tháng đầu năm 2022, một số dự án lớn đã điều chỉnh tăng vốn, "rót" thêm hàng trăm triệu USD vào Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết tính đến 20-2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5 tỉ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, vốn đăng ký mới có 183 dự án (tăng 45,2% so với cùng kỳ), đạt gần 631,8 triệu USD. Vốn điều chỉnh tăng thêm đạt gần 3,6 tỉ USD, tại 142 dự án.

ss2-164373035448968953447-1646006254.jpeg
Samsung đầu tư thêm 920 triệu USD vào Thái Nguyên

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỉ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỉ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan,…

Nếu xét về số lượng dự án trong 2 tháng đầu năm, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần lớn nhất.

Trong 2 tháng qua, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu trong thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 1,3 tỉ USD. Thái Nguyên mặc dù không thu hút được dự án mới, song với 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn đã giúp tỉnh này xếp thứ 2 với gần 924 triệu USD.

Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, nếu xét về số dự án FDI mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, có một số dự án FDI "khủng" như: Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên; Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, việc thu hút vốn FDI đạt kết quả khả quan.

Theo Minh Chiến/NLD