Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Lối thoát nào cho Coteccons?

12/10/2019 06:26

Được coi là 'anh cả' trong ngành xây dựng Việt Nam, nhưng CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) đối mặt với mâu thuẫn nội bộ dai dẳng nên hoạt động kinh doanh ngày càng xuống dốc.

Được coi là 'anh cả' trong ngành xây dựng Việt Nam, nhưng CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) đối mặt với mâu thuẫn nội bộ dai dẳng nên hoạt động kinh doanh ngày càng xuống dốc.

Mâu thuẫn giữa lãnh đạo Coteccons và nhóm cổ đông ngoại Kusto đã âm ỉ từ năm 2017, và đã lên tới đỉnh điểm tại Đại hội cổ đông được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua.

Cơ cấu cổ đông của Coteccons

Mâu thuẫn nội bộ kéo dài

Đỉnh điểm mâu thuẫn nội bộ ở Coteccons xuất hiện khi Kustocem cực lực phán đối kế hoạch Coteccons nhận sáp nhập Ricons- doanh nghiệp mà Coteccons sở hữu 15% vốn.

Theo đại diện của Kustocem Pte. Ltd, thương vụ M&A với Ricons không cho thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng, không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Thay vào đó, Ban lãnh đạo Coteccons tập trung vào giá trị cốt lõi của Công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thương vụ M&A này.

“Việc sử dụng cổ phiếu của Công ty để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng”, đại diện của Kustocem nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Coteccons đang phải đối mặt với chính “người nhà”, đó là CTCP Xây dựng Central - Central Cons. Chủ tịch HĐQT của Central Cons là ông Trần Quang Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc và cũng là một trong những cổ đông sáng lập Coteccons. Dù mới thành lập nhưng Central Cons liên tiếp trúng thầu nhiều hợp đồng lớn, đặc biệt từ những khách hàng truyền thống của Conteccons.

Các chuyên gia cho rằng, mâu thuẫn nội bộ của Coteccons kéo dài do quản trị doanh nghiệp không được đảm bảo chính là nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu CTD liên tục sụt giảm trong thời gian qua.

Trước các mâu thuẫn cũ và bất hòa mới, ban lãnh đạo của Coteccons đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn năm trước. Theo đó, năm 2019, Coteccons chỉ đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 27.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,5% và 14% so với năm 2018.

Các mảng kinh doanh đều sụt giảm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019, doanh thu của Coteccons chỉ đạt 5.788 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận gộp cũng chỉ đạt 183,9 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp quý 2/2019 chỉ đạt 3,1%, chỉ bằng một nửa so với quý 2/2018 (gần 6,8%). Theo đó, lợi nhuận sau thuế 71% so với cùng kỳ xuống 124 tỷ đồng- mức thấp nhất từ quý 2/2015.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Coteccons đạt 10.038 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% so với nửa đầu năm 2018; lãi sau thuế hơn 312 tỷ đồng, giảm 56% so cùng kỳ.

Giải thích về doanh thu và lợi nhuận giảm, Ban Lãnh đạo Coteccons cho rằng, biên lợi nhuận của Công ty giảm là do cạnh tranh và thương lượng giá từ các chủ đầu tư. Hiện Công ty đang nỗ lực đa dạng hóa để giảm phụ thuộc vào thị trường nhà ở trong bối cảnh nguồn cung bất động sản bị siết chặt, đồng thời tích cực mở rộng sang xây dựng Trung tâm Thương mại, nhà xưởng, resort & khách sạn...

Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm cho thấy, đóng góp của mảng xây dựng nhà ở giảm nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng từ xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn &và resort không thể bù đắp cho sự suy giảm của các mảng kinh doanh khác.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Coteccons chỉ mới đạt được 37% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.

Lưu chuyển dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Coteccons vẫn âm tới gần 146 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019 do khoản phải thu lớn, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến không quá 1 năm của Coteccons giảm 222 tỷ đồng. Doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, tiền gửi giảm (kéo theo tổng tài sản giảm khoảng 1.200 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019), cho thấy Coteccons đang chưa tìm được lối thoát khó.

Một chuyên gia quản trị cho rằng, nếu mâu thuẫn nội bộ ở Coteccons tiếp tục kéo dài, sẽ tiếp tục cản trở chiến lược phát triển của doanh nghiệp này. “Mâu thuẫn nội bộ sẽ chỉ được hóa giải khi lãnh đạo Coteccons tìm được tiếng nói chung với nhóm cổ đông ngoại Kusto, với điều kiện những quyết định liên quan đến nhóm cổ đông nào thì nhóm ấy không được biểu quyết”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết thêm, nếu nhóm nhà cổ đông liên quan đến Kusto tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu ở Coteccons và liên kết với các cổ đông ngoại khác để có tỷ lệ chi phối cũng là một hướng đi mới cho Coteccons trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Triển vọng ngành xây dựng

Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý III và dự báo quý IV/2019 do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho biết, với số lượng khoảng 5.500 doanh nghiệp, đại diện cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp có hoạt động xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tới 36,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn so với quý I/2019.

Dự báo quý IV/2019, chỉ có 22,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 40,9% nghiệp nhận định giữ ổn định và 36,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Con số nói trên cho thấy, doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân do cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng mạnh, thị trường bất động sản chững lại, NHNN siết tín dụng đối với BĐS.

Tuy nhiên, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân hơn 420.000 tỷ đồng năm 2019, trong đó hiện mới chỉ hoàn thành được 32% kế hoạch, và như vậy động lực giải ngân cuối năm là rất lớn.

Ngoài ra, làn sóng chuyển dịch sản xuất sang khu vực Đông Nam Á đang giúp các nhà thầu xây dựng có uy tín có thêm công ăn việc làm, đồng thời vốn FDI đăng ký đạt 35,8 USD là nhân tố quan trọng đối với hoạt động xây dựng trong năm 2019-2020.

Những yếu tố nói trên vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng nói chung và Coteccons nói riêng.

Hà Phương

Bạn đang đọc bài viết "Lối thoát nào cho Coteccons?" tại chuyên mục Chuyện thương trường.