Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Luckin Coffee - 'gã tí hon' thách thức sự thống trị của Starbucks tại Trung Quốc

30/12/2018 14:07

Sau gần một năm đi vào kinh doanh, Luckin Coffee đang thách thức Starbucks - gã khổng lồ của Mỹ, tại một trong những thị trường hàng đầu của thế giới.

Hơn 1.700 cửa hàng cà phê Luckin đã mọc lên trên khắp Trung Quốc trong năm nay. Đặc biệt nhãn hiệu này còn có một cửa hàng ở khu du lịch Tử Cấm Thành của Bắc Kinh - địa điểm văn hóa lịch sử mà Starbucks đã bị "trục xuất" hơn một thập kỷ trước.

Luckin lên kế hoạch sở hữu 2.000 cửa hàng vào cuối năm nay. Đó là thu hút khách hàng với các sản phẩm giá rẻ và sử dụng công nghệ trong các khâu, điều này buộc Starbucks phải tăng cường áp lực.

Sự gia tăng nhanh chóng của Luckin để thách thức chuỗi cửa hàng cà phê của Mỹ cho thấy những người Trung Quốc mới nổi đang ngày càng cạnh tranh với các thương hiệu phương Tây tại một trong những thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới.

Không giống như các cửa hàng cà phê của Starbucks, hầu hết các chi nhánh của Luckin đều là những gian hàng nhỏ ở những nơi nhận đơn đặt hàng trực tuyến cho cả giao hàng và nhận hàng.

Luckin Coffee - 'gã tí hon' thách thức sự thống trị của Starbucks tại Trung Quốc - ảnh 1

Luckin tận dụng ưu thế về công nghệ để tạo ra sự khác biệt so với Starbucks. Ảnh: Holobase

Quan trọng hơn, Luckin đã đặt công nghệ làm trung tâm của hoạt động kinh doanh ngay từ đầu. Các cửa hàng của hãng này không chấp nhận tiền mặt, thay vào đó khách hàng chỉ có thể thanh toán qua ứng dụng Luckin, nơi thậm chí cung cấp tiền thưởng cho khách hàng thân thiết.

"Nó rất thuận tiện và tiết kiệm thời gian", anh Hans Wang - một nhà nghiên cứu 33 tuổi ở thành phố Hàng Châu, nói. Anh Wang đặt hàng bằng cách sử dụng ứng dụng Luckin và sau đó chỉ việc đến một cửa hàng để lấy đồ uống.

Khách hàng tại thị trường "tỷ dân" hiện đang yêu cầu các loại dịch vụ tại Trung Quốc phải ngày càng mang tính kết nối. Nhưng cho đến gần đây, Starbucks đã không cung cấp được dịch vụ này.

"Starbucks có một điểm yếu", ông Jeffrey Towson - giáo sư tại Đại học Bắc Kinh và chuyên gia kinh doanh, chia sẻ. "Việc họ không chấp nhận giao hàng thật nực cười, còn ứng dụng của họ dở tệ".

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Starbucks sau Mỹ. Với khoảng 3.000 cửa hàng trên cả nước, con số mà Luckin vẫn chưa thể vượt qua. Thương hiệu phương Tây này có kế hoạch tăng gấp đôi con số đó vào cuối năm 2022.

Nhưng vào tháng 6, các báo cáo cho thấy sự sụt giảm đột ngột ở Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ sự gia tăng cạnh tranh, mà các nhà phân tích cho rằng Luckin là nhân tố hàng đầu.

Có một sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Luckin và Starbucks. Vào tháng 5, Luckin đã kiện công ty có trụ sở tại Seattle, tuyên bố họ đã nắm giữ thế độc quyền trên thị trường.

Đáp lại, Starbucks nói với truyền thông Trung Quốc rằng: "Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh có trật tự, thúc đẩy lẫn nhau, đổi mới liên tục, cải tiến liên tục chất lượng và dịch vụ và tạo ra giá trị thực sự cho người tiêu dùng Trung Quốc".

Luckin Coffee - 'gã tí hon' thách thức sự thống trị của Starbucks tại Trung Quốc - ảnh 2

Hiện Luckin chỉ có kế hoạch mở thêm hàng trăm cửa hàng trong vài năm tới. Ảnh: QZ

Starbucks hiện đang có động thái đáp trả. Vào tháng 8, công ty này đã hợp tác với Alibaba - công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, để ra mắt dịch vụ giao hàng tận nhà. Một tháng sau, Luckin tuyên bố hợp tác với một công ty internet lớn khác của Trung Quốc là Tencent.

Ông Yuwan Hu - một nhà phân tích tại Daxue Consulting Thượng Hải, nói rằng sự cạnh tranh từ Luckin cũng đang khiến Starbucks tăng cường hơn nữa bằng cách tập trung nhiều hơn vào việc gìn giữ thương hiệu của mình tại Trung Quốc. Các cửa hàng cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn cà phê cao cấp hơn trong một không gian bán lẻ lớn hơn, sang trọng hơn.

Starbucks 'Reserve Ro Abbey tại Thượng Hải, khai trương vào cuối năm 2017, là cửa hàng lớn nhất của công ty toàn trên thế giới.

Luckin Coffee - 'gã tí hon' thách thức sự thống trị của Starbucks tại Trung Quốc - ảnh 3

Chi nhánh Starbucks 'Reserve Ro Abbey tại Thượng Hải với diện tích rộng 3000m2. Ảnh: CNN

Luckin tập trung vào việc cạnh tranh về giá, theo ông Hu. Công ty khuyến khích giảm giá trên mạng xã hội phổ biến của Tencent - WeChat, còn cà phê của hãng này thường rẻ hơn so với Starbucks.

Suyu Meng, 25 tuổi, làm việc tại một công ty khởi nghiệp công nghệ ở Bắc Kinh, cho biết cô bị giằng xé giữa hai thương hiệu cà phê này. Cô bị thu hút bởi giá cả của Luckin, nhưng cũng thích trải nghiệm cao cấp hơn tại Starbucks, nơi cô có thể gặp gỡ bạn bè.

Ông Towson mô tả Luckin tương đương với Xiaomi - nhà sản xuất điện thoại thông minh mới nổi  tại Trung Quốc, đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của đất nước này bằng cách bán các sản phẩm thay thế rẻ hơn so với dòng điện thoại iPhone của Apple.

Để thành công, Luckin không nhất thiết phải cố gắng vượt qua Starbucks để trở thành thương hiệu cà phê hàng đầu của Trung Quốc. Các nhà phân tích nói rằng thị trường này đủ lớn cho cả hai.

Hiện tại, Luckin đang mất tiền khi tìm cách phát triển, một tình huống phổ biến đối với các công ty khởi nghiệp trẻ.

"Chúng tôi chưa đặt thời gian biểu cho lợi nhuận", Du Yang - đại diện của công ty, cho biết.

Vào tháng 12, công ty đã huy động 200 triệu USD tiền tài trợ mới từ các nhà đầu tư, đưa ra mức định giá hơn 2 tỷ USD, theo Du.

Thách thức dài hạn đối với cả Luckin và Starbucks là chuyển đổi nhiều thói quan uống trà truyền thống của người Trung Quốc sang thức uống mới là cà phê.

Người dân Trung Quốc hiện chỉ tiêu thụ trung bình 5 tách cà phê mỗi năm, trong khi con số ở Mỹ là khoảng 400.

"Câu hỏi đặt tra cho họ bây giờ là: Người Trung Quốc thích cà phê đến mức nào?", ông Towson nói.

Theo CNN