Trong khi thiên hạ không dòm ngó thì ông lại ôm được rất nhiều tiền nhờ đi ngược số đông.
Trên thị trường bất động sản, người ta thường tìm mua mảnh đất đắc địa, căn hộ ở vị trí đẹp để bán kiếm lời. Nhưng người đàn ông này lại tìm con đường đi ngược số đông.
Ông Tang Shing-bor (sống ở Hong Kong, Trung Quốc) có khối tài sản hơn 5 tỷ USD nhờ bất động sản. Tuy nhiên, ông lại chuyên tìm những khu bất động sản mà ít người dòm ngó.
Ở thời điểm năm 2003, ông đứng bên bờ vực vỡ nợ nhưng bây giờ đã có khối tiền lớn nhờ chú trọng đến các bất động sản công nghiệp bỏ hoang.
Ví dụ như Tins Plaza là nhà máy sản xuất nhựa bị bỏ hoang có cơ sở vật chất tồi tàn ở quận Tuen Mun đã được ông phát hiện ra.
Với nhiều người, nơi này chỉ là địa điểm bỏ hoang song ông Tang xem đó là "viên ngọc quý". Đây là một trong những bất động sản bị lãng quên khắp Hong Kong trị giá khoảng 36 triệu USD mà ông mua năm 2005.
Chỉ 2 năm sau đó, giá trị của khu đất tăng gấp 3 lần. Nhờ cách mua các bất động sản công nghiệp vô chủ như Tins Plaza rồi bán hoặc cải tạo, ông đã đứng trong danh sách những người giàu có nhất ở Hong Kong năm 2016.
Trong năm 2019, số tiền ông chi để mua các bất động sản công nghiệp ở Hong Kong tốn khoảng 700 triệu USD.
Ở thời điểm đó, ông đang "để mắt" đến một tòa nhà đổ nát bên cạnh sân bay Kai Tak cũ của Hong Kong mà cơ quan chức năng của đặc khu hành chính này đang bán để tái phát triển.
“Đây là cơ hội tốt nhất mà tôi từng thấy,” Tang nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi. Đến nay, Tang đã mua 73% các tòa nhà gần sân bay cũ của Hong Kong. Việc tái thiết Kai Tak chắc chắn sẽ làm tăng giá bất động sản quanh khu này
Ít người biết rằng ông từng bán đèn neon hồi những năm 1950, đến năm 1970 làm chủ nhà hàng. Khi còn nhỏ, ông đã trải qua tuổi thơ vất vả. Cha mất năm lên 5 tuổi và được mẹ nuôi. Mẹ của ông làm việc trong nhà máy với mức lương thấp để nuôi con.
Ông vẫn còn nhớ những ngày đi lang thang bên ngoài các nhà hàng với cái bụng đói. Khi lớn lên, chính những ngày nghèo khó đã rèn cho ông sự dũng cảm.
Ông chỉ tốt nghiệp tiểu học. Năm 1950, ông làm tại một cửa hàng bán biển hiệu đèn neon. Năm 20 tuổi, ông mở cửa hàng riêng, sau đó mở nhà hàng bán dimsum rồi kiếm tiền nhờ mua đi bán lại các cửa hàng.