Lý do Chanel chỉ bán cho mỗi người Hàn Quốc một chiếc túi bất chấp 'cơn khát' hàng xa xỉ ngày càng tăng cao

16/10/2021 08:00

Thương hiệu thời trang đình đám thế giới đã hạn chế số lượng túi bán ra cho mỗi người sau khi nhận thấy thị trường bán lại quá sôi động. Theo ghi nhận, cơn khát hàng xa xỉ ở xứ củ sâm đang lớn hơn bao giờ hết bất chấp đại dịch và sẽ còn tăng nhiều hơn trong vài năm tới.

Chanel đã bắt đầu hạn chế số lượng túi mỗi khách hàng có thể mua ở Hàn Quốc trong nỗ lực duy trì tính độc quyền theo phương châm “hàng thật là hàng hiếm, hàng hiếm là hàng thật” của hãng. Thương hiệu thời trang nổi tiếng sẽ áp dụng đối với 2 mẫu túi xách phổ biến nhất là túi nắp gập Timeless Classic và Coco Handle.

Theo tiết lộ, mỗi khách hàng sẽ chỉ được phép mua một chiếc túi xách mỗi năm. Một chính sách khác tương tự cũng dự kiến được đưa ra, đó là sẽ hạn chế người tiêu dùng không mua quá 2 sản phẩm giống nhau.

a638c7af-871c-4bc1-9ed1-555fb9-2002-2690

Ảnh: Chanel

Biện pháp này được đưa ra sau khi số lượng túi Chanel bán lại ngày càng tăng. Tại các cửa hàng bách hóa lớn ở Seoul, có hàng dài người xếp hàng từ sáng sớm để chờ mua túi. Ngay khi cửa vừa mở, những người này sẽ lập tức ùa vào để mua được những món đồ mong muốn. Trong khi một số người đến đó với mục đích sở hữu túi của riêng mình nhưng số khác lại mua để đầu cơ rồi bán lại với giá cao hơn ở những nơi khác.

Theo Hankook Ilbo, một người mua túi Chanel cho biết cô ấy sẵn sàng trả cho người bán lại từ 250 đến 340 USD sau khi nhận thấy quá khó để vào được cửa hàng chính thức của hãng.

1cf7c44e-2d5a-486f-884f-48f69f-5549-6443

Ảnh: Reuters

Chanel đã tăng giá bán túi ở Hàn Quốc vào tháng 2, tháng 7 và tháng 9 năm nay nhưng người tiêu dùng dường như vẫn không quan tâm. Các nhà phân tích thị trường cho rằng đại dịch dường như đã làm tăng thêm cơn khát hàng xa xỉ khi nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân không được thỏa mãn.

Nhà mốt Chanel cũng không phải là nơi duy nhất hạn chế mua sắm trên đầu người. Trước đó, Hermes cũng chỉ cho phép khách hàng mua tối đa 2 chiếc túi cùng kiểu dáng mỗi năm. Rolex cũng tương tự khi mỗi người chỉ được mua một hoặc 2 chiếc đồng hồ mỗi năm.

Chính sách này của Chanel là để hạn chế thị trường bán lại nhưng nhiều người lại kỳ vọng giá túi sẽ tăng hơn nữa sau khi điều này được áp dụng. Một số ý kiến cho rằng, động thái này của nhà mốt liệu có hiệu quả với những người sành thời trang hay không thì còn phải chờ thời gian mới biết được. Khi được hỏi liệu quy tắc này có được áp dụng tại các cửa hàng ở quốc gia khác hay không thì phía Chanel từ chối bình luận.

0dbc33b4-157f-401e-a63c-e1f62b-8788-3001

Ảnh: AP

Theo Korea Times, Hàn Quốc là thị trường xa xỉ lớn thứ 7 thế giới tính đến năm 2020 và dự kiến sẽ vượt mốc 123 tỷ USD trong năm nay. Cùng với đó, thị trường bán lại hàng xa xỉ cũng dự kiến đạt 6 tỷ USD.

Korea Times

Theo Phương Kim/NDH