Khối tài sản khủng của "vua" tôm
Được thành lập từ năm 1992, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) hay còn gọi “Vua tôm” Minh Phú khi ấy chỉ là một xí nghiệp nhỏ có vốn điều lệ vỏn vẹn 120 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực thu mua, chế biến thủy sản cho các đơn vị trong nước xuất khẩu. Năm 2002, xí nghiệp Minh Phú giải thể và thành lập Công ty Xuất nhập khẩu Minh Phú – TNHH ra đời. Năm 2006, công ty được chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần.
Hơn một thập kỷ qua, người “chèo lái” doanh nghiệp không ai khác là ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng Quản trị cùng vợ là bà Chu Thị Bình – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc
Tính đến thời điểm 31/12/2017, ông Lê Văn Quang nắm giữ gần 16 triệu cổ phiếu MPC (tỷ lệ 23% vốn cổ phần), tương ứng giá trị sở hữu khoảng 864 tỷ đồng. Bà Chu Thị Bình nắm giữ 17,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 25% vốn cổ phần), trị giá 940 tỷ đồng.
Gần đây, thông tin bà Chu Thị Bình gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Eximank bị ông Lê Nguyễn Hưng – Nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Eximbank TP HCM lừa đảo 245 tỷ đồng lại khiến nhà đầu tư dồn sự chú ý vào sản nghiệp của gia đình này.
Diễn biến giá cổ phiếu MPC kể từ khi niêm yết lần đầu (Nguồn: VND) |
Minh Phú chính thức lên sàn từ tháng 12/2007 với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Năm 2013, bà Bình từng đứng thứ 29 trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị MPC nắm giữ lên tới gần 420 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2015 công ty hủy niêm yết do muốn thực hiện tăng vốn và tìm đối tác nước ngoài để mở rộng kinh doanh. Sau khi giao dịch trở lại trên UPCoM ngày 16/10/2017 với giá khởi điểm 79.000 đồng/cp, cổ phiếu MPC đã trải qua nhiều nhịp điều chỉnh mạnh. Chốt phiên ngày 23/2, MPC dừng ở mức 101.600 đồng/cp nhưng hết phiên giao dịch 26/2, mức giá này lùi sâu về 87.000 đồng/cp, tương ứng giảm 14,5%. Đồng nghĩa với việc, tổng tài sản nắm giữ của vợ chồng ông Quang “bay hơi” gần 488 tỷ đồng.
Ngoài vợ chồng ông Quang, em trai ông Quang là ông Lê Văn Điệp, em trai bà Bình là ông Chu Văn An và con gái Lê Thị Dịu Minh đều giữ chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc. Ông Điệp sở hữu gần 2 triệu cổ phiếu MPC. Trong khi đó, Ông An và bà Bình hiện sở hữu tương ứng 1,1 triệu và 3,1 triệu cổ phiếu MPC.
Bên cạnh đó, danh sách cổ đông lớn của MPC có sự xuất hiện của CTCP Đầu tư Long Phụng nắm giữ hơn 4 triệu cổ phiếu MPC (tỷ lệ 5,8% vốn). Được biết, Long Phụng do ông Quang và bà Bình cùng góp 45% vốn mỗi người. Như vậy, tổng số cổ phần “đại gia đình” ông Quang đang nắm giữ tại MPC lên tới hơn 43% vốn cổ phần, tương ứng giá trị sở hữu hơn 4.400 tỷ đồng.
Minh Phú sở hữu 12 công ty con, trong đó có 6 công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, MPC có 3 công ty liên kết là CTCP Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú (tỷ lệ 45,4% vốn điều lệ), Công ty TNHH Mekong Logistic (tỷ lệ 41% vốn điều lệ) và CTCP Cảng Minh Phú Hậu Giang (tỷ lệ 40% vốn điều lệ).
Báo lãi gần nghìn tỷ, nợ vay vẫn vượt vốn chủ sở hữu
2017, doanh nghiệp ngành tôm đã có một năm khởi sắc. Xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng hơn 22% đạt 3,85 tỷ USD. Nhờ đó, Minh Phú báo lãi lên đến 714 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với năm 2016, đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Nguồn: NH tổng hợp |
Tính riêng quý IV, "vua tôm" Minh Phú đạt 6.024 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 56% và lãi sau thuế lên đến 284 tỷ đồng lãi sau thuế; gấp 13,5 lần so với thực hiện 2016. Luỹ kế cả năm 2017, MPC đạt 16.853 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 41% và đạt mốc cao nhất kể từ khi niêm yết. Lãi sau thuế lên đến 714 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với 2016. Theo kế hoạch đề ra, công ty đã vượt 7% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ hoàn thành được 85% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Cuối quý, công ty cũng ghi nhận gần 1.777 tỷ đồng phải thu khác hàng, tăng đến 57% so với đầu năm 2017. Trong đó có khoảng 457 tỷ đồng từ một số khách hàng chính như Censea Inc, Kailis Bros PYT Ltd, H.T Foods Pvt Ltd...
Nguồn: NH tổng hợp |
Về cơ cấu tài sản, tại ngày 31/12/2017, tổng tài sản của Minh Phú đạt gần 9.498 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm 2017. Trong 5 năm qua, khoản mục hàng tồn kho luôn chiếm trung bình trên 50% tài sản ngắn hạn. Cuối 2017 ghi nhận 4.073 tỷ đồng, tăng đến 26% so với đầu năm và chiếm đến 43% tổng tài sản.
Nguồn: NH tổng hợp |
Đáng chú ý, trong năm Công ty cũng tích cực đi vay khi cuối năm 2017 khoản nợ ngân hàng gấp gần 2 lần so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của Minh Phú tại ngày 31/12/2017 là 6.506 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó tăng vay nợ ngân hàng ngắn hạn gấp 1,9 lần đầu năm 2017 lên gần 3.476 tỷ đồng, vay từ trái phiếu doanh nghiệp gần 2.043 tỷ đồng. Tiền lãi phải trả ngân hàng lên tới hơn 280 tỷ đồng
Nhìn chung, trong giai đoạn 2013 – 2017, khoản nợ phải trả của MPC tăng trưởng đều đặn, trong khi vốn chủ sở hữu khoảng 1.500 đến gần 3.000 tỷ đồng. Dù việc kinh doanh có khởi sắc nhưng có lẽ Minh Phú vẫn còn mất một thời gian khá lâu nữa khi còn phải chật vật "giải cứu" các khoản nợ vay.
Nhật Huyền
Theo Kinh tế & Tiêu dùng