Trước đây, cây trầu ở Nghi Ân, TP Vinh (Nghệ An) được trồng nhỏ lẻ, thường trồng để ăn. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nhiều hộ dân quyết định đầu tư mở rộng diện tích, biến trầu thành cây hàng hóa có giá trị cao, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Có diện tích cây trầu lớn nhất xã, ông Nguyễn Hồng Thái (xóm 5) cho biết, gia đình ông trồng trầu từ những năm 90 thế kỷ trước. Đến nay, vườn trầu của ông có diện tích hơn 1.500m2.
Mỗi ngày, vợ chồng ông hái bán khoảng 80-100 mớ trầu, riêng những ngày 30, 14 âm lịch, số lượng trầu bán ra gấp 3-4 lần bình thường. Với giá bán từ 8.000-10.000 đồng/mớ tùy thời điểm, mỗi tháng cây trầu cho gia đình ông thu nhập ổn định từ 25-35 triệu đồng.
Năm 2016, nhờ lá trầu được xuất khẩu sang Đài Loan mà thu nhập của gia đình ông đạt hơn 400 triệu đồng/năm. Hai năm trở lại đây, tuy không còn xuất ra nước ngoài, nhưng do nhu cầu sử dụng tăng nên lá trầu vẫn có đầu ra ổn định.
“Thời gian đầu tôi thu gom trầu từ các hộ dân địa phương, sau đó nhập cho thương lái. Tuy nhiên, vì lá trầu xuất khẩu đòi hỏi khắt khe về chất lượng nên nhiều hộ không đáp ứng được. Do không gom đủ hàng nên vợ chồng tôi quyết định dừng lại, chỉ bán trầu cho thương lái nội địa” ông Thái kể.
Là giống cây truyền thống, tuy nhiên ông Thái cho rằng, cây trầu rất khó trồng, dễ nhiễm bệnh, khả năng chống chịu kém. Hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lạnh giá, sương muối hay ngập úng đều có thể khiến cây bị chết.
Chính vì thế, để che chắn, bảo vệ vườn trầu nhà mình, vợ chồng ông mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới với số tiền hơn 300 triệu đồng. Hệ thống này giúp bảo vệ vườn trầu tránh được sâu bọ, cào cào từ ngoài vào phá ruộng. Ngoài ra, lưới bạt còn có tác dụng che chắn ánh nắng vào mùa hè, sương muối vào mùa đông.
Tiếng lành đồn xa, mô hình trồng trầu của ông Thái được nhiều bà con trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Cách đây không lâu, ông còn được một Công ty mời ra Hà Nội để nhân giống và trồng cây trầu trên diện tích 2ha.
Ông Thái cho biết, để có được vườn trầu đẹp thì ngoài cần cù, hiểu biết về kỹ thuật còn cần sự may mắn. Bởi vườn trầu do vợ chồng ông chăm sóc nhưng có mảnh 30 năm vẫn cho lá to, láng mịn... nhưng cũng có mảnh chỉ được vài năm là chết.
“Đầu năm nay, vườn trầu trước ngõ nhà tôi bỗng có hiện tượng hoại lá, một thời gian sau thì lan ra cả vườn. Dù đã dùng nhiều biện pháp khác nhau nhưng vườn trầu rộng 500m2 vẫn bị chết trắng” - ông Thái tiếc nuối.
Ở Nghi Ân, có nhiều gia đình từng gặp tình trạng tương tự. Những vườn trầu được đầu tư hàng chục triệu, nhưng chưa kịp lấy lại vốn thì cây nhiễm bệnh chết.
Theo ông Thái, loại cây này có một căn bệnh rất đặc biệt, chỉ cần một cây bị hoại lá thì cả vườn hàng trăm cây cũng sẽ lây bệnh rồi chết.
Không dừng lại ở đó, bệnh trên cây trầu còn lây lan từ vườn này qua vườn khác. Nếu không may bị nhiễm bệnh, phải mất 3-4 năm sau mới có thể trồng lại được. Trong khoảng chờ đợi, người dân phải cày bừa, bón vôi, bỏ thuốc diệt nấm thì mới sạch bệnh.
Mặc dù là cây trồng lâu đời nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về dịch bệnh trên cây trầu, vợ chồng ông chỉ biết chăm sóc, che chắn thật kỹ, tránh người lạ vào vườn.
Theo thống kê, hiện toàn xã Nghi Ân có hơn 100 hộ dân trồng trầu, tập trung nhiều nhất ở các xóm 5, 7, 8, 11 với tổng diện tích khoảng 2ha. Mỗi năm, cây trầu đem lại thu nhập cho người dân trên 120 triệu đồng/sào.
Theo Vietnamnet