Bởi trước đó, ông Trần Văn Dũng - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước - từng nói khi tình trạng nghẽn lệnh diễn ra triền miên: "Chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một mà là nhiều lời xin lỗi".
Theo ông Chí, từ nhiều năm nay, các nhà đầu tư đã bày tỏ bức xúc và đặt nghi vấn ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch FLC Group - thổi giá, thao túng hàng loạt cổ phiếu như FLC, ROS, HAI... Nhà quản lý không thể nói không biết, lẽ ra họ phải thanh tra, chấn chỉnh ngay, để tránh làm méo mó thị trường.
* Vì sao một số cá nhân, như ông Quyết, có thể thao túng giá cổ phiếu một cách trót lọt trong một thời gian dài, thưa ông?
- Nhà đầu tư dễ dàng mua bán cổ phiếu trên điện thoại, máy tính kết nối Internet. Chỉ cần có số tài khoản, mật khẩu và mã PIN, nhà đầu tư có thể đăng nhập giao dịch.
Do đó, nếu muốn thao túng, thổi giá cổ phiếu, ông Quyết hoàn toàn có khả năng "thuê" cùng lúc nhiều tài khoản của người khác để giao dịch, tức vỏ ngoài là những cái tên xa lạ, nhưng trong ruột thực chất là tiền của ông Quyết hoặc những người trong nhóm bỏ vào.
Trong nhiều trường hợp, kể cả người chủ (theo chứng minh nhân dân) cũng không biết tài khoản chứng khoán của mình đang giao dịch gì.
Trường hợp một cá nhân có công ty chứng khoán làm sân sau có thể dễ dàng rút tiền mặt từ các khoản trên mà không cần nhân viên công ty chứng khoán kiểm tra chứng minh nhân dân xem người nhận tiền có phải là chủ tài khoản không.
Nguy hiểm hơn, thông qua giao dịch chứng khoán, các tổ chức/cá nhân có thể trốn thuế và rửa tiền.
Chẳng hạn, một cá nhân nộp tiền vào tài khoản chứng khoán của doanh nghiệp (tổ chức) do mình quản lý, sau một thời gian người này sẽ tới trụ sở công ty chứng khoán để rút tiền mặt ra, không cần biết mua bán cổ phiếu có lời lỗ hay không. Như vậy, khoản tiền dơ nộp vào ban đầu đã được rửa thành tiền sạch.
Dù luật hiện hành không quy định phải công bố thông tin, nhưng Trung tâm Lưu ký chứng khoán cần phải giám sát đối với những giao dịch mua bán cổ phiếu có tần suất cao với khối lượng tiền lớn. Lẽ ra phải theo dõi từ sớm để phát hiện và xử lý những giao dịch nội gián, thao túng thị trường...
* Việc để cho những kẻ thao túng cổ phiếu tự do tung hoành không chỉ gây bất lợi cho các nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường?
- Trong lúc dịch COVID-19 bùng phát, công việc bị ảnh hưởng, gửi tiền vào ngân hàng lãi suất không hấp dẫn, nên nhiều người đã tìm đến chứng khoán mong kiếm lợi nhuận cao hơn.
Nhóm nhà đầu tư mới (F0) chính là đối tượng bị các "đội lái" nhắm đến nhiều nhất, mồi chài qua các diễn đàn trên Facebook, nhóm chat trên Zalo... để mua cổ phiếu "phím hàng" - đa số là các cổ phiếu có giá bằng ly trà đá.
Các nhà đầu tư "F0" nghe lời mật ngọt rằng cổ phiếu này lời nhiều lắm thì mua, chứ không cần đọc báo cáo tài chính. Nhiều khi cả "F0" và Fn (nhà đầu tư lâu năm) biết đó là cổ phiếu của doanh nghiệp tai tiếng nhưng cũng lao vào theo kiểu lướt sóng vài phiên có lời rồi đi ra, nhưng cuối cùng bị sập bẫy, lỗ nặng.
Sau những cú sập bẫy này, nhiều nhà đầu tư bị bào mòn niềm tin. Khi niềm tin đã bị tổn thương, dòng vốn vào thị trường chỉ mang tính đầu cơ, đánh bạc, có lời rồi biến đi.
Khi lạm phát tăng cao, hoặc các thị trường khác như bất động sản, vàng... sôi động, người dân sẽ rời "canh bạc" chứng khoán. Thanh khoản yếu, thị trường chứng khoán không đóng góp nhiều cho nền kinh tế, không hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp huy động vốn.
* Liệu có cơ chế nào để bảo vệ nhà đầu tư, thưa ông?
- Cần phải hiểu rằng với việc quản lý lỏng lẻo, thị trường chứng khoán không chỉ có một mình ông Trịnh Văn Quyết có khả năng thao túng cổ phiếu, mà nhiều cá nhân hay tổ chức khác cũng có thể làm được điều tương tự. Về nguyên tắc, bất kỳ doanh nghiệp niêm yết nào đưa ra báo cáo tài chính, cơ quan quản lý cũng phải xem xét cẩn thận.
Nếu Ủy ban Chứng khoán nhà nước cầm báo cáo tài chính, nhận thấy dòng tiền của công ty nào đó bất thường, đã không chia cổ tức bằng tiền mặt, còn bị lập các chứng từ để rút ruột cả hàng tỉ đồng ra khỏi công ty, hay tiền của công ty không đi gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao mà lại cho bên nào đó vay với lãi thấp... phải có cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ.
Bởi trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước là tạo lập ra sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi đối tượng tham gia. Có thao túng, có sụp bẫy là chưa đạt được mục tiêu này, chưa làm tròn trách nhiệm được giao.
Phiên 1-4: có giao dịch thâu tóm cổ phiếu FLC?
Chiều tối 1-4, ông Đặng Tất Thắng - chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) - đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chỉ đạo tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1-4 của cổ phiếu này, xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo văn bản này, trong phiên 1-4, cổ phiếu FLC có thanh khoản tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh 59 triệu đơn vị ngay trong phiên sáng. Chốt phiên, có hơn 100 triệu cổ phiếu được khớp và đóng cửa ở giá 10.850 đồng/cổ phiếu. Trong khi tại hai phiên giao dịch liền trước đó (30 và
31-3), mã FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ bằng 1% khối lượng khớp trong phiên giao dịch ngày 1-4, có nghĩa thanh khoản tăng đột biến gấp 100 lần. Chưa hết, vào tối 31-3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC. Thậm chí còn có thông tin chủ tịch HĐQT mới của Tập đoàn FLC là ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC.
"Chúng tôi khẳng định thông tin ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC là thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu FLC nói chung.
Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp; làm mất an ninh, an toàn của thị trường; gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin đối với thị trường chứng khoán của nhiều nhà đầu tư", phía FLC cho hay.
Cũng theo văn bản này, việc phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1-4 đối với cổ phiếu FLC có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Tập đoàn FLC nói riêng và sự ổn định của thị trường chứng khoán nói chung.
Việc tiếp tục có những dấu hiệu bất thường nói trên sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tập đoàn FLC, tiềm ẩn rõ ràng nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông của công ty.
Mòn mỏi chờ hệ thống giao dịch mới
Từ năm 2012, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) với gói thầu trị giá hơn 600 tỉ đồng, thời hạn 5 năm.
Gần 10 năm qua, dù thị trường trải qua khoảng thời gian nghẽn lệnh triền miên, cơ quan quản lý cũng hứa hẹn nhiều lần nhưng đến nay hệ thống mới này vẫn chưa hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), từng gửi văn bản đến bộ trưởng Bộ Tài chính và thanh tra Bộ Tài chính
(6-2021) kiến nghị cần phải tìm nguyên nhân vì sao dự án này bị chậm trễ, giá trị dự án có tăng lên so với ban đầu, xác định vai trò của nhà thầu phụ (Việt Nam) trong dự án này...
Ngoài ra, cũng theo ông Hải, cần tìm nguyên nhân vì sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HoSE không thể làm chủ công nghệ vận hành.