Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Mong muốn mọi người cùng bỏ điện thoại xuống để gần nhau hơn, startup trò chơi thực tế được Shark Thuỷ đồng ý rót vốn 5 tỷ đồng

07/09/2018 16:40

"Mọi người thường vào quán cà phê, mỗi người một góc, một cái điện thoại, đó là tương lai tôi không mong muốn với con em mình", một trong ba nhà sáng lập cho biết.


"Mọi người thường vào quán cà phê, mỗi người một góc, một cái điện thoại, đó là tương lai tôi không mong muốn với con em mình", một trong ba nhà sáng lập cho biết.

Tập 10 Shark Tank Việt Nam là một tập đặc biệt khi cả 3 startup tham gia chương trình đều ra về với cam kết đầu tư từ các Shark. Một trong số đó chính là We Escape, startup trong lĩnh vực trò chơi thực tế.

Theo mô tả từ CEO Vương Chí Nhân, mỗi đội tham gia chơi sẽ gồm từ 2-8 người, "bị nhốt" trong một phòng kín với các chủ đề khác nhau như lăng mộ cổ, viện bảo tàng,... Nhiệm vụ của họ là cùng hợp tác thảo luận để thu thập các manh mối, giải đáp các câu đố, chướng ngại vật và thoát ra ngoài trong vòng 60 phút.

CEO We Escape cho biết mô hình là đáp án cho câu hỏi quen thuộc của nhiều người "Hôm nay đi chơi đâu nhỉ", thay vì đi xem phim, đi uống cà phê như thường lệ.

"Mọi người thường vào quán cà phê, mỗi người một góc, một cái điện thoại, đó là tương lai tôi không mong muốn với con em mình", Chí Nhân khẳng định trên sóng truyền hình.

Ra đời năm 2014 với 3 phòng chơi, đến nay We Escape đã có 9 phòng chơi tại Hà Nội và 4 phòng chơi tại Sài Gòn. Doanh thu năm 2017 là 6,1 tỷ đồng và nửa đầu 2018 là 4,4 tỷ đồng.

Đến với Shark Tank Việt Nam, ba nhà sáng lập mong muốn kêu gọi 5 tỷ đồng đổi lấy 17% cổ phần. Trong đó: 3,5 tỷ đồng dùng để mở thêm 2 cơ sở nữa tại TPHCM; 500 triệu đồng dùng để tuyển dụng và quy chuẩn hóa công ty; 1 tỷ đồng còn lại để nghiên cứu, phát triển sản phẩm nòng cốt đó là mô hình trò chơi team building (tạm dịch: xây dựng đội ngũ, PV) dành cho đội nhóm từ 15-50 người.

Mô hình có thông số tài chính "khoẻ mạnh"

Cảnh Lịch, nhà đồng sáng lập We Escape, phụ trách vấn đề công nghệ, cho biết để xây dựng một phòng chơi, chi phí bỏ ra khoảng 300-350 triệu đồng, doanh thu 600-650 triệu đồng/năm và lãi suất khoảng 25%. Thời gian hồi vốn cho 1 phòng chơi vào khoảng 2 đến 2 năm rưỡi nhưng dự kiến sẽ giảm đi trong tương lai vì lượng khách hàng trung thành ngày càng gia tăng.

Lấy ví dụ rõ hơn, Cảnh Lịch cho biết tháng 3 năm nay, họ khai trương một phòng chơi mới và 2 tháng sau đó, phòng liên tục trong trạng thái kín hoàn toàn. Với phòng chơi đầu tiên mở ra hồi tháng 1/2015, tỷ lệ khách chơi vẫn ngang bằng những phòng sau này, doanh thu duy trì đảm bảo ở mốc 600 triệu đồng/năm.

Mong muốn mọi người cùng bỏ điện thoại xuống để gần nhau hơn, startup trò chơi thực tế được Shark Thuỷ đồng ý rót vốn 5 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tất nhiên để có được kết quả này, những người sáng lập đã phải đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường cẩn thận. CEO Chí Nhân tiết lộ trước khi mở phòng chơi đầu tiên, họ bỏ ra tầm 6 tháng học qua các lớp dạy về game, xem nhiều phim, đọc nhiều truyện,... Không chỉ thế đội ngũ sáng lập còn làm nhiều khảo sát cả trên mạng lẫn ngoài đời, để xem khách hàng thích chủ đề gì, thích trò chơi kéo dài bao lâu, mức giá thế nào,...

Điểm đặc biệt là không giống những mô hình khách hàng đến chơi 1 lần cho biết rồi "nghỉ", tỷ lệ khách quay lại We Escape khá cao, lên đến hơn 50%. Nguyên nhân là do nhiều khách chơi nhưng không giải được câu đố cuối cùng, họ quay lại để chơi tiếp. Thậm chí theo tiết lộ của CEO, có khách hàng quay lại lần 2, lần 3, và chơi hết cả 9 phòng.

Trước câu hỏi của Shark Thủy về vấn đề người chơi có thể post các đáp án lên mạng, Như Huy, một trong 3 nhà đồng sáng lập cho biết với những khách hàng tiềm năng, anh tin họ sẽ cố gắng bỏ qua không đọc. Trường hợp đọc đáp án rồi thì khách hàng vẫn có thể chơi các phòng khác.

"Nếu khách đọc rồi cố tình đến chơi thì cũng không sao cả", Như Huy khẳng định.

Trong tương lai, We Escape định hướng phát triển thành công ty giải trí đa dịch vụ chứ không chỉ giới hạn ở mô hình phòng game trong nhà. Ví dụ như tổ chức trò chơi ngay tại địa điểm các công ty tham gia team building; mở rộng các phòng theo hướng giáo dục, đưa kiến thức lịch sử, địa lý... vào nội dung chơi để thâm nhập các trường học Việt Nam, xây dựng công viên chủ đề rộng khoảng 5.000m2.

4/5 cá mập từ chối, chỉ duy nhất Shark Thủy vẫn đầu tư theo phong cách "lao vào khi người khác bỏ đi"

Theo Shark Phú, We Escape rất khó nhân rộng vì phụ thuộc nhiều vào vấn đề con người; việc tìm địa điểm phức tạp cộng thêm mô hình không phù hợp với hướng đi của Shark nên Shark quyết định không đầu tư.

Shark Hưng khẳng định mô hình hay, mang tính sáng tạo nhưng anh không nhìn thấy có chỗ để các Shark tham gia vào nên cũng rút lui. Đây cũng là lý do tương tự cho quyết định không đầu tư của Shark Dũng.

Về phần mình, Shark Linh cho biết với sản phẩm này, khách hàng có thể rất thích nhưng không trung thành, "nếu có gì mới hơn họ sẵn sàng chán cái này qua cái mới". Shark không thích những rủi ro mà mình không biết trước nên quyết định giống các Shark trên.

Chỉ duy nhất Shark Thủy là người im lặng. Và đúng như Shark Hưng hài hước chia sẻ: "Shark không nói gì là người sẽ đầu tư".

Shark Thủy cho biết ban đầu anh không quan tâm vì nghĩ mô hình khó nhân rộng, nhưng các nhà sáng lập có nhắc đến giáo dục, hơn nữa mô hình Escape định hướng phát triển mạnh mảng team building, một mảng khá tương thích với hệ sinh thái của Egroup.

"Bọn anh có dự án nhiều chục hectare, dự định làm mô hình giáo dục sinh thái. Khi đó diện tích không chỉ 3.000, 5.000 hectare mà sẽ rất lớn để nâng tầm trải nghiệm lên".

"Anh là người duy nhất có mảnh ghép làm về giáo dục và yếu tố các em nói đưa nội dung lịch sử vào làm anh thay đổi. Anh đề nghị 5 tỷ cho 36% cổ phần", Shark chốt "deal".

Mong muốn mọi người cùng bỏ điện thoại xuống để gần nhau hơn, startup trò chơi thực tế được Shark Thuỷ đồng ý rót vốn 5 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tuy nhiên phía các nhà sáng lập cho rằng công ty 4 năm liền đều có lãi và trên đà tăng trưởng tốt, năm 2023 dự kiến lãi 9 tỷ/năm nên họ muốn đổi lại mức cổ phần 25% cho 5 tỷ.

- Shark Thuỷ: Cơ cấu cổ đông của các em hiện giờ thế nào?

- CEO Chí Nhân: Bọn em có 5 người, 4 người nắm 22,5 %, 1 người nắm 10%. Từ đầu bọn em là 4 người rất thân với nhau, cùng mở công ty.

- Shark Thuỷ: Gu của anh là "mượn, dành, dẫn". Anh thích đi với các tập đoàn hàng đầu thế giới về mô hình như thế này. Mục đích của anh là đi nhanh, chứ không phải đang thử nghiệm mô hình. Vấn đề không phải 5 tỷ mà là anh sẽ cho em những giá trị vô hình, không thể đo đếm bằng tiền mặt, thậm chí là khách hàng.

Lúc này, các nhà sáng lập chuyển sang đề nghị được mua lại cổ phần nếu đạt KPI nhất định. Cụ thể họ muốn mua lại 21% và Shark còn 15%. Tuy nhiên Chủ tịch Egroup cho rằng suy nghĩ chưa đạt được đã sợ mất là một sai lầm.

"Câu chuyện tương lai mọi thứ đều có thể xảy ra. Anh thậm chí có thể bán hết 36% cho em chứ không phải 21% nhưng suy nghĩ chưa được đã sợ mất là sai lầm. Đừng bao giờ nghĩ vậy".

Shark Dũng cũng khuyên các nhà sáng lập không nên để ý đến con số 36 hay 25 vì họ vẫn là người nắm đa số. Điều quan trọng là muốn xây dựng công ty lớn, We Escape cần người dẫn dắt, đóng vai trò kim chỉ nam cho chặng đường sắp tới.

Trước lý lẽ thuyết phục của cả 2 Shark, các nhà sáng lập đồng ý với mức 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần từ Shark Thuỷ. Thương vụ chính thức khép lại.

Sơ lược về We Escape

- Lĩnh vực: Trò chơi thực tế

- Tình hình kinh doanh: Đã có 9 phòng chơi tại Hà Nội và 4 phòng chơi tại Sài Gòn. Doanh thu năm2017 là 6,1 tỷ đồng; nửa đầu 2018 là 4,4 tỷ đồng. Lãi suất 25%.

- Kêu gọi: 5 tỷ đồng cho 17% cổ phần

- Kết quả: Shark Thủy cam kếtđầu tư 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần.


Hồng Lam

Theo Trí Thức Trẻ