Năm 2018, có 3 vé trúng giải Jackpot (độc đắc) của Vietlott với tổng số tiền hơn 130 tỉ đồng nhưng không có người nhận.
Theo Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), năm 2018 doanh thu của công ty đạt gần 3.900 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 1.200 tỉ đồng và lợi nhuận thu về hơn 260 tỉ đồng, trong đó có phần của các giải thưởng lớn nhưng không có người nhận.
Đưa vào lợi nhuận
Thực tế cho thấy, kỳ quay số mở thưởng vé số Mega 6/45 ngày 13-7-2018, Vietlott xác định có 1 vé trúng giải độc đắc hơn 16 tỉ đồng. Trước đó, 1 vé Power 6/55 thuộc kỳ quay số ngày 30-1-2018 trúng giải Jackpot 2 trị giá 10,5 tỉ cũng không có người nhận. Đặc biệt, ngày 27-2- 2018, Vietlott thông báo 1 vé Mega 6/45 thuộc kỳ quay số ngày 29-12-2017 trúng giải độc đắc hơn 105 tỉ đồng nhưng vé này cũng không có người nhận.
Vietlott cho biết 3 vé trúng giải Jackpot nói trên không còn giá trị vì theo quy định sau 60 ngày kể từ ngày xác định kết quả trúng thưởng, nếu chủ nhân của vé trúng không tiến hành thủ tục nhận thưởng thì vé đó không còn giá trị. Với thông tin này, nhiều người thắc mắc số tiền trúng thưởng không có người nhận sẽ đi về đâu?
Giới kinh doanh xổ số cho biết tại Mỹ, luật chơi vé số Mega Millions quy định thời hạn nhận giải là 180 ngày. Nếu sau thời hạn này, chủ nhân giải Jackpot không xuất hiện thì số tiền thưởng sẽ được chia cho 44 tiểu bang có bán vé Mega Millions. Còn luật chơi vé số điện toán tại Hàn Quốc quy định toàn bộ số tiền thưởng của vé trúng nhưng không có người nhận sẽ được đóng góp vào Quỹ xổ số thuộc Bộ Kế hoạch và Tài chính để phục vụ các dự án công ích.
Tại Việt Nam, Nghị định số 122/2017/CP-NĐ quy định nếu hết thời hạn lãnh thưởng giải Jackpot nhưng người trúng không lãnh thì Vietlott được phép hạch toán vào thu nhập khác. Như vậy, về nguyên tắc, số tiền trúng thưởng hơn 130 tỉ đồng của 3 tờ vé số không có người nhận được Vietlot đưa vào lợi nhuận trước thuế.
Đại diện Vietlott cho biết năm 2018 lợi nhuận trước thuế của công ty đạt hơn 260 tỉ đồng. Theo đó, Vietlott trích 20% lợi nhuận để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; sau đó tiếp tục trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo quy định và tiếp tục phân bổ số thu nhập còn lại cho ngân sách. Tức là lợi nhuận sau thuế trên 209 tỉ đồng sẽ được phân bổ về ngân sách các tỉnh, thành phố đang kinh doanh vé số Vietlott.
Riêng doanh thu của năm 2018 là 3.900 tỉ đồng, Vietlott phải nộp cho ngân sách nhà nước gồm các khoản thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 15%), thuế thu nhập cá nhân đối với hoa hồng đại lý và người trúng thưởng (thuế suất 10% đối với số tiền trúng thưởng vượt 10 triệu đồng).
Người trúng gặp phiền toái
Bàn luận về giải độc đắc của Vietlott, nhiều người cho rằng Vietlott không công khai danh tính, hình ảnh người trúng Jackpot là không minh bạch.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Đạm, Tổng giám đốc Vietlott, cho biết pháp luật cho phép người trúng yêu cầu Vietlott không cung cấp tên và hình ảnh. Vì thế, khi người trúng thưởng yêu cầu bảo mật thông tin, công ty phải giấu tên tuổi và hình ảnh của họ theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế đã có 3 người trúng Jackpot đồng ý cho Vietlott công bố danh tính và không đeo mặt nạ khi nhận thưởng.
Qua nhiều lần tiếp xúc với người trúng Jackpot, ông Đạm nhận định việc trúng thưởng vé số Vietlott hàng chục tỉ đồng luôn đi kèm những hệ lụy khó lường. Người thân và bạn bè sẽ bắt đầu mượn tiền, kể cả những người họ hàng xa mà người trúng số gần như không biết, hay doanh nghiệp mời chào mua bất động sản, góp vốn đầu tư…làm cho người trúng số hết sức phiền toái.
"Có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến việc trúng giải độc đắc. Đơn cử, gia đình ông Thái (tỉnh Trà Vinh) – người đầu tiên trúng Jackpot 92 tỉ đồng đã mất ngủ suốt đêm, thậm chí phải đóng cửa nhà vì sự phiền toái xen lẫn nỗi lo kẻ xấu tấn công, cướp tờ vé số. Cũng do công khai danh tính và không dùng mặt nạ che mặt khi nhận giải Jackpot 2 trị giá hơn 5,7 tỉ đồng, nên cuộc sống anh Phan Quốc Thủy cũng gặp khá nhiều phiền toái. Nhiều người thân, bạn bè đã "xúm" vào vay mượn khoảng 700 triệu đồng, đồng thời anh Thủy cũng không có ngày nào bình yên bởi có rất nhiều câu chuyện được "thêu dệt" sau khi anh trúng số"- ông Đạm kể lại.
Trong khi đó, việc tranh luận nên hay không công khai danh tính người trúng số luôn là chủ đề nóng trên thị trường xổ số quốc tế. Bản chất của cuộc tranh luận là mâu thuẫn giữa việc minh bạch hóa thông tin và quyền riêng tư, an toàn của người trúng số.
Một số ý kiến cho rằng nếu người trúng xổ số công khai danh tính, hình ảnh thì hằng ngày giới truyền thông sẽ tìm đến khiến cho cuộc sống của họ hết sức bận rộn. Chưa kể, tính mạng của người trúng có thể bị đe dọa, như ông Abraham Shakespeare ở Florida (Mỹ) đã thiệt mạng dưới tay người phụ nữ chủ động kết bạn, sau khi biết ông này trúng số 31 triệu USD.
Cũng tại Mỹ vào năm 2013, một người đàn ông trúng số 425.000 USD đã bị đầu độc tử vong chỉ sau một ngày nhận thưởng. Tại Canada, sau khi Công ty Xổ số Loto-Quebec công bố tên tuổi, địa chỉ và hình ảnh của cặp vợ chồng trúng số độc đắc 25 triệu USD, thông tin cá nhân của họ bị phát tán khắp nơi. Lập tức, kẻ xấu đe dọa tống tiền cặp vợ chồng này nhưng rất may, cảnh sát Canada đã ngăn chặn được. Tuy nhiên, Công ty Xổ số Loto-Quebec cho biết họ có quyền công bố thông in người trúng số vì pháp luật Canada cho phép.
Bài và ảnh: Thy Thơ
Theo NLĐ