Một thế kỷ chinh phục đỉnh cao Bà Nà

26/03/2019 13:55

"Trong lúc làm việc, trung úy Decherf bị thương ngày 2/10 do cây đổ, đã chết ở Tourane ba ngày sau đó", một bản nhật trình viết về năm 1901, khi toàn quyền Doumer ra lệnh xây đường lên đỉnh Bà Nà. "Tourane" ở đây là cách người Pháp gọi Đà Nẵng.

Bà Nà được người Pháp tìm thấy từ rất sớm. Nhưng so với những Sa Pa, Tam Đảo và đặc biệt là Đà Lạt – các vùng nghỉ dưỡng trên núi do người Pháp xây dựng - đỉnh núi này mang một số phận đặc biệt gian truân.

Từ khi được phát hiện vào năm 1901, Bà Nà luôn bị đánh giá là "không phát triển xứng đáng với tiềm năng". Từ khách tham quan, các ký giả cho đến những nhà y học hàng đầu của nước Pháp hết lòng ca ngợi nơi này. Nhưng suốt một thế kỷ, khi nói đến "nghỉ dưỡng" ở Bà Nà, bài toán hạ tầng giao thông xuất hiện không lời giải. Khi đoàn thám hiểm đầu tiên vạch rừng lên đỉnh núi theo lệnh của toàn quyền Đông Dương, con đường hiểm trở đã lấy mạng kẻ đi tìm cái đẹp.

Thậm chí trong mắt của những nhà báo Pháp thời ấy, thì số phận của Bà Nà, cùng với sự thiếu thốn hạ tầng của nó, còn là đại diện cho số phận của cả dải đất miền Trung Việt Nam so với sự rực rỡ ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Sự thiệt thòi này, như đã biết, tạo ra dư âm đến tận thế kỷ 21.

Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh đó, suốt một trăm năm qua, những nỗ lực đầu tư hạ tầng trên đỉnh Bà Nà đều được nhìn nhận như điều khác thường. "Đây là bằng chứng vô lý về sự vượt trội to lớn của sáng kiến tư nhân", báo thuộc địa L'Éveil économique de l'Indochine viết từ năm 1925, về những khu nghỉ dưỡng đầu tiên xây trên đỉnh Bà Nà của anh em nhà Morin.

"Sự vượt trội của sáng kiến tư nhân" (supériorité de l'initiative privée) – cụm từ làm người ta có cảm giác nó được viết trong những báo cáo về mô hình hợp tác công tư của năm 2019.

Khi những đoàn viễn chinh Pháp đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng năm 1858, thứ đầu tiên họ nhìn thấy là một nỗ lực "xoay xở" phi thường của khu vực dịch vụ tư nhân.

Năm đó, thành phố Đà Nẵng chưa tồn tại. Chỉ có một ngôi làng nhỏ với những túp lều. Ngành dịch vụ của Đà Nẵng giữa thế kỷ 19 xuất hiện trong hình dáng của một tay bán rong xoàng xĩnh, toàn bộ hành lý chỉ có một cái đẫy. Nhưng nhân vật này tướng Bichot và đoàn quân viễn chinh của ông kinh ngạc. Trong vòng hai giờ, anh ta "làm xong một chiếc bàn bằng cành cây và đặt lên đó chiếc đẫy xoàng xĩnh của mình". Trong nháy mắt, kim, chỉ, cúc áo, thuốc lá, xà phòng, bút chì, bút mực, quản bút, giấy, lọ mực,... và hai chai rượu được bày lên bàn. Quân lính xúm đông quanh cái quán mới mở.

Đến cuối ngày, khi hoàng hôn buông xuống, đã có một cửa hàng được dựng lên cạnh trại lính. Một cửa hàng thực sự với mái che và tấm phên đóng mở được. Sáng hôm sau, cửa hàng này đã đủ lớn để có một người giúp việc.

Trong sự hãi hùng về tốc độ tăng trưởng diễn ra trước mắt, những người lính Pháp hỏi người bán hàng rằng anh ta đã làm thế nào. "Xoay xở", đó là câu giải thích duy nhất của anh ta.

Ảnh tư liệu

Câu chuyện này, được tướng Bichot kể lại cho Paul Doumer và được vị này chép lại 40 năm. Nhưng nhân vật này làm tướng Bichot và đoàn quân viễn chinh kinh ngạc sau, khi Doumer đến Đà Nẵng. Trên thực tế, với vị trí địa lý của mình, dải đất miền Trung này đã luôn là nơi chứng kiến những cuộc kiến tạo kỳ diệu, như cái cách mà người Hoa, người Nhật Bản, người Bồ Đào Nha, người Anh đã tới và tạo dựng nên đại thương cảng Hội An cách đó không xa. Nhưng với Đà Nẵng, câu trả lời của ông chủ quán năm 1858 như một ẩn dụ cho cách mà vùng đất này đi vào lịch sử.

Năm 1897, Paul Doumer nhận chức toàn quyền Đông Dương. Sau cuộc viếng thăm triều đình Huế, ông vượt đèo Hải Vân để đến Đà Nẵng. Giây phút đi qua đèo, vị này dành cho mảnh đất hiện ra trước mắt một sự tán thưởng tột cùng.

"Ta lấy vịnh đẹp nhất của Pháp là Villefranche, thuộc vùng Côte d’Azur để làm ví dụ; phải lấy diện tích của vịnh đó mà nhân gấp 10, 20 lần; và lấy các vùng đất cùng độ cao của các dãy núi tại vịnh đó mà nhân lên cả trăm lần, ta mới có được Đà Nẵng". Nhà toàn quyền, gạt đi thái độ bề trên, sẵn sàng phủ nhận cả khung cảnh nước Pháp với những gì đang bày ra trước mắt.

Nhưng ngay sau đó, là cảm giác thất vọng từ Paul Doumer vì mảnh đất này đã không phát triển với vị thế mà nó xứng đáng. "Lẽ ra nơi này phải phát triển kinh tế rất nhanh chóng", ông viết trong hồi ký của mình. "Năm 1897, Đà Nẵng hiện ra thật nghèo nàn với một hiện thực đáng buồn. Có ba hoặc bốn tòa nhà công, khoảng 12 ngôi nhà phong cách châu Âu, một ngôi làng đặc trưng miền Trung với những túp lều. Tất cả như dấu chấm trên cát biển bao la. Thành phố buồn. Không đường, không cây, không vườn, không bến sông. Chỉ có những cây keo và một bức tường sắp đổ".

Ảnh tư liệu

Hơn mười năm sau, trên ghế toàn quyền, Paul Doumer tạo ra một dấu ấn quan trọng với Đà Nẵng mà di sản của nó vẫn còn đến hôm nay: tìm ra Bà Nà - trong tư cách của một khu nghỉ dưỡng.

Thời điểm đó, các công chức người Pháp cần những địa điểm nghỉ dưỡng trên núi, nơi có khí hậu tương đồng với quê hương của họ. Lựa chọn khả dĩ nhất của các viên chức thuộc địa tại khu vực Trung Kỳ thời điểm đó là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt nằm khá xa về phía Nam, và việc di chuyển không hề thuận tiện: phải mất ba ngày rưỡi để đi từ Huế ra Đà Lạt bằng đường sắt. Nhìn vào bản đồ các địa điểm người Pháp xây cơ sở nghỉ dưỡng tại An Nam đầu thế kỷ 20, dễ nhận ra có một khoảng trống lớn giữa Tam Đảo, Sa Pa và Đà Lạt.

Năm 1901, một viên đại úy tên Debay được giao nhiệm vụ đi tìm cách lấp khoảng trống đó. Sau nhiều ngày thám hiểm, anh ta "tìm thấy" Bà Nà. Đỉnh núi này, theo vài truyền thuyết, là cách gọi chệch của từ "chuối" (banane) trong tiếng Pháp. Những người Pháp đầu tiên nhìn thấy nhiều chuối ở đây.

Các nhà y học hàng đầu thuộc địa đi kiệu lên đỉnh núi để kiểm nghiệm phát hiện của Debay. Họ kết luận rất nhanh: đây là một địa điểm tuyệt vời để tái tạo sức lao động.

Sau đó, mở ra một cuộc đầu tư lên Bà Nà, mà một lần nữa, lại là một sự "xoay xở" phi thường của khu vực tư nhân. Anh em nhà Morin, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu Đông Dương thập kỷ 20, quyết chinh phục đỉnh núi Bà Nà.

Di sản của nhà Morin vẫn còn tại Việt Nam đến hôm nay. Những du khách đến Huế đều sẽ đi ngang qua khách sạn Saigon Morin Huế bên bờ sông Hương. Tòa nhà theo phong cách thuộc địa này là khách sạn cao cấp đầu tiên ở kinh đô của Việt Nam.

Ảnh tư liệu

Đến Đông Dương cuối thế kỷ 19, năm 1906, sau một thời gian cần kiệm làm ăn và vươn lên từ cơ cực, anh em Morin nhìn thấy cơ hội trong ngành lưu trú: họ mua lại Grand Hôtel Guérin de Hué, khách sạn duy nhất ở Huế thời điểm đó - và chỉ trong hơn một thập kỷ sau, "mua lại phần lớn các tòa nhà bằng đá của thành phố" để kinh doanh dịch vụ.

"Từ năm 1930 cho đến đầu cuộc chiến, chúng ta có thể nói rằng hầu như toàn bộ những người châu Âu sống ở Huế hay quá cảnh ở Huế đều được gia đình Morin đón tiếp", website của khách sạn Saigon Morin ngày nay viết.

Nhưng ngay cả khi đã là những đại gia ngành khách sạn, quyết định "đốt tiền" trên núi Bà Nà của dòng họ Morin vẫn khiến chính người Pháp phải ngạc nhiên.

Cho dù được nhìn nhận là đầy tiềm năng cho nghỉ dưỡng, chính phủ thuộc địa vẫn khất lần việc đầu tư du lịch cho Trung Kỳ vì lý do thiếu ngân sách.

Ảnh tư liệu

"Chapa (Sa Pa) và Tam Đảo bây giờ rất dễ tiếp cận. Các cư dân Trung Kỳ sẽ hài lòng nếu được nghỉ ở đây, nhưng thật không may, chúng không được tính vào phúc lợi", tờ Sự thức tỉnh của kinh tế Đông Dương (L'Éveil économique de l'Indochine), ngày 3/8/1924 viết. Hiểu một cách đơn giản: vì Sa Pa và Tam Đảo quá xa, nên nếu viên chức Trung Kỳ đi nghỉ mát ở đây thì về... cơ quan không thanh toán. "Miền Trung An Nam, cách gọi vùng giữa Vinh và Nha Trang, thực sự là một vùng thiếu thốn. Chính quyền thì không làm gì với cái cớ nguồn lực ngân sách không đủ".

Các nhà báo Pháp thập kỷ 20 tỏ ra khá bức bối khi một địa điểm tuyệt vời như Bà Nà không được đầu tư xứng đáng. "Bà Nà vẫn ở trong tình trạng trì trệ do lỗi của Nhà cầm quyền không dám thú nhận tình hình hiện tại và cung cấp tín dụng để tạo ra dịch vụ như tại Bắc Kỳ hay Nam Kỳ", ký giả G.Duroc viết.

Đó là lúc mà anh em nhà Morin xuất hiện như những ngôi sao sáng từ khu vực tư nhân. Tại Bà Nà, bất chấp việc đường mòn lên núi khiến ngựa cũng không đi nổi, gia tộc này xây dựng 15 biệt thự nghỉ dưỡng và một khách sạn 16 phòng.

Họ đầu tư lên đỉnh núi 30.000 đồng Đông Dương. Để dễ tưởng tượng: một đại điền chủ ở Nam Kỳ những năm đó như trong tiểu thuyết Con nhà giàu của Hồ Biểu Chánh, khi chết để lại cho quý tử chỉ 25.000 đồng Đông Dương, đã là giàu có không thể tả nổi, khi lương công chức chỉ vài đồng mỗi tháng và một mẫu ruộng chỉ hơn 50 đồng. "Ông Emile Morin, một thương nhân ở Tourane, đã có một quyết định táo bạo ở đất nước này, nơi mà rất nhiều người sẽ không làm gì nếu không có một khoản trợ cấp lớn", L'Éveil économique viết tháng 3/1925. "Họ đã không ngần ngại huy động một số vốn đáng kể mà không có sự giúp đỡ nào từ chính quyền, và điều này làm tăng gấp đôi công đức của nhà Morin".

Nhưng ngay cả con số khổng lồ này cũng được ca ngợi, khi so sánh với hàng vạn đồng Đông Dương mà chính phủ thuộc địa đốt ở địa điểm du lịch heo hút khác, như tại Đồng Hới, Quảng Bình.

Khu lưu trú Bà Nà, tác phẩm của dòng họ Morin, được mô tả như một thần tượng bất động sản nghỉ dưỡng. "Những lợi ích của việc nghỉ lại Bà Nà được cảm nhận rõ nét ở trẻ em. Trong vài ngày, chúng sẽ có nước da đẹp mà không bao giờ có ở dưới mặt đất. Các bà mẹ mệt mỏi cũng nhanh chóng tìm lại được sức khỏe, và những người dưới xuôi lên đều ngạc nhiên bởi làn da tươi tắn và hồng hào họ nhìn thấy".

Anh em nhà Morin đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng cho đỉnh Bà Nà. Họ muốn có một khu nghỉ dưỡng 100 phòng, với tổng mức đầu tư 1,6 triệu đồng Đông Dương - khoảng 32.000 lượng vàng.

Nhưng những biến động lịch sử trong thập kỷ 40 tại Đông Dương đã không khiến cho mộng ước của những thương gia này thành hiện thực.

Trên đỉnh núi Bà Nà giờ vẫn có một khách sạn Morin. Cái tên được đặt để ghi nhớ nỗ lực của những người đầu tiên quyết tâm biến đỉnh núi này thành một thiên đường. Giấc mơ của họ được tiếp nối bởi những nhà đầu tư của thế kỷ 21.

Trong ký ức của ông Đặng Minh Trường, những khách sạn của gia tộc Morin vẫn còn nguyên sự kiêu hãnh gần chín mươi năm sau, khi ông đặt chân lên đỉnh núi này lần đầu tiên. Những tay nắm cửa bằng sứ trước các căn biệt thự vẫn sáng bóng như mới có khách nghỉ ngày hôm qua.

Đó là năm 2007, SunGroup có một cam kết với Đà Nẵng: chinh phục đỉnh Bà Nà thêm một lần nữa. Một thế kỷ sau ngày anh em Morin khởi nghiệp, bê tông đã được trộn bằng xe bồn. Nhưng nhiệm vụ của kỷ nguyên này nặng nề hơn rất nhiều. Năm 1925, các ký giả oán thán cho Bà Nà vì phải đi kiệu lên đỉnh núi mất tận 5 ngày, và "một con đường tốt có thể cho phép người ta đi ngựa lên đỉnh núi chỉ trong vòng 3 ngày". Nhưng ở thế kỷ 21, trong một cuộc cạnh tranh cấp khu vực, mọi suất đầu tư vào ngành du lịch đều phải tính tới số khách lên đến hàng triệu, và tốc độ di chuyển lên đỉnh núi, cần được đo bằng phút.

Chín mươi năm sau "bằng chứng vô lý về sự vượt trội của sáng kiến tư nhân", năm 2009, cáp treo Bà Nà ra đời với sự hỗ trợ của các nhà công nghệ châu Âu. Nhưng một lần nữa, những sườn Núi Chúa thử thách và bắt con người phải uống suối ngủ rừng để hoàn thành cuộc chinh phục của họ. Bất chấp việc tiếp cận với tự nhiên là rất ít (chỉ có chân cột cáp treo), đã có lúc "anh em Morin thế kỷ 21" phải đổ từng mét vuông bê tông mỗi ngày.

Nhiều người quan sát, bao gồm cả chính quyền, gọi đó là "thành tích đáng khâm phục" – một tiếng vọng của những năm 1920.

Cuộc chinh phục chưa dừng lại. Nếu năm 1919, Bà Nà là biểu tượng cho sự thiếu thốn hạ tầng của miền Trung Việt Nam, thì năm 2019, nó lại là một biểu tượng của sự trỗi dậy. Một số điều kiện khó khăn hơn: những năm đó, Việt Nam là một điểm đến trung tâm của Đông Nam Á; còn bây giờ, xung quanh khu vực là các nền kinh tế phi thường với nền công nghiệp du lịch rực rỡ hàng đầu thế giới.

Đà Nẵng kể từ sau năm 2009, sau cáp treo Bà Nà và lễ hội Pháo hoa, đã lột xác trở thành một trung tâm du lịch lớn. Nhưng nếu nhớ lại những gì được viết trong hồi ký của Paul Doumer – về thứ hùng vĩ gấp 10 lần các bãi biển đẹp nhất Địa Trung Hải – người ta vẫn có quyền tin rằng thành phố này chưa phát triển hết tiềm năng.

Nếu năm 1930, người Pháp sẽ hài lòng với việc đưa được vài trăm công chức thuộc địa lên tái tạo sức lao động, thì năm 2030, sứ mệnh của những địa điểm như Bà Nà nằm trong một quy hoạch trị giá 35 tỷ USD – ngành du lịch Việt Nam có nhiệm vụ đóng góp tới 10% GDP, theo quyết định của thủ tướng.

Những cuộc chinh phục vẫn sẽ phải tiếp tục. Nếu có điều gì dễ dàng hơn, chỉ là bây giờ người ta đã biết cách gọi tên những giải pháp cho các đột phá ở những vùng đất hiểm trở.

Nó gọi là "bằng chứng vô lý cho sự vượt trội của các sáng kiến tư nhân".

Bạn đang đọc bài viết "Một thế kỷ chinh phục đỉnh cao Bà Nà" tại chuyên mục Phong cách.