Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Mùa đại hội cổ đông "chưa từng có"

20/04/2020 11:55

Dịch bệnh COVID-19 đã đưa nhiều hiện tượng chưa từng có vào mùa đại hội cổ đông năm nay của nhiều doanh nghiệp.

Những đại hội trực tuyến

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi hình thức tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.

Ngày 8.4 vừa qua, CTCP FPT (HoSE: FPT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và hệ thống hội nghị trực tuyến. Được biết, FPT là công ty đầu tiên trong nhóm VN30 tổ chức hội nghị theo hình thức này.

Sau FPT, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên Sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) chuyển đổi hình thức họp trực tuyến trong mùa đại dịch COVID-19.

Cụ thể, ngày 25.4 tới đây, Bất động sản Nam Long (HoSE: NLG) sẽ tổ chức họp cổ đông trực tuyến, diễn ra từ 8h30 - 12.00.  Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI, HoSE: TVS) cũng tổ chức họp trực tuyến vào ngày 29.4.

Ngày 14.4, Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đã thông báo sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ trong hai ngày 5-6.6 bằng cả hình thức trực tuyến qua điện thoại/ứng dụng và trực tiếp tại trụ sở. Trong đó, ngày 5.6 là thời gian đăng kí cổ đông dự họp. Và ngày 6.6 là ngày khai mạc và trình bày nội dung. Công ty khuyến khích cổ đông tham gia dưới hình thức điện thoại trực tuyến để đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Sau khi thông báo hủy phiên họp 24.4, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) cũng dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ vào ngày 5.6. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử khi cuộc hội ngộ của hàng trăm, hàng ngàn cổ đông được diễn ra bằng phương tiện công nghệ.

Kế hoạch kinh doanh "bỏ ngỏ"

Kế hoạch kinh doanh vốn là những thông tin quan trọng được Hội đồng quản trị của các công ty trình ĐHĐCĐ và cũng là thông tin bắt buộc được trình bày trên báo cáo thường niên của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp đã không công bố thông tin này.

Nếu như trong báo cáo thường niên 2018, Vietinbank mạnh tay đặt mục tiêu tăng trưởng trong kết quả hoạt động kinh doanh thì trong báo cáo thường niên 2020, những con số này lại được bỏ ngỏ.

Vietinbank cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng phụ thuộc vào tiến độ tăng vốn theo phương án đã trình các cấp thẩm quyền.

Vietinbank bỏ ngỏ kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Vietinbank bỏ ngỏ kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Theo đánh giá của phía Ngân hàng, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 ngay từ đầu năm 2020 có thể có tác động tới nền kinh tế, đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực hỗ trợ, cùng với doanh nghiệp vượt qua. Đây cũng là yếu tố có thể tác động tới tăng trưởng cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng trong năm 2020.

Không như mọi năm, năm 2020, Nam Long đã để trống kế hoạch kinh doanh. Trong năm 2020, Hội đồng quản trị Công ty cho biết sẽ tiếp tục theo sát những thay đổi trong chính sách của Chính phủ, cũng như các biến động của nền kinh tế và thị trường để có những ứng phó kip thời nhằm giữ vững sự tăng trưởng và đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Để vượt qua thách thức và hoàn thành mục tiêu chung, Hội đồng quản trị Nam Long mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và gắn bó lâu dài của Quý cổ đông, các đối tác và toàn thể cán bộ nhân viên Nam Long.

Có thể nói, việc để trống kế hoạch kinh doanh năm 2020 cũng là điều dễ hiểu khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ dịch bệnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, xã hội vẫn đang trong những ngày cách ly, có lẽ điều mà Ban lãnh đạo của các công ty quan tâm nhất, là làm sao để duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Bài toán sống còn của doanh nghiệp có lẽ được đặt lên trên bao giờ hết.

Nếu như giai đoạn đầu, COVID-19 được đánh giá là tác động trực tiếp đến ngành du lịch, hàng không, nhà hàng, nghỉ dưỡng,... thì đến nay mức độ tác động đã lây lan sang nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, với nền tảng vĩ mô ổn định và chất lượng tăng trưởng đã được tạo lập trong những năm qua, kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và có nhiều khởi sắc.

Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank, GDP dự kiến sẽ tăng ở mức 6,8%, CPI được kiểm soát dưới 4% tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách nhằm ổn định tiền tệ và thị trường, đảm bảo thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, với nền tảng vĩ mô ổn định và chất lượng tăng trưởng đã được tạo lập trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và có nhiều khởi sắc.

Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank, GDP dự kiến sẽ tăng ở mức 6,8%, CPI được kiểm soát dưới 4% tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách nhằm ổn định tiền tệ và thị trường, đảm bảo thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức tín dụng.

Vũ Hoài/NCDT

NGuồn: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/mua-dai-hoi-co-dong-chua-tung-co-3334379/

Bạn đang đọc bài viết "Mùa đại hội cổ đông "chưa từng có"" tại chuyên mục Chuyện thương trường.