Tri thức cuộc sống và bí quyết kinh doanh có khi ẩn chứa ngay trong những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống thường ngày. Chỉ cần bạn để tâm thì sẽ luôn nhận được những gợi ý mới mẻ.
Bất kì một ngành sản xuất nào cũng có những sản phẩm dư thừa, đôi khi có thể vứt đi một cách gọn nhẹ, nhưng cũng có lúc phải tốn nhiều tiền để xử lí. Xỉ than đá sau quá trình sản xuất điện ở nhà máy nhiệt điện, có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Sau quá trình tinh lọc, khí ga độc hại của than đá có thể dùng phát điện. Tất nhiên đó là cách mà các doanh nghiệp lớn dùng để tiết kiệm chi phí.
Vậy những doanh nghiệp nhỏ có thể biến phế liệu thành báu vật hay không? Sau đây là bài học của một ông chủ nhà hàng nhỏ.
Tiểu Lí là người vùng Đông Bắc, mở một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn vùng Đông Bắc ở Hồi Long Quan. Khu vực nơi Tiểu Lí mở nhà hàng là một khu dân cư điển hình, chỉ có khoảng vài trăm nghìn người, rải rác có hơn trăm nhà hàng mọc lên. Người dân sống ở đây đến từ khắp nơi trên đất nước nên khẩu vị của họ cũng rất khác nhau, nhà hàng nào đã tồn tại được khoảng hai năm trở lên đều có một lượng khách khá ổn định, nhưng lợi nhuận thu được đều chỉ ở mức trung bình.
Mỗi tháng, Tiểu Lí đều cố gắng sáng tạo những món ăn mới thêm vào thực đơn phục vụ khách hàng. Nhưng đa số thực khách tìm đến nhà hàng đều là người vùng Đông Bắc đã quen với phong vị ở đây, người dân nơi khác thỉnh thoảng mới ghé qua thay đổi khẩu vị. Tiểu Lí cảm thấy có phần chán nản, chẳng lẽ công việc kinh doanh của mình chỉ có thể trông cậy vào những người vùng Đông Bắc này hay sao? Nếu không thể mở rộng phạm vi khách hàng ra những vùng xung quanh thì công việc làm ăn của nhà hàng không thể phát triển được.
Một tối nọ, anh đưa vợ đi dạo ở gần nhà. Vợ anh là người rất quan tâm tới vấn đề y tế và sức khỏe, vừa đi chị vừa kể cho Tiểu Lí nghe về cuốn sách mà mình mới mua có tên là Biến thức ăn thừa thành vàng bạc. Chị nói: "Lá cần tây, rễ cây rau chân vịt, vỏ táo, đầu quả dưa chuột, vỏ dưa hấu, vỏ bí xanh - những thứ mà bình thường chúng ta hay coi là đồ bỏ đi thực ra đều là những thực phẩm rất tốt, vì nó có thành phần dinh dưỡng cao - hơn hẳn phần mà chúng ta vẫn giữ lại để ăn."
Tiểu Lí chẳng còn tâm trí nào quan tâm đến chuyện này, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Vợ anh còn nói về cách chế biến rất nhiều phần thực phẩm mà bình thường bị vứt đi nữa.
Đúng lúc đó, có một con chó chăn cừu Đức từ đầu chạy vụt tới chỗ vợ chồng Tiểu Lí khiến hai người giật nảy mình. Cô gái dắt chó rối rít xin lỗi hai người trong khi bị con chó kéo về phía trước. Tiểu Lí thở dài, số lượng thú cưng của các gia đình trong vùng này gần đây tăng nhanh quá, chủ yếu là chó và mèo, mỗi buổi sáng sớm có không biết bao nhiêu người dẫn chó đi dạo ngoài đường. Bây giờ những người có tiền đều có sở thích nuôi chó, người nào không có tiền cũng cố nuôi một con cho vui cửa vui nhà. Có người còn coi chó như một báu vật, như con đẻ của mình, không bao giờ bạc đãi hay đánh đập.
Bỗng nhiên, Tiểu Lí nảy ra một ý tưởng, anh bèn hỏi vợ: "Em đoán xem trong khu nhà mình có bao nhiêu con chó?". Vợ anh vẫn chưa định thần lại sau chuyện vừa nãy liền tức tối nói: "Chỗ nào cũng có chó, chắc cũng phải hàng nghìn con ấy chứ". Tiểu Lí cười, vợ anh trợn mắt nói: "Anh không an ủi em thì thôi, lại còn cười". Tiểu Lí hí hửng nói: "Anh mong ở đây có hàng vạn con chó ấy chứ, xem ra công việc kinh doanh của chúng ta phải dựa vào bọn chúng rồi".
Nhìn dáng vẻ ngạc nhiên của vợ, Tiểu Lí giải thích: "Nhà hàng chúng ta hàng ngày sử dụng nhiều xương sườn để chế biến các món ăn, hương vị không hề tệ nhưng vì không có gì đặc sắc nên khách hàng không lựa chọn nhiều. Những thức ăn thừa khách hàng bỏ lại, chúng ta đều vứt vào thùng rác, bây giờ nếu đóng gói những khúc xương thừa đó cho những nhà nuôi chó để họ cho chó ăn thì sẽ thế nào?".
Không đợi vợ trả lời, Tiểu Lí đã nói tiếp: "Bây giờ người ta rất yêu quý vật nuôi, nhất là chó, có người dến nhà hàng ăn xong còn gói xương về cho chó nhà mình ăn. Việc có thể cho con vật cưng của mình thưởng thức những món ăn ngon chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của những người nuôi chó. Một công đôi việc, họ có thể từ chối sao? Hơn nữa, những người nuôi chó cũng thường gặp mặt để trao đổi kinh nghiệm, chính họ sẽ là những người quảng cáo giúp chúng ta, chẳng mấy chốc toàn bộ những người nuôi chó ở vùng đều sẽ biết việc này. Người nuôi chó thì vùng nào cũng có, đến lúc đó, nhà hàng của chúng ta sẽ có rất nhiều thực khách mới". Vợ Tiểu Lí nghe tới đây liền cười tủm tỉm. Xem ra bị chó dọa cho một trận cũng đáng giá lắm.
Sau khi nhà hàng của Tiểu Lí có dịch vụ thu gom xương thừa cho chó thì quả nhiên việc kinh doanh khá hẳn lên. Những nhà nuôi chó vì dịch vụ này mà thường chọn nhà hàng của Tiểu Lí vì thức ăn ở đó không tồi, sau khi ăn xong lại có thể mang xương về cho chó nhà mình ăn, đúng là một công đôi việc.
Bài học tâm đắc
Tri thức cuộc sống và bí quyết kinh doanh có khi ẩn chứa ngay trong những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống thường ngày. Chỉ cần bạn để tâm thì sẽ luôn nhận được những gợi ý mới mẻ. Không nhất thiết phải học nhiều lí thuyết khoa học và quản lí nhưng những ông chủ thành công nhất định phải có sự thông minh nhanh nhạy, biết cách phát huy Ưu thế kinh doanh và khai thác những khoảng trống thị trường mà chưa ai biết đến.
(*) Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Bí quyết kinh doanh của ông chủ nhỏ.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ