ThaiBev muốn đầu tư vào các lĩnh vực khác, nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Sabeco cho thấy tập đoàn này đang muốn mở rộng xâm lấn thị trường.
Đại diện ThaiBev đã đề nghị Việt Nam ủng hộ Tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài đồ uống, cũng như nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Sabeco.
Hiện tại, ThaiBev thông qua các công ty con của mình đang sở hữu 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco. Có hơn 10% đang thuộc về các cá nhân và tổ chức khác và 36% vốn điều lệ còn lại của Sabeco thuộc về Nhà nước.
Trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều nhìn nhận, ThaiBev đang hướng tới nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Sabeco lên trên 65% vốn điều lệ. Việc sở hữu trên 51%, nhưng dưới 65% vốn điều lệ của ThaiBev hiện nay giúp nhà đầu tư quyền chi phối hoạt động của Sabeco, nhưng nếu sở hữu trên 65% vốn điều lệ, ThaiBev sẽ được quyết định tất cả vấn đề của doanh nghiệp.
Theo TS Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM), trong trường hợp trên, chắc chắn ThaiBev sẽ động đến phần vốn Nhà nước đang nắm giữ tại Sabeco.
"Chủ trương của Nhà nước ta là cổ phần hóa những doanh nghiệp không nắm giữ vị trí then chốt liên quan đến an ninh quốc phòng hay các lĩnh vực trọng yếu khác của quốc gia. Trong lĩnh vực kinh doanh bia rượu, nhà đầu tư hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ sở hữu cao hơn nữa", TS Bùi Quang Tín cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia, việc ThaiBev muốn đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài đồ uống là một dấu hiệu tốt. Thị trường Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi Thaibev tham gia đầu tư nhiều lĩnh vực khác thì Việt Nam sẽ có cái lợi là thêm được những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính đầu tư vào thị trường, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn những sản phẩm tốt hơn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới) cũng nhận định, khi ThaiBev nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabeco lên thì quyền quyết định của ông chủ người Thái sẽ càng lớn, đường hướng kinh doanh của công ty thuộc quyền của người Thái trong khi quyền của các cổ đông khác sẽ dần ít đi.
Động thái muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabeco lên cùng với việc muốn mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác ngoài đồ uống, theo ông Sơn, là dấu hiệu cho thấy người Thái muốn mở rộng cuộc xâm lấn vào thị trường Việt Nam.
"Lúc đầu nhà đầu tư ngoại chỉ cần cắm rễ vào một doanh nghiệp, sau đó sử dụng doanh nghiệp đó để kinh doanh sang lĩnh vực khác, từ đó dễ chèn ép sản xuất trong nước Việt Nam.
Bộ Công thương có nhiệm vụ bảo vệ nền kinh tế và nền thương mại của quốc gia, quyền ở trong tay Bộ, đó là quyền với quốc gia, quyền chịu trách nhiệm với quốc gia.
Mặt khác, khi ThaiBev muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh mà Bộ Công thương vẫn nắm giữ cổ phần ở Sabeco thì sẽ bị xung đột lợi ích. Đó là sự nhập nhằng và nó sẽ làm méo mó các quan hệ.
Ở Mỹ, một doanh nghiệp hoạt động mà xảy ra vấn đề gì thì Quốc hội có thể triệu tập đến thẩm vấn, cả thế giới đều biết doanh nghiệp đó làm gì, động cơ nào làm việc đó, làm như vậy có lợi gì cho thị trường, cho người tiêu dùng và nước Mỹ... Phải cụ thể, minh bạch như vậy thì người dân mới nắm được, còn ở đây có sự phức tạp và mơ hồ", chuyên gia Bùi Ngọc Sơn phân tích.
Minh chứng cho sự xâm lấn của nhà đầu tư ngoại cũng như mối nguy của xung đột lợi ích, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhắc lại cái bắt tay giữa Công ty CP Cồn Rượu Hà Nội (Halico) và Tập đoàn Diageo, công ty rượu lớn nhất thế giới đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff.
Trong giai đoạn 2011 – 2012, Tập đoàn Diageo đã chi ra gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 45,5% cổ phần Halico. Vốn hóa Halico xác định theo mức giá Diageo đặt mua vào khoảng 4.300 tỷ đồng.
Khi ấy, Halico là doanh nghiệp có truyền thống hơn 100 năm hoạt động, chiếm thị phần lớn trong ngành rượu Việt Nam với sản phẩm chủ lực Vodka Hà Nội đang "làm mưa làm gió" tại các quán nhậu, nhà hàng bình dân.
Sự góp mặt của "ông trùm" ngành rượu thế giới được kỳ vọng sẽ mang đến những yếu tố tích cực hơn cho Halico trong việc nâng cao năng lực quản trị, tung ra nhiều sản phẩm mới, mở rộng hệ thống phân phối ra thị trường quốc tế,…và đây có thể là bước tiến lớn với Halico.
Tuy vậy, sau tất cả những kỳ vọng trên, thực tế diễn ra lại là một gam màu u ám cho Halico. Sản phẩm rượu Vodka Hà Nội từng một thời tung hoành trên thị trường đã mất vị thế trước áp lực cạnh tranh từ nhiều đối thủ khác nhau.
"Lẽ ra như nước khác, người ta có thể phát triển được thương hiệu rượu Vodka Hà Nội, giống như rượu Mao Đài của Trung Quốc có nhà đầu tư vào dựng nên một công ty và IPO trên thị trường chứng khoán New York, biến loại rượu ấy từ thương hiệu quốc gia phổ biến thành quốc tế.
Nhưng ở Việt Nam, câu chuyện thường thấy là một thương hiệu quốc gia nào đó vừa mới ngoi lên lập tức sẽ bị mua ngay, nhà đầu tư sẽ vứt luôn sản phẩm đó đi và đưa sản phẩm khác của họ vào bán. Thế là chúng ta mất thương hiệu Việt", ông Sơn chua chát.
Vì lẽ đó, vị chuyên gia một lần nữa cảnh báo một cuộc xâm lấn thị trường của ThaiBev sắp sửa diễn ra.
Vị chuyên gia cho rằng, Bộ Công thương không cần thiết phải giữ vốn tại doanh nghiệp.
"Lẽ ra phải chuyển vốn bán cho người Việt sở hữu, ở đó họ sẽ cạnh tranh với nhau, tự hợp tác với nhau làm ăn. Bộ chỉ quản lý, tạo ra môi trường pháp lý để doanh nghiệp vận hành", chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nói.
Thành Luân
Theo Đất Việt