MWG: Doanh thu tháng 7 tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ 'át chủ bài' Bách hóa Xanh

20/08/2021 13:37

Theo MWG, trong bối cảnh chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh có gần 2.000 cửa hàng (chiếm khoảng 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc) phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng trong nửa cuối tháng 7, việc giữ được tăng trưởng doanh thu cho toàn công ty là kết quả vượt kỳ vọng nhờ nỗ lực gia tăng doanh số vượt bậc của chuỗi Bách hóa Xanh.

MWG: Doanh thu tháng 7 tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ 'át chủ bài' Bách hóa Xanh

MWG: Doanh thu tháng 7 tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ 'át chủ bài' Bách hóa Xanh

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng năm 2021. Theo đó, lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 71.986 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 2.784 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Doanh thu online đóng góp hơn 6.400 tỷ đồng, (tăng 14% so với cùng kỳ). Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch LNST cả năm.

Riêng tháng 7/2021, doanh thu thuần của MWG đạt xấp xỉ 9.500 tỷ đồng và LNST đạt 231 tỷ đồng, tăng 10% về doanh thu và giảm 29% về lợi nhuận  so với cùng kỳ năm trước.

Theo MWG, trong bối cảnh chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh có gần 2.000 cửa hàng (chiếm khoảng 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc) phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng trong nửa cuối tháng 7, việc giữ được tăng trưởng doanh thu cho toàn công ty là kết quả vượt kỳ vọng nhờ nỗ lực gia tăng doanh số vượt bậc của chuỗi Bách hóa Xanh. 

Lũy kế 7 tháng 2021, Thế giới di động/Điện máy Xanh ghi nhận hơn 54.150 tỷ đồng doanh thu.

MWG cho hay để đạt doanh thu hơn 5.220 tỷ đồng riêng tháng 7 trong khi phần lớn cửa hàng đang tạm đóng hoặc hạn chế hoạt động để phòng dịch, Thế giới di động/Điện máy Xanh đã cố gắng tận dụng mọi cơ hội bán hàng ở mảng online, tập trung cho những nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi Điện máy Xanh Supermini (ĐMS).

Báo cáo của MWG cho hay doanh thu online lũy kế sau 7 tháng đạt gần 6.000 tỷ đồng. Riêng tháng 7, doanh thu online đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ nhưng giảm 17% so với tháng 6 do siết chặt hoạt động giao hàng tại một số địa phương. Doanh thu online chiếm 19% tổng doanh thu của Thế giới di động/Điện máy Xanh riêng tháng 7.

Về ĐMS, đơn vị này đã đóng góp gần 3.500 tỷ đồng doanh thu lũy kế sau 7 tháng và chiếm xấp xỉ 10% doanh thu của chuỗi Điện máy Xanh. ĐMS vẫn gần như duy trì được mức doanh số trước dịch và đóng góp đến 13% doanh thu của Điện máy Xanh trong tháng 7. Cuối tháng 7/2021, Điện máy Xanh Supermini (ĐMS) có 589 cửa hàng (trong đó, 23 cửa hàng mở mới trong tháng).

Về ngành hàng, lũy kế 7 tháng đầu năm, điện thoại, laptop, gia dụng tiếp tục tăng trưởng dương và điện lạnh duy trì mức doanh số tương đương cùng kỳ. Điện tử (tivi) tăng trưởng âm so với 7 tháng năm 2020.

Với việc siết chặt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương để kiểm soát dịch bệnh, kết quả kinh doanh trong tháng 8 được MWG dự kiến là tháng thấp điểm.

"Nếu các biện pháp giãn cách tiếp tục kéo dài trong các tháng cuối năm, kế hoạch kinh doanh được công ty đề ra từ đầu năm sẽ khó thực hiện được. Tuy vậy, MWG sẽ luôn nỗ lực hết sức để bảo vệ doanh số và lợi nhuận", MWG cho biết.

Doanh thu Bách hóa Xanh tháng 7 gấp rưỡi tháng 6

Báo cáo của MWG cho cho biết Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 17.600 tỷ đồng cho lũy kế 7 tháng năm 2021, tăng 57% so với cùng kỳ.

Tháng 7 ghi nhận kỷ lục mới của chuỗi với mức doanh thu gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng vượt trội này đẩy tỷ lệ đóng góp của Bách hóa Xanh trong tổng doanh thu của MWG lên tới 45%. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

MWG cho biết công ty đã tìm kiếm nguồn cung với giá cả hợp lý giúp Bách hóa Xanh đáp ứng nhu cầu hơn 31.000 tấn hàng tươi sống cho khách hàng trong tháng 7, gấp gần 2,5 lần so với mức trung bình trước dịch. Nhờ đó, Bách hóa Xanh có cơ hội được phục vụ hơn 27 triệu lượt khách hàng (tương đương 900.000 lượt phục vụ trung bình mỗi ngày), gấp 1,4 lần so với mức trung bình trước dịch.

Tháng 7/2021 cũng ghi nhận kỷ lục về số lượt phục vụ trên kênh Bách hóa Xanh online với hơn 315.000 đơn hàng giao thành công, gấp 1,5 lần so với mức trung bình trước dịch. Do nhu cầu tăng mạnh, ngày cao điểm lên đến 20.000 đơn đặt hàng, trong khi Bách hóa Xanh online chưa thể tăng tải tương ứng trong thời gian ngắn nên thời gian giao hàng bị chậm so với trước đây.

Tuy nhiên, Bách hóa Xanh là kênh online hiếm hoi ở Việt Nam tại thời điểm này có năng lực phục vụ hơn 10.000 đơn hàng thực phẩm và hàng thiết yếu mỗi ngày, tại 24 tỉnh thành khu vực phía Nam. Đây là kết quả đáng ghi nhận sau chỉ hơn 1 năm công ty tập trung đầu tư cho kênh này. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Bách hóa Xanh online ghi nhận số lượng đơn hàng và doanh thu gấp gần 5 lần so với cùng kỳ.

Song song với việc doanh thu tăng đột biến do nhu cầu dự trữ thực phẩm tăng mạnh trước đợt giãn cách xã hội, Bách hóa Xanh cũng ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm so với tháng 6. Việc này theo MWG là do nguồn cung và cách thức cung ứng hàng hóa thay đổi đột ngột, dẫn tới nhiều chi phí mới phát sinh. Ngoài các chi phí biến đổi tăng theo doanh thu, khi đạt đến quy mô hiện nay, Bách hóa Xanh đã kiểm soát tỷ lệ chi phí cố định trên doanh thu tốt hơn để tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động.

Với ngành dược phẩm, MWG cho biết cuối tháng 7, chuỗi An Khang có 118 nhà thuốc đang hoạt động. Doanh thu chuỗi An Khang riêng tháng 7 năm nay gấp 7 lần doanh số tháng 7/2020. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hà Hoàng/VietnamFinance