Sinh nhật 10 tuổi Winmart

‘Mỹ nữ startup’ Trần Mai Hương và câu chuyện ứng dụng big data vào ngành thời trang

07/07/2018 18:10

Để tối ưu hóa chuỗi cung ứng bán lẻ, các hãng thời trang cần đẩy mạnh việc khảo sát thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng. Đồng nghĩa các “ông lớn” ngành thời trang phải đầu tư khai thác và ứng dụng công nghệ big data (dữ liệu lớn).

Trần Mai Hương là ‘mỹ nữ startup’ đã xây dựng nhiều mô hình khởi nghiệp thành công như Cocosin, Fíber và 8870 Link. Trong đó, tên tuổi của cô thực sự vang danh trong làng thời trang Việt khi cô cùng bạn thân đồng sáng lập nên Cocosin, thương hiệu fast-fashion (thời trang nhanh) đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2012.

Đến năm 2015, Trần Mai Hương nhượng lại toàn bộ cổ phẩn tại Cocosin và sang New York theo học ngành thời trang bán lẻ. Tại đây cô bắt đầu có những tiếp cận về cách ứng dụng big data vào ngành thời trang.

Và mới đây, ‘mỹ nữ startup’ đã có buổi trò chuyện thú vị cùng Phó TGĐ Tập đoàn Kido - Ông Mã Thành Danh cùng MC Quốc Khánh về chính chủ đề này, trong tập 12 chương trình Café Khởi Nghiệp.

“Át chủ bài” Big data trong ngành thời trang

Nếu dầu mỏ được xem là nguồn tài nguyên cốt lõi của thế giới thì big data được ví như nguồn tài nguyên trọng tâm của công nghệ 4.0. Hiện nay, rất nhiều phân ngành đã đẩy mạnh việc ứng dụng big data để bắp kịp tiến trình chuyên nghiệp hóa. Ngành thời trang cũng không đứng ngoài cuộc đua này.

Đối với ngành thời trang, đặc biệt ở xu thế fast-fashion, big data lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi đặc thù của fast-fashion nằm ở khả năng đưa ra những mẫu thời trang mới nhất trên sàn diễn đến tay người tiêu dùng một cách ngắn nhất.

Để làm được điều này, các hãng thời trang cần một khối lượng lớn các nguồn thông tin về thị hiếu lẫn thói quen của người tiêu dùng, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Như vậy mới kịp thời đưa ra những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu thay đổi phong cách ăn mặc liên tuc của người dùng. Mà phần lớn là giới trẻ hiện nay, những người có xu hướng chỉ mua quần áo để “diện lên ảnh” một lần.

Theo đồng sáng lập Cocosin, “hàng tồn kho là cơn ác mộng với ngành thời trang bán lẻ”, chính vì thế, phải thực sự nắm bắt và ứng dụng đúng big data, nhà sản xuất mới đưa ra được đúng sản phẩm mà người tiêu dùng cần. Từ đó tránh được rủi ro “tồn kho”.

Nhìn nhận big data theo góc độ phù hợp

Trần Mai Hương trong chương trình Café Khởi Nghiệp, cùng với MC Quốc Khánh và ông Mã Thành Danh.)

Nhưng nắm được big data trong tay chưa hẳn có thể ứng dụng ngay, “Có data là một chuyện, nhìn data như thế nào mới là một chuyện khác”, Trần Mai Hương cho biết.

Khi phân tích dữ liệu, nếu nghiêng về góc độ khách hàng nhiều quá, thương hiệu có thể đánh mất đi “chất” của mình. Song nếu nghiêng về tinh thần của hãng quá nhiều, thương hiệu lại gặp khó khăn trong việc đáp ứng thị hiếu người dùng. Do vậy, các hãng thời trang cần có sự cân bằng trong cách phân tích nguồn dữ liệu lớn.

Điểm lưu tâm lớn nhất của vấn đề nhìn nhận data trong ngành thời trang nằm ở đội ngũ thiết kế. Đối với các chuyên gia thiết kế thời trang, cái tôi của họ là vô cùng lớn. Việc ứng dụng big data để “lèo lái” mẫu mã sẽ có thể gây nên sự bất đồng từ phía họ. Do vậy, cách mạng của ngành thời trang phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chấp nhận dữ liệu của nhà thiết kế.

Tiềm năng khởi nghiệp fashion big data

Theo Trần Mai Hương, khó khăn của việc ứng dụng big data ở nước ta hiện nay nằm ở thực tế Việt Nam chưa có một công nghệ thăm dò khách hàng. Không chỉ cần có mà còn cần phải kịp thời. Trên thế giới các đế chế thời trang khổng lồ như Zara, H&M, Nike, Adidas đã cho ứng dụng dữ liệu lớn, cho phép hiểu người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

Sự xuất hiện của big data đã thiết lập lại mọi luật chơi, nơi các ông lớn cũng dần ‘ngang hàng’ với các tay chơi mới. Giữa thời điểm thị trường thời trang có nhiều chuyển biến, lại có thêm sự hỗ trợ đến từ công nghệ. Các nhà khởi nghiệp sẽ nhanh chóng thích ứng với nhiều thay đổi hơn. Bởi họ có quy mô nhỏ và dễ dàng thay đổi.

Trong khi đó, các tên tuổi ‘gạo cội’ như Việt Tiến, Blue Exchange, Ninomax lại có thâm niên, do đó việc thay đổi dây chuyền sản xuất lẫn tư duy sẽ rất khó. Rõ ràng sư ‘mất tích’ của các hãng thời trang truyền thống cũng là một hồi chuông cảnh báo cho việc không nhập cuộc ‘big data’.

‘Mỹ nữ startup’ đúc kết, fashion big data hiện nay tại Việt Nam có thể là cơ hội nhưng cũng sẽ là thách thức với những ai đam mê khởi nghiệp trong ngành này. Nhưng nếu biết cách chọn lọc dữ liệu thông minh và cân bằng, chắc chắn startup sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.

Là người đã từng khởi nghiệp thành công với Cocosin, Trần Mai Hương đã đem đến rất nhiều chia sẻ thú vị trong Café Khởi Nghiệp, chương trình do HTV7 phát sóng vào lúc 7 giờ sáng, thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3 và được đồng hành bởi nhãn hàng Canon Việt Nam.

Thep Nhịp Sống Kinh Tế