Ngoài được dùng để phạt những công dân có hành vi không tốt, hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc còn khen thưởng hậu hĩnh cho người xứng đáng.
Năm ngoái, Trung Quốc cho biết hệ thống chấm điểm uy tín công dân của nước này đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức hoạt động từ năm 2020. Đây là một dự án đầy tham vọng của Chính phủ nước này nhằm đánh giá chất lượng 1,3 tỷ công dân. Tư tưởng chỉ đạo của hệ thống này là "Giữ được lòng tin là vinh quang, phá vỡ nó là điều đáng hổ thẹn".
Hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội của Trung Quốc được tạo ra để khen thưởng và xử phạt mọi người dựa trên hành vi của họ. Đây đã trở thành một hệ thống "khét tiếng" gây rúng động thế giới với những hình phạt áp dụng với các cá nhân không trả nợ hay có hành vi không đúng mực ở nơi công cộng.
Những người này có thể bị từ chối một số dịch vụ cơ bản hoặc bị cấm vay tiền. Ngoài ra, nếu có tên trong danh sách đen, họ còn không thể mua vé máy bay, ở khách sạn cao cấp, mua xe hơi sang trọng, mua bất động sản hay cho con theo học trường tư.
Mặc dù vậy, vẫn có cách để công dân cải thiện điểm tín nhiệm xã hội. Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đức đã phân tích 194.829 hồ sơ hành vi và 942 báo cáo của chính phủ về hành vi "tốt" và "xấu" để đưa ra danh sách những việc có thể đem lại điểm tín dụng tích cực của một cá nhân.
Một phụ nữ trung niên dành thời gian chơi đùa với con cháu.
Dưới đây là một số hành vi như vậy:
Giúp chăm sóc người tàn tật.
Quyên góp cho quỹ tài trợ sinh viên nghèo của các trường đại học.
Chăm sóc người già, ngay cả khi họ là người dưng.
Giúp nông dân thu hoạch mùa màng.
Trả nợ khoản vay ngân hàng đúng hạn.
Nghiên cứu trên mới chỉ đề cập đến một vài trong số rất nhiều hành vi giúp cải thiện điểm tín nhiệm. Ngoài ra, việc quyết định khen thưởng còn phụ thuộc vào nhiều cơ quan chức năng khác nhau.
Năm 2018, tạp chí Chính sách đối ngoại cho biết họ đã chứng kiến những hoạt động đem lại điểm tín nhiệm xã hội tích cực trong chuyến thăm tới thành phố Vinh Thành, nơi áp dụng chương trình thí điểm của riêng mình.
Ban đầu, mỗi người trưởng thành sở hữu 1.000 điểm và việc cộng, trừ điểm sẽ dựa vào hành vi của từng cá nhân.
Một số nhân vật tiêu biểu của thành phố:
- Yuan Suoping, 55 tuổi, người đã tận tụy chăm sóc mẹ chồng nằm liệt giường và thậm chí còn khăng khăng đón bà cụ về nhà mình để hai vợ chồng tiện chăm nom.
- Bi Haoran, cảnh sát 24 tuổi, người đã cứu sống một học sinh khỏi tai nạn do ô tô đâm vào đám đông trong một buổi tối.
Phần thưởng dành cho hai người này là giảm giá hóa đơn tiền điện, hưởng lãi suất tiết kiệm ngân hàng cao hơn, có thể thuê xe đạp và phòng tại những khách sạn hàng đầu mà không cần trả tiền đặt cọc… Không những vậy, tên và hình ảnh của người dân địa phương thể hiện tốt còn được hiển thị công khai để nêu gương cho mọi người.
Theo kế hoạch, hệ thống chính thức sẽ được triển khai trên khắp Trung Quốc vào năm 2020. Sau khi Chính phủ công bố ý định năm 2014, rất nhiều địa phương đã áp dụng phiên bản đánh giá của riêng mình. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cho phép nhiều công ty công nghệ trong đó có Alibaba và Tencent giám sát hành vi của ngời tiêu dùng trên nền tảng của họ và sau đó phản hồi lại.
BI / Theo Trí Thức Trẻ