Nắm trong tay Vimo, nganluong.vn, TopCV nhưng đa số công ty của Shark Bình đang thua lỗ

04/01/2021 10:40

Hệ sinh thái của vị doanh nhân Nguyễn Hoà Bình đang sở hữu rất nhiều tên tuổi như Peacesoft, Vimo, TopCV, nganluong.vn…

"Át chủ bài" làm ăn lẹt đẹt

Năm 2018, vụ việc một khách du lịch Trung Quốc mang lậu máy POS sang Việt Nam, kết nối mạng internet và thanh toán, vận chuyển chui số tiền 200.000 nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) ra nước ngoài đã làm dấy lên một mối lo ngại đối với an ninh tiền tệ quốc gia. Ngay sau đó, Alipay đã phải công bố hợp tác với Napas, còn Wechat Pay hợp tác với ví điện tử Vimo để hoạt động tại Việt Nam. Mối quan làm ăn này đã giúp Vimo cải thiện tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa của mình.

Nắm trong tay Vimo, nganluong.vn, TopCV nhưng đa số công ty của Shark Bình đang thua lỗ - Ảnh 1

4 năm gần nhất, doanh thu của Vimo rớt xuống đáy trong năm 2018, ở mức 67,5 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với năm 2017. Đến 2019, khi lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, doanh thu của Vimo đã tăng lên 342,6 tỷ đồng, nhiều hơn cả 3 năm trước cộng lại.

Tuy tình hình kinh doanh có cải thiện nhưng điều đáng chú ý là năm duy nhất báo lãi của Vimo là 2017 với 4,2 tỷ đồng. Năm 2019, dù doanh thu tăng mạnh nhưng Vimo vẫn chịu lỗ, âm vốn chủ sở hữu tới 11,7 tỷ đồng.

Vimo là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái của NextTech Group do vợ chồng doanh nhân 8x Nguyễn Hoà Bình - Shark Bình (sinh năm 1981) sáng lập từ năm 2013. Đến tháng 12/2020, tại NextTech, ông Nguyễn Hòa Bình và ông Nguyễn Huy Hoàng góp 400 tỷ đồng, sở hữu 80% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của doanh nghiệp này do ông Đào Minh Phú nắm giữ.

Trong 4 năm gần nhất, NextTech Group liên tục báo lỗ, kết quả kinh doanh không khả quan. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của NextTech Group âm 12,8 tỷ đồng. Tình trang kinh doanh thua lỗ kéo dài liên tục suốt từ năm 2016 đến nay.

Điều đặc biệt là kết quả kinh doanh thua lỗ của NextTech Group được công bố trong khi đơn vị này vẫn đang nắm trong tay một số công ty lớn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần. Đáng kể nhất có thể thấy chính là Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm Hoà Bình, Nganluong.vn, TopCV.

Công ty cổ phần TopCV Việt Nam (TopCV Việt Nam) được thành lập từ năm 2016 với quy mô vốn ban đầu là 100 triệu đồng. Cơ cấu cổ đông ban đầu gồm ông Trần Trung Hiếu (nắm 70%), Vũ Nhật Anh (nắm 25%) và Nguyễn Văn Vũ (nắm 5%).

TopCV đang cung cấp nền tảng phục vụ cho việc tuyển dụng nhân sự với gần 3 triệu người dùng, 95.000 nhà tuyển dụng và 10.000 hồ sơ được cập nhật mỗi ngày. Đến tháng 10 năm 2020, TopCV đã có sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại đến từ Hàn Quốc là TSP Consulting Inc (3,511%) và Axiom Associates Korea, Inc (1,403%).

Trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của TopCV liên tục tăng trưởng. Năm 2016, doanh thu khởi điểm chỉ là 36 triệu đồng. Đến năm 2017, công ty đã thu về 2,2 tỷ đồng. Con số này đã tăng gấp 3 vào năm 2018, đạt 6,5 tỷ đồng. Bước sang năm 2019, doanh thu của TopCV đạt 15,1 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với năm 2018. Tuy nhiên, suốt 4 năm, TopCV chỉ ghi nhận lãi trong năm 2018.

Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm Hoà Bình (Peacesoft) cũng là tên tuổi quan trọng trong hệ sinh thái của ông Bình. Peacesoft được thành lập từ năm 2001 với vốn điều lệ 19,39 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 91,678%, thuộc về Peacesoft Holdings Ltd (sở hữu 68,11%), ông Nguyễn Hoàng Bảo (Henry Nguyễn) và IDGVV1 sở hữu 23,568% vốn điều lệ.

Ông Henry Nguyễn chính là Tổng giám đốc của IDGVV1 (Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam), chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Việt Nam từ năm 2004.

Các nhà đầu tư trong nước nắm số cổ phần còn lại bao gồm vợ chồng ông Nguyễn Hòa Bình – bà Đào Lan Hương, ông Vũ Thành Trung, ông Nguyễn Hữu Tuất.

Nắm trong tay Vimo, nganluong.vn, TopCV nhưng đa số công ty của Shark Bình đang thua lỗ - Ảnh 2

Đến tháng 6/2020, Peacesoft Holdings Ltd thoái vốn toàn bộ khiến tỷ lệ sở hữu của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài tại Peacesoft giảm xuống chỉ còn 23,564%.

Trong 4 năm gần nhất, Peacesoft báo lỗ vào năm 2017. Năm 2019, công ty báo lãi 35,4 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu là 32,9%.

Nắm trong tay Vimo, nganluong.vn, TopCV nhưng đa số công ty của Shark Bình đang thua lỗ - Ảnh 3

Điểm sáng trong hệ sinh thái của NextTech Group là Ngân lượng (Nganluong.vn) - đơn vị vận hành cổng thanh toán. Từ năm 2016 đến 2018, doanh thu của Ngân Lượng liên tục tăng trưởng mạnh, đạt đỉnh điểm vào năm 2018 với 1.898 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2017. Trong năm 2019, do có nhiều đối thủ cạnh tranh nên doanh thu của Ngân lượng sụt giảm chỉ còn 428,3 tỷ đồng, bằng 1/3 so với năm trước đó.

Dù sụt giảm doanh thu nhưng 2019 lại là năm có lợi nhuận cao nhất của công ty với lãi thuần ghi nhận đạt 109,5 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với năm trước đó, biên lợi nhuận đạt 25,5%.

Được thành lập từ tháng 9 năm 2012, Ngân Lượng từng bán 50% vốn cho Mol Accessport Al And.Bhd. Tuy nhiên, đến ngày 21/12/2018, nhà đầu tư Malaysia thoái vốn, Nganluong Holdings Limited đã thay thế đơn vị này sở hữu 50,54% vốn điều lệ.

Một mảnh ghép khác trong hệ sinh thái NextTech Group là Nextpay Holdings, đây là đơn vị hợp nhất từ Vimo và mPos. Công ty cổ phần Nextpay Việt Nam được thành lập từ tháng 9/2018 với tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Hữu Bình, cổ đông sáng lập bao gồm ông Nguyễn Hữu Tuất (30% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Hoà Bình (70% vốn điều lệ). Giám đốc điều hành là ông Đỗ Công Diễn.

NextPay đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược và tổ chức của nước ngoài để phát hành riêng lẻ khoảng 20% cổ phần. Công ty hiện đàm phán với 5 nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Quỳnh Chi/Doanh Nhân và Pháp luật

https://doanhnhan.vn/nam-trong-tay-vimo-nganluongvn-topcv-nhung-da-so-cong-ty-cua-shark-binh-dang-thua-lo-36454.html