Trong lúc xếp hàng tại một sân băng ở Phoenix, Arizona, Andy Mooney đã nảy ra một ý tưởng kinh doanh giúp công ty giải trí khổng lồ Disney thu về 3 tỷ USD mỗi năm.
Mọi việc bắt đầu từ năm 2000 khi Mooney được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận sản phẩm tiêu dùng của Disney. Gia nhập công ty sau 20 năm làm việc tại Nike, ông luôn làm việc chăm chỉ để theo kịp sự phát triển của hãng. Điều này bao gồm cả việc đi xem Disney on Ice, một sự kiện đại nhạc kịch trên băng với những câu chuyện gắn liền với các nhân vật quen thuộc.
Trong quá trình xếp hàng, Mooney nhận ra rằng có rất nhiều bé gái và cả mẹ của chúng mặc những bộ váy giống những nhân vật nổi tiếng như Bạch tuyết, Lọ Lem và Người đẹp ngủ trong rừng. Thời điểm đó, Disney chưa bán kiểu trang phục như vậy và ngay lập tức ông phát hiện ra một thị trường cực kỳ hấp dẫn mà công ty chưa khai thác.
Ông bắt đầu hỏi các bà mẹ liệu họ có mua không nếu Disney sản xuất những chiếc váy chính thức thay vì may thủ công. Tất cả đều trả lời rằng họ chắc chắn sẽ mua và thậm chí mua nhiều là đằng khác.
Mooney nhanh chóng quay lại trụ sở của Disney ở Burbank, Los Angeles và cùng các cộng sự cho ra mắt dòng sản phẩm Disney Princess. Họ không chỉ giới thiệu những chiếc váy giống của các nhân vật nữ nổi tiếng nhất mà còn sản xuất ra mọi thứ liên quan từ sách, hộp cơm trưa, búp bê, tạp chí, trò chơi và đồ ngủ.
Ý tưởng của ông tuy rất đơn giản nhưng lại hiệu quả đến không ngờ: Kinh doanh những sản phẩm phục vụ cho đối tượng là fan nữ của Disney, cả già lẫn trẻ. Đến cuối năm 2001, doanh số mà Disney Princess thu về là 300 triệu USD và ngày nay, con số này đã đạt mức 3 tỷ USD/năm.
Mooney sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Scotland. Ông là con trai của một người thợ mỏ, năm 16 tuổi, ông nghỉ học để học việc và làm kế toán tại một nhà máy lốp xe địa phương.
Từ khởi đầu khá khiêm tốn, ông đã trở thành người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Nike. Sau nhiều năm làm kế toán, đến năm 25 tuổi, ông đã được nhận vào làm giám đốc tài chính của Nike ở Vương quốc Anh.
Tuy công việc hàng ngày chỉ liên quan đến tài chính nhưng Mooney bắt đầu gây ấn tượng với cấp trên bằng bản năng kinh doanh của mình. Ông đưa ra những ý kiến giúp Nike bán được nhiều giày hơn và đến năm 1982, ông đã được cất nhắc lên vị trí trưởng phòng marketing. Hai năm sau, ông chuyển đến làm việc ở trụ sở của Nike ở Oregon, Mỹ.
Tại đây, ông là người dẫn dắt chính trong việc giới thiệu các sản phẩm phiên bản giới hạn đặc biệt. Một điều thú vị là cảm hứng thường đến với ông từ những điều ngẫu nhiên trong cuộc sống.
Vị trí giám đốc giúp Mooney có thể mua một chiếc xe Porsche 924 và trong một lần đi trên đường, ông nhìn thấy một chiếc xe khác cùng hiệu nhưng có màu vàng rất nổi bật. Nhờ đó, ông nảy ra ý tưởng rằng nếu siêu xe có phiên bản giới hạn thì giày của Nike cũng nên như vậy và nó đã đem lại thành công lớn.
Sau 20 năm cống hiến tại Nike, Mooney đã được Disney chiêu mộ và ông coi đây mà một thử thách mới khi đảm nhiệm vai trò đứng đầu bộ phận sản phẩm tiêu dùng. Ông tiếp tục làm việc tại đây trong 11 năm rồi trở thành giám đốc điều hành trong hơn hai năm của thương hiệu đồ thể thao Quicksilver, nơi ông thừa nhận rằng mọi việc diễn ra không mấy suôn sẻ.
Sau nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, đến năm 2015, Mooney chính thức trở thành giám đốc điều hành của Fender, một công ty chuyên sản xuất đàn của Mỹ. Vốn là một người đam mê nhạc cụ với bộ sưu tập gồm hơn 40 cây đàn guitar, ông luôn coi đây là công việc yêu thích của mình.
Dù doanh thu hàng năm của Fender đạt mức 500 triệu USD nhưng Mooney vẫn muốn phát triển bằng cách giảm số lượng người bỏ giữa chừng việc học chơi guitar sau một thời gian ngắn.
Mark Ritson, giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Melbourne nói: "Andy Mooney là một giám đốc điều hành khác thường. Ông ấy có một nền tảng marketing mạnh mẽ, luôn hiểu được khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới và sử dụng kiến thức để đa dạng hóa sản phẩm và tăng doanh thu".
theo BBC