NFT: Trò may rủi của những triệu phú “hụt”

26/09/2021 18:32

Là đồng sáng lập của một website chuyên theo dõi những bộ sưu tập số, Gauthier Zuppinger đã thấy gần như mọi thứ. Những bức hoạ ếch, khỉ, bong bóng trừu tượng, bạch tuộc trên đầu, quỷ thổi lửa…

Từ tháng trước, khi mà các token không thay thế được (non-fungible tokens, NFT) trở thành lựa chọn thế chỗ cho những đồng meme coin và vô số những coin giá rẻ khác trong danh mục của giới đầu cơ, website của Zuppinger đã bổ sung thêm đến 169 bộ sưu tập - nhiều hơn cả 12 tháng trước cộng lại. Nếu bạn nghĩ rằng họ đang sở hữu lợi thế đầu tư có thể giúp bản thân trở thành Warren Buffett của thế giới tiền mã hoá, thì vị COO của Nonfungible.com có một lời cảnh báo "nhẹ nhàng": "Có lẽ 90% số bộ sưu tập được tạo ra hiện nay là hoàn toàn vô dụng và vô nghĩa".

Phiên đấu giá token khỉ đột trị giá 24 triệu USD vào tuần trước của nhà đấu giá Sotheby, meme Doge được bán với giá 180 triệu USD, và nhiều sản phẩm siêu thực xuất hiện trong làn sóng NFT mùa hè vừa qua… tất cả đều cho chúng ta thấy một bức tranh hỗn độn về những cơ hội "làm giàu không khó" từ NFT. Nhưng dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp được lại cho thấy thị trường này không phải toàn màu hồng như chúng ta vẫn nghĩ.

"Chỉ một phần rất nhỏ của cộng đồng này, và một số người cực kỳ may mắn hoặc nắm bắt được thông tin đầy đủ, mới trở nên giàu có mà thôi" - Zuppinger nói.

Một trong những kết cục phổ biến nhất mà các nhà đầu tư NFT gặp phải: bán mãi một thứ mà chẳng ai muốn. Trong khoảng thời gian 90 ngày trước đây, gần 1,9 triệu tài sản đã được rao bán trên chợ NFT lớn nhất thế giới, OpenSea. Nhưng 3/4 trong số đó chưa bao giờ đến được trao tay trong bất kỳ giao dịch nào.

Đối với những thứ tìm được người mua, thì chúng hầu như đều là những tác phẩm có tiếng tăm và có giá trị cao. 3% trong số những tài sản NFT được giao dịch nhiều nhất chiếm đến 97% tổng khối lượng giao dịch.

Phần thị trường sôi động đó chứng kiến những làn sóng mạnh mẽ của phe gấu, tuy nhiên lợi nhuận sau đó thì không hấp dẫn như bạn vẫn nghĩ. Trong số những tài sản NFT có ít nhất 100 giao dịch, 42% bị sụt giảm giá trị trung bình, trong khi 39% có giá tăng gấp đôi hoặc hơn (lưu ý là dữ liệu thu thập từ giao diện lập trình ứng dụng công khai của OpenSea đã loại trừ một số bộ sưu tập như CryptoPunks và ZED RUN).

bo-suu-tap-cryptopunks-nft-tham-gia-axie-infinity-va-1632655849.jpg
Bộ sưu tập NFT CryptoPunks

Ở thời điểm này, khi mà khối lượng giao dịch đã sụt mạnh sau cú lao dốc của Bitcoin vào tuần trước, câu hỏi được đặt ra là liệu bong bóng đầu cơ này có đi theo con đường như những hiện tượng trước đó: những người bước vào thị trường muộn sẽ lãnh đủ bởi cơn cuồng đã bắt đầu đi theo chiều ngược lại.

NFT không phải là thị trường nóng duy nhất với hàng tá tài sản "khủng", vô số những cạm bẫy mơ hồ, và những trader giàu xổi mạnh miệng tuyên bố nắm chắc thị trường trong lòng bàn tay.

Nhưng dù không có bất kỳ giá trị kinh tế rõ ràng nào, NFT vẫn khác biệt so với những trào lưu đầu cơ khác thời gian qua. Bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một token với chức năng "đóng dấu" quyền sở hữu duy nhất đối với một tài sản trên blockchain.

"Một số NFT đơn giản là được lòng cộng đồng" - theo Benjamin Rameau, người sáng lập một tổ chức phi tập trung chuyên đầu tư vào NFT tên là Jenny DAO. "Những điều mà thị trường cho là có giá trị đôi lúc lại được định đoạt bởi những yếu tố kỳ quặc"

Đặc điểm cố hữu của cuộc chơi này là tính bầy đàn. Martin Gaspar, một nhà phân tích tại công ty crypto Crosstower Inc., bán nhanh gọn một bức chân dung số từ bộ sưu tập Hashmasks và thu lời khoảng 40% chỉ trong vòng hai tuần hồi tháng 2 năm nay sau khi quan sát những xu hướng trên Twitter. Anh nhận ra rằng hiện nay, các fan NFT cũng đang theo dõi các nhóm Discord và Telegram để tìm những tín hiệu giao dịch tương tự.

Nhưng những tín hiệu đó từ đâu mà ra? Tuần qua, trang OpenSea cho biết đã phát hiện ra một nhân viên lợi dụng thông tin tuyệt mật của công ty để mua trước những tài sản NFT trước khi chúng được xuất hiện trên trang chủ.

"Mọi người tìm cách chen chân vào cuộc chơi lớn trước khi nó trở nên quá phổ biến" - Gaspar nói. "Nếu có nhiều người có ảnh hưởng trong thế giới crypto nói về một dự án NFT, thường thì bạn nên lắng nghe, hoặc ít nhất thì cũng nghiên cứu một chút"

Định giá phù hợp cho những chú gấu trúc, ma cà rồng, hay trứng ảo là điều quá khó nhằn đối với hầu hết giới đầu cơ, đến mức nó trở thành cơ hội hiếm có cho các trader thuộc trường phái "thuật toán", những người đưa ra nhiều deal giá hời cho hàng loạt tác phẩm với hi vọng nhử được những người bán "ngây ngô". Lúc này, đội ngũ bot của họ có thể ngay lập tức bán lại các token ở mức giá cao hơn.

Khi giá trị Bitcoin lao dốc đến 17% hôm 7/9, tính thanh khoản của thị trường NFT cũng "mất phanh". Kể từ đó, giá lẫn khối lượng NFT đã giảm mạnh. Giá sàn của Loot (for Adventurers) - một trong những bộ sưu tập gây sốt nhất thời điểm đó - hay giá của tác phẩm rẻ nhất trong bộ sưu tập này, đã giảm gần một nửa. So với thời điểm kỷ lục, giá trị của Loot đã giảm 54%.

"Cứ mỗi hai tiếng, lại có một đợt giảm giá NFT" - Rameau nói. "Không có cách nào giúp bạn duy trì được giá của những bộ sưu tập đó cả"

4fa62133-98d9-461c-a427-be98c2524da7-1632502953432501805147-1632655787.jpeg

Tổng giá trị NFT Doge lên đến 705 triệu USD

Giống như thế giới crypto đi trước, NFT cũng gặp phải vấn nạn wash trade, trong đó những kẻ đầu cơ tìm cách đẩy khối lượng giao dịch lên cao bằng cách thông đồng mua và bán một tài sản. Zuppinger và Dan Kelly, hai nhà sáng lập của Nonfungible, đã phát hiện ra từ tháng 5/2020 đến tháng 2/2021, những giao dịch giả như vậy chiếm đến 28% tổng khối lượng tiền pháp định trên một chợ NFT giấu tên, và 10% các giao dịch khác bị đánh dấu là nghi ngờ.

Tính thanh khoản giảm sút cùng với những mức giá không thể dự đoán được chính là kết quả của nguồn cung hạn chế, khiến một số bộ sưu tập rơi vào tay của những con cá voi, hay những người nắm giữ một lượng tài sản cực lớn. Ví dụ, trong trường hợp của CryptoPunks, 100 người sở hữu lớn nhất trên thị trường hiện nắm giữ gần một nửa số tác phẩm trong bộ sưu tập này.

Một giải pháp cho vấn đề thanh khoản là chia tách các NFT thành các token thay thế được, đại diện cho một phần của một tác phẩm được nhiều người yêu thích. Như vậy, việc giao dịch sẽ dễ dàng hơn, và có thể mang những biểu tượng NFT như meme Doge đến với số đông người hâm mộ, nhưng nó cũng gây ra tình trạng phấn khích quá mức đối với thị trường: khi người từng mua bức ảnh đó với giá 4 triệu USD công khai đấu giá nó dưới dạng…17 tỷ mảnh nhỏ hồi đầu tháng 9 này, tổng giá trị của NFT này nhảy vọt lên con số 705 triệu USD!

"99% thành công nằm ở chỗ bạn tham gia đúng nhóm tín hiệu, có được thông tin chính xác, ở thời điểm phù hợp" - theo Zuppinger. "Trong thế giới NFT, bạn phải liên tục sống với sự bực bội rằng bạn vừa bỏ lỡ mất cơ hội kiếm được 1 tỷ USD"

Anh là người hiểu rõ điều đó nhất. Khi CryptoPunks chẳng có tí giá trị nào vào năm 2017, Zuppinger từng xem chúng như một thử nghiệm với giá trị về nghệ thuật rất thấp. Thế nhưng mới chỉ tuần trước thôi, một token của nó đã được bán với giá đến…7 triệu USD.

Tham khảo: Bloomberg

Theo Tấn Minh/Pháp luật và Bạn đọc
Bạn đang đọc bài viết "NFT: Trò may rủi của những triệu phú “hụt”" tại chuyên mục Tài chính.