Nga muốn mở rộng sử dụng đồng rúp trong xuất khẩu năng lượng

16/04/2022 20:57

Ngày 15-4, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết Nga đang lên kế hoạch tăng cường sử dụng đồng rúp trong xuất khẩu năng lượng, nhưng chưa đưa ra hạn chót cho việc thay đổi đồng tiền chi trả.

null
Nga muốn mở rộng sử dụng đồng rúp trong xuất khẩu năng lượng - Ảnh: ONMANORAMA

Theo Đài truyền hình RT, ông Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp trực tuyến: "Tổng thống đã đưa ra cách tiếp cận từng bước và có phương pháp để mở rộng việc sử dụng đồng tiền quốc gia".

Trước đó, hồi cuối tháng 3-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán khí đốt xuất khẩu bằng đồng rúp từ các nước "không thân thiện" - cách gọi của Nga với các nước áp đặt lệnh trừng phạt Matxcơva liên quan chiến sự ở Ukraine.

Ngày 31-3, ông Putin ký thông qua sắc lệnh chính thức yêu cầu các nước "không thân thiện" mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp, theo Hãng tin Reuters.

Theo ông Putin, việc chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng rúp sẽ củng cố chủ quyền của Nga, khi phương Tây sử dụng hệ thống tài chính như một vũ khí. Thêm nữa, việc Nga giao dịch bằng đồng USD và đồng euro không có ý nghĩa gì khi tài sản bằng các loại tiền tệ đó đang bị đóng băng.

Theo các số liệu chính thức mới công bố, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm trong 5 tháng qua.

Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Ngày 15-4, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 26,4% về khối lượng trong khoảng thời gian từ ngày 1-11 đến ngày 15-4 so với cùng kỳ năm trước.

Gazprom cho biết thêm kho dự trữ khí đốt ở châu Âu cũng ở mức thấp nhất trong vài năm.

Trong khi đó, khoảng cách giữa giá dầu thô Urals của Nga và dầu Brent Biển Bắc, mức chuẩn quốc tế, đã mở rộng.

Theo Bộ Tài chính, giá của dầu Urals trung bình là 79,81 USD/thùng trong khoảng thời gian từ ngày 15-3 đến ngày 14-4, so với 108,50 USD/thùng dầu Brent.

Theo Hãng thông tấn Interfax, chênh lệch giá giữa hai loại dầu này bình thường vào khoảng 1-2 USD nhưng nay đã tăng lên do các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Mặc dù dầu của Nga không bị phương Tây trừng phạt, các biện pháp trừng phạt đã khiến người mua ngần ngại khi mua dầu thô của nước này.

Cũng liên quan đến Nga, ngày 15-4, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết Nga yêu cầu trục xuất 18 nhân viên của phái bộ EU và những người này phải nhanh chóng rời khỏi lãnh thổ Nga. Đây là động thái nhằm trả đũa việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga trước đó.

Theo Hồng Vân/Tuổi trẻ