Vietcombank dẫn đầu danh sách
Danh sách 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu Việt Nam do Forbes Việt Nam công bố gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Tổng giá trị của 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu đạt 3,95 tỷ USD. Trong danh sách, ngành ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất với 17 đại diện, kế tiếp là chứng khoán với 5 đại diện và ngành bảo hiểm với 3 đại diện.
Do quy mô và tính chất hoạt động, ngành ngân hàng chiếm 14 vị trí dẫn đầu trong danh sách. Trong đó Vietcombank xếp thứ nhất với giá trị 705 triệu USD, cao gấp 2,8 lần giá trị được Forbes xác định trong danh sách năm 2020. Tiếp theo là Techcombank (430 triệu USD), VietinBank (388 triệu USD), VPBank (356 triệu USD), BIDV (320 triệu USD) và đứng thứ 6 là MB (312 triệu USD). Một số ngân hàng khác trong danh sách với giá trị thương hiệu được xác định ở mức cao có thể kể đến là ACB (257,3 triệu USD), HDBank (162 triệu USD), VIB (138 triệu USD)...
Bên cạnh các ngân hàng, đại diện các công ty bảo hiểm góp mặt trong danh sách có Tập đoàn Bảo Việt ở vị trí thứ 14 với giá trị thương hiệu 72 triệu USD (đứng đầu ngành bảo hiểm), Công ty Cổ phần PVI ở vị trí thứ 21 với giá trị thương hiệu 28,5 USD và Công ty Bảo hiểm ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) ở vị trí thứ 25 với giá trị thương hiệu 10 triệu USD.
Đáng chú ý, mặc dù thực hiện danh sách này khi làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ tư gây tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội, nhưng khi tính toán, Forbes Việt Nam nhận thấy giá trị của một số ngân hàng Việt Nam đã vượt hoặc tiệm cận các đối thủ mạnh trong khu vực.
Chẳng hạn, vào trung tuần tháng 7 vừa qua, vốn hóa của Vietcombank đã vượt Commercial Siam Bank (SCB) - ngân hàng lớn nhất Thái Lan - và trên đường tiệm cận với định chế tài chính lớn nhất Malaysia là Malayan Banking Berhad (Maybank). So sánh với hai ngân hàng, tuy quy mô tổng tài sản Vietcombank vẫn còn khoảng cách, nhưng được thị trường, trong đó có định chế tài chính nước ngoài định giá cao dựa trên dư địa tăng trưởng của thị trường tài chính, sức mạnh nội tại và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.
Giữ vững quán quân về lợi nhuận
Trong 6 tháng đầu năm nay hoạt động kinh doanh của ngân hàng Vietcombank ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực như huy động vốn thị trường I đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng đạt trên 920 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2020.
Tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 11,9% so với cuối năm 2020, chiếm 54,8% tổng dư nợ tín dụng. Ngân hàng tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường với quy mô lên đến 430.000 tỷ đồng…
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và bằng 57,8% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế trích lập dự phòng rủi ro đạt 19.561 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 31% với 8.353 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 0,91%.
Với con số lợi nhuận như trên, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân về lợi nhuận trong ngành ngân hàng. Trước đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng ghi nhận mức tăng trưởng về lợi nhuận khá bùng nổ, khi công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 13.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông 2021 của Vietcombank, được tổ chức vào tháng 4/2021, ông Nghiêm Xuân Thành, khi đó còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Vietcombank đạt hơn 1,32 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019; dư nợ tín dụng hơn 845.000 tỷ đồng, tăng 14%: Huy động vốn đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,62%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 380% - cao nhất toàn ngành.
Năm 2021, Vietcombank đề ra kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu chính như sau: Tổng tài sản tăng 5%; dư nợ tín dụng tăng 10,5%; huy động vốn tăng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến tăng 7%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11%; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 25.000 tỷ đồng (điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính); tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1%; tỷ lệ chi trả cổ tức 8%; tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, Thủ tưởng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank. Cụ thể, Vietcombank sẽ được bổ sung hơn 7.657 tỷ đồng theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Nguồn vốn bổ sung đến từ cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Ngày 30/8, Hội đồng quản trị Vietcombank đã chính thức bầu ông Phạm Quang Dũng giữ chức vụ Chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2023. Đồng thời, giao Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng tạm thời phụ trách Ban Điều hành ngân hàng cho đến khi có nhân sự cho vị trí Tổng Giám đốc.
Ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/4/1973, có bằng Thạc sỹ tài chính ngân hàng tại Trường đại học Birmingham (Anh Quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Ông Dũng bắt đầu sự nghiệp tại Vietcombank từ tháng 8/1994, trải qua nhiều vị trí công tác tại phòng đầu tư và bảo lãnh; phòng quan hệ quốc tế; công ty cho thuê tài chính và giữ nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như: Phó Giám đốc Công ty tài chính Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc); Trưởng phòng quan hệ ngân hàng đại lý; Phó tổng Giám đốc; Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng Giám đốc.
Trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank từ 11/2014.
Xét về cơ cấu cổ đông, hiện tại, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank là 74,8%. Cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ. Các cổ đông khác nắm giữ 10,2% vốn điều lệ ngân hàng.