Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ngân hàng Úc rót 22 triệu USD vào Yeah1

15/07/2018 10:14

Trước khi giao dịch trên được thực hiện, ngân hàng của Úc chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu YEG nào.

Thông tin một tổ chức mua cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn tại CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) mới được công bố trên HoSE.
Cụ thể, Macquarie Bank, trụ sở tại Australia đã mua vào hơn 1,57 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,74% tại YEG trong ngày 29/6 vừa qua.
Như vậy, tổ chức này đã trở thành cổ đông lớn nắm giữ trên 5% tại Yeah1. Trước khi giao dịch trên được thực hiện, ngân hàng của Úc chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu YEG nào.
Với giá 319.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm trên, tổ chức trên đã phải chi khoảng 500 tỷ, tương đương khoảng 22 triệu USD để gia nhập đội ngũ cổ đông lớn tại doanh nghiệp này.
Tính đến 31/12/2017, cơ cấu cổ đông của Yeah1 có có ba cổ đông lớn nắm giữ gần 90% cổ phần trong đó Chủ tịch Nguyễn Ánh Nhượng Tống (41,4%), DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd (35,7%) và Ancla Assets Ltd (12,5%).

Nhà đâu tư Thái đã “thâu tóm” xong 54,39% cổ phần tại Nhựa Bình Minh

Nhà đầu tư Nawaplastic Industries (Thái Lan) vừa thông báo việc giao dịch cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh.
Theo đó, nhà đầu tư Thái đã mua xong hơn 1,17 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 22/6 đến 5/7/2018. Qua đó, nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên hơn 44,52 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 54,39%.
Như vậy, cổ đông lớn này phải gom mua ở 3 đợt giao dịch để thực hiện tham vọng gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam.
Ngày 6/7 vừa qua, Nawaplastic thông báo mua thêm hơn 120.000 cổ phiếu BMP trong khoảng thời gian từ 29/6 đến 2/7. Vài phiên trước đó, cổ đông Thái thông báo đã giao dịch mua hơn 118.000 cổ phiếu từ ngày 22 đến 26/6.
Với vùng giá gần 60.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư Thái đã phải chi khoảng 70 tỷ đồng cho đợt gom mua cổ phiếu vừa qua.

PVD: Giá xuống vùng thấp nhất từ khi chào sàn, VCBF vẫn đăng ký bán sạch cổ phiếu

Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF) vừa thông báo về giao dịch cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí trên HoSE.
Theo đó, VCBF đăng ký bán hết 100.662 cổ phiếu PVD, trong thời gian từ 13/7 đến 11/8/2018 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Đây là số lượng cổ phiếu nắm giữ của các quỹ và các khách hàng ủy thác mà VCBF trước đó đã đăng ký bán từ ngày 4/6 đến 3/7/2018 nhưng không thực hiện được do giá trên thị trường chưa đạt kỳ vọng.
Chốt phiên ngày 10/7, giá cổ phiếu PVD ở 12.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy giá cổ phiếu “họ” dầu khí này đang ở vùng giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch trên HoSE, kể từ khi chào sàn ngày 5/12/2006.

Chứng khoán VNSC phát hành thêm 10,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư Trung Quốc, nâng mức sở hữu lên 64,3%

CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNSC) trước đây là CTCP Chứng khoán Phượng Hoàng đã họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 trong năm 2018 vào cuối tuần qua nhằm biểu quyết thông qua nội dung quan trọng về việc nâng tỷ lệ sở hữu của 2 thành viên HĐQT có quốc tịch Trung Quốc lên 64,3% thông qua phát hành thêm riêng lẻ.
Cụ thể, VNSC sẽ phát hành thêm 10,8 triệu cổ phần mới để tăng vốn điều lệ của công ty từ 60 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng. 2 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Wang Wei Ya, và ông Li You Mu sẽ mua lần lượt 6.480.000 cổ phần và 4.320.000 cổ phần của đợt phát hành mới này.
Sau khi đợt phát hành hoàn tất, ông Wang Wei Ya sẽ nắm giữ 38,6% vốn điều lệ của VNSC; ông Li You Mu sẽ nắm giữ 25,7%. Trước đó, trong kỳ họp bất thường đợt 1 năm 2018, Hội đồng quản trị của VNSC cho biết đang tiến hành thủ tục xin phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ của công ty từ 60 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ, VNSC có thể triển khai thực hiện nghiệp tự doanh chứng khoán.

Phạm vi kinh doanh của VNSC gồm môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và tự doanh chứng khoán (mới bổ sung).

Chứng khoán Phượng Hoàng đổi tên sang Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam và bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT có quốc tịch Trung Quốc từ quý III/2017, khi công ty này đang có vốn điều lệ 35 tỷ đồng.

FPT mua 90% cổ phần công ty tư vấn công nghệ của Mỹ

Thông tin mới từ CTCP FPT (mã FPT) cho biết, công ty này đã mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Mỹ.
Về giá mua, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, giá trị thương vụ tương đối linh hoạt và không cố định. Giá trị thương vụ được xác định dựa trên định giá gấp 10 lần EBITDA. Tại thời điểm bây giờ, FPT trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD.
Được biết, Intellinet được thành lập từ năm 1993, có trụ sở chính tại Atlanta. Năm 2017, doanh nghiệp đạt doanh thu 30 triệu USD, được đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ (dựa trên tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2013-2016).
Trong khi đó, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho công ty 50 triệu USD, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô….
Xuất khẩu phần mềm được coi là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Trong nhiều năm qua, doanh thu từ mảng hoạt động này của FPT tăng trưởng trung bình trên 30%/năm và dự kiến sẽ đóng góp 50% vào tổng doanh thu của tập đoàn. Trong 5 tháng đầu năm 2018, doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm của FPT đạt 2.869 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, chiếm 34% tổng doanh thu của toàn tập đoàn.
Theo Linh Linh/Bizlive

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Úc rót 22 triệu USD vào Yeah1" tại chuyên mục Chuyện thương trường.