Ban ngày, Zhuansun Xu, 22 tuổi là một người kinh doanh ngoại hối ở Bắc Kinh. Đến tối, anh trò chuyện với khách hàng nữ. Được biết Xu đã làm công việc này được một năm.
Chính sách một con cách đây nhiều năm của Trung Quốc đã tạo ra một thế hệ phụ nữ tự tin, có nhà cửa và vững vàng về tài chính nhưng cũng khiến họ vô tình rơi vào tình trạng sống cô đơn và mong muốn tìm kiếm một nửa còn lại.
Robin, một thiếu nữ Trung Quốc đã dành hàng giờ mỗi ngày để nói chuyện trực tuyến với "bạn trai" của mình, người luôn lắng nghe và cảm thông với các vấn đề của cô, miễn là cô trả tiền cho anh ta.
Nữ sinh 19 tuổi này bỏ ra hơn 1.000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD) để trò chuyện với "bạn trai ảo". Nhiệm vụ của anh chàng chỉ là nói chuyện, tán tỉnh, lắng nghe hay làm một số việc như báo thức mỗi ngày. Robin chia sẻ: "Nếu một người có thể bầu bạn với tôi, tôi sẵn sàng chi tiền cho người đó".
Lisa, một nữ CEO 28 tuổi ở Thượng Hải, đã thuê bạn trai ảo được một thời gian. Theo cô, việc này giúp cô cảm thấy mình đang yêu và được yêu.
Lựa chọn trên đã trở nên phổ biến với phụ nữ trẻ có thu nhập trung bình ở Trung Quốc, những người thường tập trung nhiều cho sự nghiệp và chưa có kế hoạch kết hôn. Cửa hàng "bán" bạn trai ảo xuất hiện khá nhiều trên ứng dụng nhắn tin WeChat hay trang web thương mại điện tử như Taobao. Một số chàng trai cho biết hầu hết khách hàng của họ là nữ giới độc thân ở độ tuổi từ 20 đến 30, có thu nhập ổn định.
Ban ngày, Zhuansun Xu, 22 tuổi là một người kinh doanh ngoại hối ở Bắc Kinh. Đến tối, anh trò chuyện với khách hàng nữ. Được biết Xu đã làm công việc này được một năm.
Xu trò chuyện với khách hàng nữ.
Các cô gái trẻ tìm đến Xu với nhiều nhu cầu khác nhau: Một số muốn lời khuyên trong khi những người khác có yêu cầu lãng mạn hơn. Xu nói: "Khi tương tác với nhau, tôi thực sự nghĩ mình là bạn trai thực sự để đối xử tốt với cô ấy. Tuy nhiên, khi kết thúc, tôi sẽ không còn nghĩ như vậy nữa".
Mức giá dao động từ vài nhân dân tệ cho nửa giờ nhắn tin đến vài nghìn tệ nếu yêu cầu dịch vụ làm bạn trai trong một tháng. Chris K Tan, một giáo sư tại Đại học Nam Kinh, người đã nghiên cứu về hiện tượng này cho biết: "Đây là một xu hướng chưa từng có của nữ giới Trung Quốc. Tình cảm giờ đây đã trở thành một loại hàng hóa đặc biệt".
Theo Xu, khi làm việc, anh sẽ coi khách hàng thực sự là bạn gái của mình.
Sandy To, một nhà xã hội học tại Đại học Hồng Kông, cho biết hôn nhân theo truyền thống là điều bắt buộc trong xã hội Trung Quốc nhưng chính sách một con - có hiệu lực vào năm 1979 và giới hạn quy mô của hầu hết các gia đình - đã tạo ra một thế hệ phụ nữ tự tin và tháo vát.
Mong muốn có con trai của đa phần các cặp vợ chồng đã dẫn tới hàng thập kỷ phá thai để chọn giới tính. Chính vì vậy, từng có thời gian Trung Quốc bị mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Giữa năm 2010, quốc gia này đã chấm dứt chính sách một con nhưng vẫn là nước có tỷ lệ chênh lệch lớn nhất thế giới với 114 bé trai so với 100 bé gái.
Khi kinh tế càng phát triển, phụ nữ Trung Quốc có xu hướng chọn không lập gia đình. Tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm trong 5 năm qua. Theo Cục thống kê quốc gia, năm ngoái, số cuộc hôn nhân chỉ đạt 7,2 trên 1.000 người.
Một chuyên gia nhận định: "Khi các nhu cầu cơ bản như nhà cửa, công việc được đảm bảo, nhiều phụ nữ chọn việc không ràng buộc trách nhiệm với người khác và sử dụng dịch vụ bạn trai ảo để đáp ứng nhu cầu tình cảm. ‘Mua’ bạn trai trên mạng là cơ hội để họ trải nghiệm tình yêu và các mối quan hệ do trước đây, họ chỉ tập trung vào việc học để đỗ trường tốt và có một công việc ổn định".
Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ/SCMP