So với câu chuyện buồn của các tài xế Grab, Uber, nền kinh tế livestream có thể biến một người bình thường trở thành ngôi sao với mức thu nhập trong mơ nếu biết khéo léo bán hàng trên mạng.
Việt Nam có 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng
Live commerce - một hình thức kết hợp giữa livestream và thương mại điện tử hiện đang phát triển rất mạnh tại Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới. Ở thị trường Việt Nam, dù phát triển sau Trung Quốc khoảng 3-5 năm, thế nhưng ngành công nghiệp livestream cũng đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.
Những số liệu thống kê gần đây cho thấy, bình quân mỗi tháng, tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream qua mạng, với sự tham gia của khoảng 50.000 nhà cung ứng sản phẩm.
Mỗi ngày, tại Việt Nam hiện có khoảng 70.000 - 80.000 phiên livestream bán hàng. Phần lớn các phiên livestream này diễn ra trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Một phần nhỏ trong số đó (khoảng 2.000 - 3.000 phiên) diễn ra trên các nền tảng điện tử như Shopee Live, Tike Live, Lazada, Sendo,...
Theo ông Phạm Ngọc Duy Liêm - Co-Founder GoStream (một đơn vị cung cấp nền tảng livestream chuyên nghiệp tại Việt Nam), từ đầu năm tới nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng người làm livestream tại Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc.
Nếu chỉ tính trên nền tảng GoStream, trong đại dịch Covid-19, lượng người livestream tại đây đã tăng gấp đôi so với khoảng thời gian trước đó. Lượng người livestream tại Việt Nam được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch.
Chia sẻ về thu nhập của những người làm livestream, ông Phạm Ngọc Duy Liêm cho biết, tại Quảng Châu (Trung Quốc), một hot streamer cỡ trung có thể kiếm được khoảng 700 triệu/tháng nhờ bán hàng qua mạng.
Mức sống cơ bản tại thành phố này gấp khoảng 2 lần so với Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, nếu tính theo mức thu nhập tại Việt Nam, một hot streamer có thể kiếm được khoảng 350 triệu/tháng.
Nỗ lực chuyên nghiệp hóa nghề livestream
Đánh giá về nền kinh tế livestream tại Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình - CEO tập đoàn Nexttech cho rằng, các streamer Việt Nam đang làm công việc của mình một cách tự phát, theo trào lưu và thiếu sự chuẩn bị bài bản. Công nghệ livestream ở Việt Nam cũng vẫn còn yếu, phần nhiều phụ thuộc vào Facebook.
“Đa phần các streamer Việt Nam vẫn mặc đồ ở nhà khi livestream trên mạng. Tác phong của họ luộm thuộm, thiên về thô tục và chiêu trò. Trong khi đó, kỹ năng giao tiếp của các streamer Việt không được đánh giá cao, nhiều người không có thói quen tương tác.”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, điểm quan trọng khiến livestream khó trở thành một ngành nghề kinh tế tại Việt Nam bởi các sản phẩm được rao bán hiện nay phần lớn là những món đồ rẻ tiền, chất lượng kém. Điều này dễ gây ra tâm lý lệch lạc, phòng hờ trong suy nghĩ của khách hàng.
Bên cạnh đó, việc các đối tượng xấu, các “giang hồ mạng" thường xuyên sử dụng livestream như một kênh tương tác khiến mô hình này có thể biến tướng, thậm chí chết yểu, tương tự như bán hàng đa cấp.
Để phát triển cộng đồng streamer, theo ông Bình, cần có những streamer tốt, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Đây cũng là lý do mà Học viện Livestream Next On vừa được đơn vị này thành lập. Sự xuất hiện của mô hình này được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc chuyên nghiệp hóa nghề livestream tại Việt Nam.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để phát triển nền kinh tế livestream giống như những gì Trung Quốc đã làm. Đây là con đường để tạo ra nguồn thu nhập cao và bền vững bằng chất xám, đồng thời ít rủi ro hơn so với việc làm xe ôm công nghệ.