Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Người Việt tìm kiếm tiền ảo, chứng khoán tăng, có từ khóa tăng 20 lần

26/01/2022 08:31

Trong năm 2021, lĩnh vực tiền ảo, chứng khoán có lượng tìm kiếm tăng vọt. Trong đó có từ khóa đạt mức tăng trưởng tới 2.000% (20 lần).

dong-tien-ao-bitcoin-la-gi-lam-sao-de-kiem-duoc-dong-bitcoin-1643160630.jpg

Theo báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật của người Việt năm 2021 (Cốc Cốc Year in Search) do Cốc Cốc công bố ngày 25-1, năm 2021 còn ghi nhận sự “lên ngôi” của tiền ảo, chứng khoán trong hoạt động tìm kiếm của người dùng Việt Nam.

Cụ thể, nhu cầu tìm kiếm về tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số có sự tăng trưởng “khủng”, dựa trên những biến động của thị trường và sự quan tâm của người dùng Việt.

Vào thời điểm cuối năm (từ tháng 10 đến 12-2021), lượng tìm kiếm của người dùng Việt tăng mạnh do có sự biến động liên tục của giá bitcoin. Top những từ khóa tìm kiếm phổ biến của chủ đề tài chính cũng là về tiền ảo, chẳng hạn “bitcoin là gì”, “cách kiếm tiền trực tuyến”…

Hơn nữa, mối quan tâm của người dùng Việt đã có sự dịch chuyển từ ngân hàng sang thị trường chứng khoán. Trong khi tìm kiếm về các ngân hàng có xu hướng giảm thì lượng tìm kiếm về chứng khoán lại tăng mạnh, dao động từ 50 - 600%. Đáng chú ý, từ khóa “vps bảng giá” (hiển thị bảng giá chứng khoán của Công ty VPS) có sự tăng trưởng lên tới gần 2.000%.

Mặc dù vậy, dẫn đầu các nhóm chủ đề có lượng tìm kiếm cao nhất chính là giáo dục, phim ảnh và mạng xã hội. Điều này thể hiện rõ mối quan tâm của người dân cho nhu cầu học tập và giải trí tại nhà, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và việc giãn cách xã hội kéo dài, đóng cửa trường học và phong trào “ở nhà là yêu nước”.

So với năm 2020, giáo dục cũng là chủ đề có sự tăng trưởng về lượng tìm kiếm cao nhất trên tất cả các khu vực. Trong đó, các nền tảng, trang web học trực tuyến như Azota, Violet, Olm... hoặc các từ khóa liên quan đến học tại nhà như bài giảng điện tử, giáo án điện tử… là nội dung được tìm kiếm thường xuyên.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ dịch bệnh nên học sinh, sinh viên phải học tại nhà nhiều hơn năm ngoái. Tuy nhiên, tỉ trọng tăng trưởng giữa các tỉnh thành của chủ đề này có độ chênh lệch từ 5 - 10%, phụ thuộc vào số lượng học sinh cũng như chính sách của từng địa phương.

Theo Đức Thiện/Tuổi trẻ