Cosco là một trong những hãng tàu vận chuyển container điều xuất khẩu sang Italia - Ảnh minh họa
Ngày 08/3/2022, trong công văn hoả tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Italy, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết đã nhận được “Đơn kêu cứu” của một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều.
Các doanh nghiệp này cho biết, họ đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Ý. Một số lô hàng trên đường vận chuyển đến các cảng của Ý (một số lô hàng đã đến cảng) như: Cảng Genoa, Cảng La Spezia…
Số hàng này được vận chuyển bởi các hãng tàu gồm: Hãng Cosco; Hãng YANGMING; Hãng HMM; Hãng ONE... và hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu điều đều gặp tình trạng rủi ro.
Nguy cơ mất hàng đang có thật
Thứ nhất, đối với hồ sơ gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua theo hướng dẫn thì đều có sự thay đổi về số Swift, sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ, và họ đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng vẫn không trả lời.
Thứ hai, đối với hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Ý.
Ngân hàng tại Ý thông báo cho ngân hàng tại Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc.
Hiện tại, các doanh nghiệp có các lô hàng nhân điều xuất khẩu rất lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.
Các doanh nghiệp đều có chung một nhận định: “Đây là một vụ lừa đảo lớn vì số lượng lên đến gần 100 container với giá trị hàng trăm triệu USD. Và tình hình càng trở nên rất cấp bách vì hiện có một số lô hàng đã đến cảng và một số lô khác sắp đến... doanh nghiệp có nguy cơ mất hàng đang có thật”.
VINACAS đề nghị Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu tại nước này, yêu cầu áp dụng biện pháp “khẩn cấp” tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc.
Do vậy, VINACAS đề nghị Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu tại nước này, yêu cầu áp dụng biện pháp “khẩn cấp” tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc.
Cùng đó, chỉ cho phép giải phóng hàng khi nhận được xác nhận từ các công ty chủ hàng (người bán). Mọi thông tin hãng tàu nhận được từ phía người nhận hàng phải thông báo ngay cho công ty chủ hàng (người bán).
“Hiện có khoảng 17 doanh nghiệp bị lừa đảo và theo tin nhắn tối ngày 08/3, bà Kim Hạnh của Công ty Kim Hạnh Việt đã thừa nhận là lừa đảo.
Sự việc đã nóng lên từ 04 - 05 ngày qua trước khi các doanh nghiệp cảm thấy bất an khi giao hàng mà chưa thấy chuyển tiền gối đầu, đã liên hệ bà Kim Hạnh thì bà luôn trấn an cứ tiếp tục giao hàng.
Theo kinh nghiệm, một số doanh nghiệp đã tức tốc bay qua Singapore, cảng trung chuyển đi Ý. Lúc đó người bán còn quyền yêu cầu dừng vận chuyển (nếu đã lên tàu và ra khơi thì quyền thuộc người mua) nên đã giữ lại được một số container, nhưng đã có hàng 100 container trên đường đến Ý, trị giá cả 100 triệu USD”, Phó chủ tịch Thường trực VINACAS cho biết.
Ngân hàng và hãng tàu phải liên đới chịu trách nhiệm
Trao đổi về sự việc trên, ông Nguyễn Đức Thanh - nguyên Chủ tịch VINACAS, Giám đốc Công ty TANIMEX (C&N) cho biết, hiện có một số lô hàng đã đến cảng bên Ý, một số khác thì đang trên đường đến, và khi doanh nghiệp Việt Nam liên hệ với các doanh nghiệp nhập khẩu bên Ý thì bên kia báo họ không nhận được hàng do không có bộ chứng từ gốc, vì vậy, họ không có trách nhiệm thanh toán tiền với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngân hàng đối tác chỉ được phép giao bộ chứng từ gốc khi bên mua thanh toán đủ tiền và bên bán nhận được tiền. Có bộ chứng từ gốc bên mua tới hãng tàu nhận Bill vận chuyển hàng (Bill tàu do chủ tàu phát hành) và khi đó họ mới nhận được hàng. Như vậy thì không thể mất được. Trong câu chuyện này vai trò của ngân hàng và hãng tàu rất là quan trọng - ông Nguyễn Đức Thanh - nguyên Chủ tịch VINACAS, Giám đốc Công ty TANIMEX (C&N)
Tuy nhiên, người mua nói họ không nhận được bộ chứng từ gốc có nghĩa rằng bộ chứng từ đã mất mà hãng tàu vẫn phát hành Bill tàu thì trách nhiệm thuộc về chủ tàu, còn chứng từ thanh toán thì thuộc về ngân hàng. Đây là trách nhiệm liên đới của bên ngân hàng và chủ hãng tàu. Còn đối với công ty môi giới họ có lỗi là không điều tra, không sàng lọc kỹ khách hàng để môi giới doanh nghiệp Việt Nam bán hàng cho đối tượng lừa đảo.
“Trong câu chuyện này vai trò của ngân hàng và hãng tàu rất là quan trọng. Cho dù thanh toán dưới bất cứ hình thức nào đều phải qua ngân hàng, thế tại sao ngân hàng bên mua có thể giao bộ chứng từ gốc khi người mua không thanh toán tiền đầy đủ và bên bán chưa nhận được tiền?
Hãng tàu phát hành như thế nào mà lại để mất Bill vận chuyển và để cho ai đó có được Bill nhận hàng nên bây giờ người mua không nhận được hàng? Chúng ta phải nhấn mạnh ở chỗ này với hãng tàu.
VINACAS chủ yếu làm việc với hãng tàu và ngân hàng vì quá trình vận chuyển và thanh toán rất logic nhưng lại xảy ra trường hợp này. Do vậy, cần phải ngồi lại xem xét vấn đề xảy ra ở khâu nào để cùng nhau giải quyết”, nguyên Chủ tịch VINACAS, Giám đốc Công ty TANIMEX (C&N) nhấn mạnh.