Nguyễn Bá Dương rời Coteccons: Bài học về minh bạch thông tin

18/10/2020 19:36

Ngày 2/10/2020, ông Nguyễn Bá Dương thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT Coteccons và rời khỏi công ty này. Câu chuyện này được báo chí, mạng xã hội, giới doanh nhân và các nhà đầu tư chứng khoán bàn tán suốt tuần qua.

Tiếp theo sau ông Dương, là ông Hiệp, thành viên cũ người Việt cuối cùng trong HĐQT Coteccons cũng vừa gửi đơn từ nhiệm. Đây là một dấu chấm hết cho ông Dương và cộng sự từng lèo lái Coteccons trở thành "đế chế" xây dựng với những công trình thi công có tiếng vang lớn như: nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, Landmark 81, nhà máy Texhong Ngân Long, nhà máy sơn Jotun...

Cao trào lùm xùm chuyện nội bộ từ hồi tháng 6, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Coteccons (CTD) đã tuột dốc không phanh từ mức hơn 80.000đ/cp hồi giữa tháng 7 xuống 62.700đ/cp ngày 13/10. Cổ phiếu CTD cũng đang trong "downtrend" dài hạn khi tuột dốc từ mức trên 200.000 đồng vào cuối năm 2017.

Từ minh bạch thông tin

Không ai phủ nhận những đóng góp của Nguyễn Bá Dương vào sự lớn mạnh của Coteccons trong 17 năm qua kể từ khi thành lập. Dù trải qua sóng gió chuyện nội bộ, nhưng hiện nay, CTD vẫn là doanh nghiệp mạnh đầu ngành xây dựng với vốn hóa thị trường lên đến hơn 4.800 tỷ đồng, EPS bốn quý gần nhất 8.750 đ/cp, và vừa chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ lên tới 30% vào ngày 28/8/2020.

Trước sự từ nhiệm của ông Dương, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT mới của Coteccons chia sẻ, không hẳn chỉ là ngôn ngữ ngoại giao: "Chúng tôi rất tiếc với quyết định ra đi của ông Dương… Chúng tôi đánh giá rất cao thành quả và ghi nhận vai trò không thể thiếu của ông trong việc xây dựng công ty đạt được vị thế như ngày hôm nay". Vậy, tại sao ông Dương ra đi, làm thế nào để nhóm cổ đông lớn (Kusto đại diện) làm được điều này?

Nguyễn Bá Dương rời Coteccons: Bài học về minh bạch thông tin - Ảnh 1.

Landmark 81, công trình có dấu ấn của ông Dương. Ảnh: Kỳ Bảo

Để thuyết phục cổ đông hạ bệ ông Dương, nhóm cổ đông lớn (đại diện là Kusto) đã thuyết phục các cổ đông rằng, "nhiều lợi ích lẽ ra thuộc về Coteccons nhưng đã bị mất về tay nhóm công ty trong Coteccons Group mà ông Dương và những người sáng lập gọi là hệ sinh thái Coteccons nhưng  thực chất là những công ty có cổ phần của nhiều người trong ban lãnh đạo cũ của Coteccons, trong đó có ông Dương".

Về logic hình thức, lý lẽ của Kusto có vẻ thuyết phục, dù ông Dương đã nhiều lần khẳng định "lợi ích Coteccons vẫn được đảm bảo trong hệ sinh thái chung đó". Một "cú đấm" được giới đầu tư chứng khoán cho rằng đã làm lung lay vị thế của ông Dương là khi phía Kusto liên tiếp đưa ra những thông tin cho thấy, trong khi Coteccons có kết quả kinh doanh tuột dốc, lúc đó Ricons vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Vấn đề đặt ra là liệu lợi ích từ Coteccons có bị chuyển qua Ricons?

Ông Dương bị hạ bệ là chuyện đã rồi. Nhưng nghi vấn "lợi ích từ Coteccons đã bị chuyển qua Ricons" cho thấy bài học về minh bạch thông tin trong quản trị công ty cổ phần.

Đến bài học chống thâu tóm

Trên thị trường chứng khoán, việc mua bán, sáp nhập, thâu tóm diễn ra thường xuyên, không loại trừ "đế chế" nào.

Có những thâu tóm chủ động, tích cực, lợi ích của cả bên "được" và bên "bị" đều gia tăng. Gần đây nhất là việc Vinamilk thâu tóm Mộc Châu Milk. Mộc Châu Milk là công ty con của GTNfoods. Để sở hữu Mộc Châu Milk, Vinamilk đã hoàn tất quá trình thâu tóm GTNfoods. Trên thị trường chứng khoán, với game thâu tóm này, cổ phiếu GTNfoods (mã GTN) liên tục tăng từ đáy, khoảng 13.000 đ/cp lên 26.000 đ/cp trong những phiên gần đây trước khi có điều chỉnh do chốt lãi của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cho rằng, Vinamilk thâu tóm GTN sẽ giúp GTN cải tiến hệ thống quản trị và kinh doanh hiệu quả hơn. Do đó, cổ phiếu tăng giá.

Doanh nghiệp cũng phải thường trực dự phòng các tình huống thâu tóm thù địch, mà ở đó, lợi ích sẽ thuộc về cổ đông mới, còn cổ đông cũ bị gạt ra ngoài cuộc chơi.

Tại đại hội cổ đông Công ty phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH) gần đây, một số cổ đông bày tỏ lo ngại trước thông tin có tổ chức muốn thâu tóm TDH. Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Nhà Thủ Đức cho biết: "Hoạt động M&A thường diễn ra trên thị trường, đặc biệt với những công ty niêm yết có 2 dạng: thù địch và cùng nhau phát triển. Đối với dạng thù địch, cần ứng phó phù hợp. Còn dạng cùng nhau phát triển, chúng tôi rất hoan nghênh."

Ông Hiếu cũng đưa ra cách ứng phó đối với dạng thù địch. Thứ nhất, ngăn chặn đối thủ không nâng được tỷ lệ sở hữu cổ phiếu đến mức chi phối bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phần… Hai là, thực hiện các biện pháp để đối thủ thấy không còn mục tiêu khi M&A. Cuối cùng, M&A ngược lại đối thủ đó.