Theo doanh nhân trẻ Hồ Đức Hoàn, với các startup đổi mới sáng tạo, nếu không muốn rơi vào nhóm thất bại (chiếm tới 95% số người khởi nghiệp), nhà sáng lập nhất định phải là người có khả năng bán tương lai.
Tuy mới thành lập chỉ hơn 3 năm nhưng tốc độ phát triển của Công ty CP Chỉ số tín nhiệm quốc tế Ebrand Index Value (EBIV) với sản phẩm nền tảng đánh giá giáo dục Edu2review khiến nhiều người trong giới startup ngạc nhiên.
Tham vọng đầu tiên của cặp đôi doanh nhân trẻ Hồ Đức Hoàn và Austin Carter (đến từ Canada) tương đối lớn khi sáng lập EBIV năm 2015 là muốn trở thành công ty đánh giá tín nhiệm cá nhân và tổ chức trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm vận hành mô hình này, Hồ Đức Hoàn cùng cộng sự nhận ra rằng, có lẽ là họ đã quá tham vọng, với tài lực hiện tại của EBIV chỉ nên đầu tư vào một mảng và sau nhiều thử nghiệm, cuối cùng đánh giá giáo dục là lĩnh vực được chọn.
Edu2review mới chỉ gần 2 năm tuổi nhưng đã 2 lần gọi vốn thành công và đang khởi động lần gọi vốn thứ 3 với một quỹ đầu tư mạo hiểm Hong Kong như cách để chuẩn bị cho lần gọi vốn serie A vào năm 2019.
Chia sẻ với TheLEADER, anh Hồ Đức Hoàn – Công dân trẻ tiêu biểu TP. HCM năm 2018 - cho biết, sở dĩ Edu2review có thể đi nhanh như vậy là bởi anh có khả năng bán tương lai, không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho các ứng viên – nhân viên công ty.
Edu2Review mới chỉ được khoảng 2 năm tuổi nhưng đã 2 lần gọi vốn thành công và đang tiếp tục gọi vốn lần 3, bí quyết nào giúp anh liên tiếp gọi vốn thành công như thế?
Doanh nhân Hồ Đức Hoàn: Như mọi startup đã gọi vốn thành công khác, Edu2review cũng sở hữu những phẩm chất cơ bản mà các nhà đầu tư mong muốn: đội ngũ nhân sự tốt, sản phẩm khác biệt, khả năng chiếm lĩnh thị trường và tăng trưởng cao, khả năng mở rộng dễ dàng… và một phần có lẽ tôi là người có khả năng bán tương lai.
Với những vòng gọi vốn trước hạt giống, thứ mà các startup bán cho các nhà đầu tư chính là “tương lai của doanh nghiệp và sản phẩm”, tương lai đó phải rực rỡ nhưng thực tế.
Theo quan điểm của tôi, để một doanh nghiệp khởi nghiệp có thể liên tục lớn mạnh, thiết nghĩ các founder phải là người có khả năng bán tương lai, không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho các nhân sự trong công ty.
Hồi tháng 10/2016, lúc đó, bộ phận IT của công ty đang thuê ngoài nhưng tôi cảm thấy đã đến lúc phải xây dựng lực lượng IT cho riêng mình, thế là tôi đi tuyển người.
Sau khi xem xét 10 CV của ứng viên, tôi quyết định chọn 5 người để phỏng vấn rồi chọn lấy 2/5 người nhưng 2 người cuối cùng được chọn cũng không gắn bó được với công ty: một người nói cuối tháng trả lời (thực tế là không trả lời), người thì làm 1 tuần rồi nghỉ. Một thời gian, tôi liên tục đăng tuyển IT song vẫn mãi không chốt được ai, trong khi lương trả không thấp.
Cuối cùng, vì cảm thấy quá mệt mỏi, tôi nghĩ: hay bây giờ mình không tuyển IT Việt nữa, chuyển sang tuyển IT nước ngoài xem sao, dù sao mình cũng đã “tuyển” được một bạn founder Canada rồi. Tôi lên Vietnamwork coi đúng 2 hồ sơ: đầu tiên là người Thụy Điển làm trưởng bộ phận IT của một công ty Đức tại Việt Nam, thứ hai là IT người Ấn Độ; cả hai đều có hơn 10 năm kinh nghiệm.
Trước khi nhờ Austin gọi bạn người Thụy Điển ra nói chuyện, tôi cũng hơi phân vân vì biết lương mà công ty Đức đang trả cho bạn này bằng với chi tiêu của toàn bộ Edu2review thời điểm đó – 3.500 USD, tức là tầm 80 triệu đồng/tháng; nhưng tôi nghĩ, thật ra chúng tôi có vài lợi thế, ví dụ như ‘câu chuyện tương lai’ chẳng hạn.
Câu đầu tiên mà tôi hỏi bạn IT người Thụy Điển không phải là chuyên môn của anh như thế nào mà: anh làm việc có thấy hạnh phúc không. Bạn đó trả lời: không, vì công việc lặp đi lặp lại rất nhàm chán. Tôi tiếp lời: nếu anh đến với Edu2review công việc không bao giờ nhàm chán. Sau một thời gian thuyết phục, anh bạn đó đã đồng ý về đầu quân cho chúng tôi với mức lương 12 triệu đồng, giảm 7 lần so với công ty cũ, cộng với một lượng cổ phần trong công ty.
Hiện tại, trong Edu2review, không hiếm nhân sự có kinh nghiệm làm việc từ 5 đến 7 năm chỉ nhận lương được khoảng 75% so với mặt bằng chung của thị trường, tất nhiên là có kèm với cổ phần công ty. Có thể nói, với nguồn lực hữu hạn của startup, sở dĩ Edu2review có thể tồn tại đến tận bây giờ đều nhờ những quyết định sáng tạo và táo bạo như trên.
Về cơ bản, tôi luôn tiếp cận với các ứng viên theo cách, họ đến với Edu2review không phải để kiếm tiền mà cùng tôi xây dựng nên tương lai cho bản thân. Thế nên, Edu2review đang có một đội ngũ đoàn kết, luôn chiến đấu hết mình vì mục tiêu chung: tương lai tươi sáng của Edu2review và cũng là tương lai cho mọi người.
Anh là một người có rất nhiều ý tưởng sáng tạo trong quản lý doanh nghiệp?
Doanh nhân Hồ Đức Hoàn: Đúng vậy, tôi là một người rất thích cải tiến – sáng tạo. Năm 2017, công ty tôi có một phong trào là mỗi ngày một sáng kiến, tức là mỗi ngày mỗi người đi làm phải đề xuất một ý tưởng cải tiến các hoạt động của doanh nghiệp, học từ triết lý Kaizen của Nhật. Theo đó, chúng tôi chỉ có 15 người nhưng lại có tới hơn 2.500 sáng kiến trong năm 2017.
Cụ thể, mỗi sáng đi làm, các nhân viên phải tự nghĩ ra một ý tưởng nhằm cải tiến văn hóa, môi trường làm việc, quy trình, hệ thống, sản phẩm, xây dựng thương hiệu… cho công ty và dù sáng kiến đó có hữu ích hay không, công ty đều phản hồi cho nhân viên.
Nói nôm na, như việc tôi tiếp phóng viên hôm nay, giả sử sau này phóng viên khác đến, nếu chỉ có 1 số liên lạc của tôi như hôm nay thì không ổn, vì nhỡ đâu phóng viên không gọi được cho tôi thì sao, rồi khi phóng viên đến công ty thì phải tiếp đón như thế nào… tất cả những thứ đó nên có quy trình và nên liên tục được cải tiến.
Hay việc tôi “dùng” anh bạn partner người Canada để đi “chào hàng” nhà đầu tư và ứng viên. Khi biết công ty có một founder là người nước ngoài, nhiều ứng viên nghĩ ngay đến sự chuyên nghiệp và giàu, tất nhiên, giàu thì chúng tôi chưa nhưng chuyên nghiệp thì có. Bên cạnh đó, lương thưởng chưa biết sao nhưng vào làm ở công ty phải giao tiếp thường xuyên bằng tiếng Anh thì ít ra khả năng Anh ngữ của mình được nâng cao.
Một doanh nghiệp startup không có nhiều nguồn lực, vậy mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian đầu là mở rộng thị trường hay xây dựng văn hoá công ty hoặc hệ thống?
Doanh nhân Hồ Đức Hoàn: Tôi sẽ nói dưới góc độ của bản thân mình - người khởi nghiệp lần đầu tiên: có những thứ phải làm đúng ngay từ đầu, nếu không về sau không sửa được như hệ thống hay văn hóa công ty.
Đầu tiên là hệ thống: sau khi tham khảo kỹ các loại công nghệ, khi tìm được loại công nghệ thích hợp với mô hình kinh doanh của công ty, dù đắt mấy cũng phải mua, bởi nếu chúng ta không có nền móng tốt, phát triển đến một mức nào đó sẽ rơi vào tình cảnh buộc phải đập để xây lại, bao nhiêu công sức sẽ đổ xuống sông xuống bể.
Thứ hai là văn hóa đội ngũ nhân sự: ngay từ đầu, phải xác định được chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của công ty và xây dựng văn hóa công ty dựa trên những thứ đó. Theo tôi, nếu mình không xây dựng được cho nhóm nhân sự đầu tiên một nền văn hóa bền vững, những nhóm vào sau sẽ chẳng có gì để theo và công ty sẽ trở thành bức tranh xấu với nhiều mảng màu không liên quan gì đến nhau, hoặc nhóm đầu tiên chẳng ra gì, nhóm sau cũng thế.
Startup là chưa chắc chắn về tương lai nhưng có những giá trị lõi nếu mình làm không đúng ngay từ đầu thì chắc chắn sẽ không có tương lai. Đó cũng là lý do vì sao cơ hội thành công của các startup lại thấp đến như vậy. Muốn làm đúng – làm đủ rất tốn kém, đó là còn chưa kể mình còn không có kiến thức và kinh nghiệm để biết có làm đúng hay không.
Thêm nữa, khởi nghiệp là một quá trình gian khó, hiếm người thành công ngay ở mô hình kinh doanh đầu tiên và chỉ những doanh nghiệp có văn hóa, đội ngũ nhân sự tốt và tài chính thì mới có thể tiếp tục kiên trì thử nghiệm cho đến khi tìm ra mô hình đúng. Mô hình kinh doanh chưa phù hợp có thể đổi nhưng với điều kiện là phải có người phù hợp để đổi.
Thế nên, trước khi làm việc gì đó liên quan đến thị trường, các startup nên tập trung xây dựng hệ thống cũng như văn hóa công ty.
Anh có cho rằng, mình là công dân toàn cầu biết sử dụng nguồn lực của cả thế giới, khi du học ở Phần Lan – Pháp, về Việt Nam lập nghiệp, áp dụng triết lý quản trị Kaizen của Nhật, có partner là người Canada, đi gọi vốn ở Singapore – Hong Kong?
Doanh nhân Hồ Đức Hoàn: Có thể xem như vậy, ngày xưa, tôi chẳng hiểu công dân toàn cầu là gì và cũng chẳng nghĩ đến khái niệm đó nhưng cái duyên – cái số nó đưa đẩy khiến mình bất đắc dĩ trở thành công dân toàn cầu.
Tôi hay nói đùa: trong khi nhiều người Việt Nam tìm cách qua nước ngoài tìm việc định cư, còn tôi lại kéo họ về Việt Nam khởi nghiệp.
Xin cảm ơn anh!
theo TheLLEADER