Nhân sự ở ngân hàng nào "hạnh phúc" nhất?

17/07/2019 10:54

Số liệu tổng hợp của chúng tôi cho thấy, hiện có hơn 300.000 người đang làm việc tại các ngân hàng. Mặc dù không còn hào nhoáng như gần chục năm trở về trước, nhiều người không trụ nổi với nghề bởi thiếu đam mê và lo sợ gian khó, cạnh tranh khốc liệt… song ngành tài chính ngân hàng vẫn được đánh giá là "hot" nhất nhì trên thị trường lao động hiện nay.


Số liệu tổng hợp của chúng tôi cho thấy, hiện có hơn 300.000 người đang làm việc tại các ngân hàng. Mặc dù không còn hào nhoáng như gần chục năm trở về trước, nhiều người không trụ nổi với nghề bởi thiếu đam mê và lo sợ gian khó, cạnh tranh khốc liệt… song ngành tài chính ngân hàng vẫn được đánh giá là "hot" nhất nhì trên thị trường lao động hiện nay.

 

Một khảo sát của Vietnamworks trong năm 2019 cho thấy ngay cả sinh viên mới ra trường cũng đã có mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/người, có kinh nghiệm thì 10 triệu đồng/tháng, nếu làm trưởng nhóm, giám sát thì 19 triệu đồng/tháng còn quản lý, trưởng phòng thì bình quân 30 triệu đồng/tháng còn chuyên gia và lãnh đạo cấp cao nhất thì không dưới 100 triệu đồng/tháng.

Còn thống kê thực tế tại các ngân hàng qua báo cáo tài chính thì cho thấy nhiều ngân hàng đang trả lương thưởng (thu nhập) cho nhân viên rất cao, tới trên dưới 30 triệu đồng /người/tháng như Vietcombank, MB, Techcombank; mức 18 – 25 triệu đồng/tháng thì phổ biến hơn, có thể kể đến những cái tên như VIB, VPBank, HDBank, ACB, BIDV, VietinBank, Nam Á, TPBank…

Lương cao là động lực hàng đầu để các ngân hàng thu hút người tài, là lý do đầu tiên để không ít người lựa chọn gắn bó với ngân hàng này hay ngân hàng khác. Thương hiệu của ngân hàng, ngân hàng lớn hay bé, Nhà nước hay tư nhân…cũng được đem ra so sánh để chọn lựa. Tuy nhiên đó đã là chuyện của quá khứ.

Ngày nay, theo chia sẻ của các lãnh đạo tuyển dụng ở các ngân hàng thì môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, những phúc lợi mà nhân viên nhận được, thậm chí là cả…tình người mới là yếu tố quan trọng để người lao động quyết định ra đi, ở lại hoặc gắn bó lâu dài hay không.

"Lương thưởng giờ ở mức sàn sàn như nhau, nếu ai làm giỏi thì ở ngân hàng nào cũng có thu nhập tốt, nên họ sẽ chọn lựa nơi nào mang lại môi trường làm việc được cống hiến, được ghi nhận sự cống hiến ấy và cơ hội để thăng tiến" – một lãnh đạo cấp cao phụ trách về nhân sự ở Nam A Bank chia sẻ với chúng tôi.

Một lãnh đạo cấp cao của ACB thì nói rằng, sự hài lòng của nhân viên với ngân hàng sẽ quyết định hiệu suất lao động của họ.

Bởi ngày càng quan tâm đến môi trường làm việc, đến việc người lao động mong muốn gì, được nhận gì, không phải bận tâm điều gì về bản thân và thậm chí là cả gia đình trong khi làm việc tại ngân hàng nên nhiều nhà băng hiện nay đã đưa ra các chính sách hấp dẫn khi tuyển dụng liên quan chế độ bảo hiểm cho người nhà, các chuyến du lịch, cơ hội đào tạo…để thu hút nhân tài.

Xu hướng về nhân sự ấy không đơn thuần ở ngân hàng Việt mà đã là xu hướng từ lâu trên thế giới, thậm chí các mức độ hài lòng của nhân viên còn được lấy để làm thước đo đánh giá về doanh nghiệp, để xem ở đâu nhân sự hạnh phúc nhất, hài lòng nhất thì đó là nơi đáng làm việc nhất.

Đơn cử như mới đây, tạp chí về nhân sự hàng đầu châu Á là HR Asia đã liệt kê những nơi có chính sách, chế độ đãi ngộ nhân sự hấp dẫn, môi trường làm việc lý tưởng và thường xuyên tổ chức các hoạt động nội bộ sôi nổi nhằm gắn kết nhân viên để bình chọn những nơi làm việc tốt nhất. Trong số 256 doanh nghiệp của Việt Nam tham dự, lĩnh vực ngân hàng được chọn lựa 6 cái tên bao gồm HDBank, ACB, SHB, VPBank, Sinhan Bank và Standard Chartered.

Là một trong những đơn vị được vinh danh, lãnh đạo HDBank cho biết ngân hàng đã và đang thực hiện đúng cam kết tạo điểm tựa cho người lao động về phúc lợi và lộ trình nghề nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, nhân viên HDBank bày tỏ mức độ hài lòng và mong muốn gắn bó lâu dài với ngân hàng khi được đánh giá đúng về chuyên môn, tôn trọng ý kiến cá nhân, đào tạo bài bản và nâng cao, tham gia những hoạt động nội bộ năng động. Ngân hàng đã và đang thực hiện nhiều chương trình xây dựng môi trường làm việc lý tưởng cho toàn bộ nhân viên. Bên cạnh đó, các phúc lợi như cho vay tín chấp, chăm sóc cá nhân với bảo hiểm sức khỏe, chăm sóc sức khỏe y tế qua chương trình liên kết khám chữa bệnh các bệnh viên uy tín cũng được bộ phận nhân sự của nhà băng chú trọng.

Còn lãnh đạo VPBank thì chia sẻ, thành quả có được của ngày hôm nay nhờ việc thực hiện chiến lược nhân sự của ngân hàng một cách quyết liệt, mà một trong điểm mấu chốt đó là phải tạo ra những trải nghiệm tích cực cho cán bộ nhân viên. Các phong trào, hoạt động nội bộ của ngân hàng được triển khai liên tục, kết hợp với khuyến khích các sáng kiến doanh nghiệp đã giúp nhân sự của ngân hàng cảm thấy hài lòng và gắn bó hơn.

Lãnh đạo SHB thì nói rằng, con người là một trong những yếu tố mà nhà băng này chú trọng trong quá trình phát triển, chính vì vậy chính sách tuyển dụng, đãi ngộ luôn được xây dựng nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho người lao động, cải thiện môi trường làm việc và nâng cao năng suất lao động bằng việc khen thưởng kịp thời. Bên cạnh đó, cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân cũng được ngân hàng rộng mở cho tất cả những ai cống hiến nhiều.

Lãnh đạo các ngân hàng đều nhìn nhận, những đánh giá, nhìn nhận về môi trường làm việc của bản thân người lao động và đánh giá của các tổ chức quốc tế như HR Asia, Niesel, Nikke… sẽ là động lực quan trọng để mỗi nhà băng tiếp tục phát triển, đặc biệt là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng sắp tới.

Bạn đang đọc bài viết "Nhân sự ở ngân hàng nào "hạnh phúc" nhất?" tại chuyên mục Tài chính.