Việc nhận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư không chỉ tăng tiềm lực tài chính và có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu, uy tín trên thị trường. Nhưng phía sau những thương vụ "ngọt ngào" cũng có không ít những điều "cay đắng".
Quan điểm chung thường được nghe là doanh nghiệp khi chọn quỹ đầu tư không chỉ là vì tiền, mà cái họ cần còn là chiến lược quản trị, công nghệ quản lý hay sự hỗ trợ về các mối quan hệ. Tuy nhiên cần biết rằng, bản chất của các quỹ đầu tư là kiếm lời, càng cao càng tốt và có thể là bằng bất cứ giá nào, miễn không vi phạm luật của nước sở tại.
Do đó khi rót vốn vào bất kỳ thương vụ nào, mục tiêu kiếm được nhiều tiền là trên hết, trong khi những lời hứa như nâng cao năng lực, công nghệ, quản trị, hỗ trợ chiến lược kinh doanh, nếu có thực hiện thì cũng chỉ là công cụ để họ nâng giá món hàng trước khi bán kiếm lời. Vì vậy, doanh nghiệp cần hiểu rõ rằng, nếu hy vọng vào các quỹ đầu tư để xây dựng, phát triển thương hiệu thì dường như là cả tin.
Thực tế cho thấy đã có hàng loạt thương vụ hợp tác giữa doanh nghiệp và quỹ đầu tư đã đổ vỡ ngay từ khi xuất phát, khi mà quan điểm, định hướng và mục tiêu của 2 bên đều khác nhau. Nếu như doanh nghiệp kỳ vọng dòng vốn đầu tư sẽ giúp tình hình tài chính được cải thiện, có cơ hội đột phá về chiến lược phát triển, thì ngược lại, các quỹ đầu tư chỉ nghĩ tới lợi nhuận trong ngắn hạn, ít khi đi đường dài và tạo dựng giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Điều này đặc biệt phổ biến tại thị trường Việt Nam khi mà nền kinh tế với quy mô vốn còn nhỏ và cũng ít nhiều chứa đựng các yếu tố rủi ro hơn so với các nền kinh tế phát triển, do đó không tránh khỏi việc đầu tư có tính chụp giựt. Vì vậy, các quỹ đầu tư khi tham gia vào thị trường Việt Nam không chỉ ưu tiên hạn chế rủi ro mà còn yêu cầu suất sinh lời cao hơn.
Để đảm bảo rủi ro thường có 2 phương án, thứ nhất yêu cầu một ngân hàng thứ ba đứng ra bảo lãnh trong một thời hạn nhất định, nếu sau giai đoạn theo cam kết mà doanh nghiệp không đạt mức sinh lời như yêu cầu thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả vốn, cộng với lãi suất cho khoản góp vốn nếu như doanh nghiệp không chi trả được.
Phương án thứ hai là chính doanh nghiệp phải chấp nhận bán ít nhất 51% cổ phần cho quỹ đầu tư nếu không đạt mục tiêu cam kết và xem như doanh nghiệp đã mất quyền tự quyết.
Chính vì vậy, hoạt động của nhiều quỹ đầu tư hiện nay gần như là cho vay thế chấp, theo đó khi tìm kiếm cơ hội đầu tư thì sẽ nhìn vào doanh nghiệp nào có gì thế chấp hay không. Còn trong trường hợp bị lỗ thì đặt điều kiện doanh nghiệp phải bán lại cổ phần theo mức giá yêu cầu để quỹ cho người vào điều hành, "gác sang một bên" ban lãnh đạo cũ.
Do đó, nếu chủ doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn, cần thanh khoản mà không thể vay ngân hàng thì bất đắc dĩ mới tìm đến các quỹ đầu tư. Hoặc nhiều doanh nghiệp chủ động vì cho rằng con đường thu hút quỹ đầu tư rót tiền như là cách để tạo niềm tin cho cổ đông và từ đó đảm bảo thành công cho các thương vụ phát hành thêm cổ phiếu.
Trong một số trường hợp, không phải quỹ đầu tư lúc nào cũng mong muốn doanh nghiệp thành công, mà khi đã tham gia điều hành sẽ lái doanh nghiệp đến lựa chọn phải bán nốt cổ phần cho quỹ, và đó là lúc một thương vụ "cá mập" xem như đã hoàn thành.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn