Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Nhiều đại gia bắt đầu cuộc đua trên thị trường 18 tỷ USD mang tên thịt mát

12/04/2019 11:30

Bình quân mỗi tháng, người Việt Nam tiêu thụ không dưới 300.000 tấn thịt lợn, và nhu cầu này đang tăng đều ở mức độ 6 – 8 % mỗi năm. Tỷ lệ nắm giữ thị phần của những loại thịt lợn đảm bảo chất lượng, được bảo quản tốt, là vẫn nhỏ.

Báo cáo thường niên năm 2017 của tập đoàn Masan, chủ tịch Nguyễn Đăng Quang từng tiết lộ quy mô ấn tượng của thị trường thịt sạch với con số lên tới 18 tỷ USD và doanh nghiệp này không muốn bỏ lỡ cơ hội lớn này. Hồi cuối năm 2018, tập đoàn này chính thức ra mắt một thương hiệu thịt mát và được phân phối tại Hà Nội.

Bắt đầu từ năm 2017, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Bộ NNPTNT đang biên soạn hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam dành cho thịt mát. Về định nghĩa, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản định nghĩa thịt mát là thịt lợn ngay sau khi giết mổ được qua quy trình làm mát để đạt nhiệt độ tâm sản phẩm ở phần thịt dày nhất đạt từ 0 – 4 độ C trong thời gian từ 16 đến 24 giờ.

Lợn nguyên liệu tại dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam dành cho thịt mát được yêu cầu phải có nguồn gốc rõ ràng, do cơ quan kiểm tra thú y xác nhận. Và không được vận chuyển liên tục quá 8 giờ, được nghỉ ngơi ít nhất 6h trước khi giết mổ.

Dự thảo yêu cầu lợn nguyên liệu làm thịt mát phải được làm ngất trước khi giết mổ (chết êm ái), và được làm mát ở dải nhiệt độ từ 0 độ C đến 4 độ C trong thời gian từ 16 đến 24 giờ sau giết mổ, sau đó pha thịt trong phòng lạnh từ 7 độ C đến 12 độ C. Khi bán cũng phải duy trì bảo ôn trong dải nhiệt độ 0 độ C đến 4 độ C.

Để dễ phân biệt, có thể thấy thị trường thịt lợn Việt Nam hiện chủ yếu dùng thịt nóng – tức là giết mổ xong lập tức đưa ra chợ bán, không bảo quản lạnh. Thịt nóng không đòi hỏi đầu tư lớn về nơi bảo quản và được người tiêu dùng ưa chuộng, do "hiểu" đây là thịt tươi, dù rằng đây là loại thịt dễ bị nhiễm khuẩn nhất do bày bán không bảo quản và cũng không rõ nguồn gốc.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng ước tính có đến 90% lượng thịt lợn bán trên thị trường nội địa hàng ngày là thịt nóng.

Với thịt mát, do giữ lại được phần lớn đặc tính "tươi" của thịt nóng, không đòi hỏi nhiều kiến thức sử dụng, bảo quản, đồng thời cũng hội tụ phần lớn lợi thế tổ chức bảo quản, phân phối của thịt đông lạnh. Do đó, đây chính là sản phẩm thịt tối ưu nhất, có tính tương lai đối với thị trường thịt Việt Nam.

Một ước tính của Cục Chăn nuôi cho biết, bình quân mỗi tháng, người Việt Nam tiêu thụ không dưới 300.000 tấn thịt lợn, và nhu cầu này đang tăng đều ở mức độ 6 – 8 % mỗi năm. Lợi thế lớn nhất của thị trường ấy là vẫn rất sơ khai, tức là tỷ lệ nắm giữ thị phần của những loại thịt lợn đảm bảo chất lượng, được bảo quản tốt, là vẫn nhỏ.

Nhiều đại gia bắt đầu cuộc đua trên thị trường 18 tỷ USD mang tên thịt mát - Ảnh 1.

Ông Quang Thanh Cường, giám đốc Điều hành mảng Thực phẩm Tập đoàn GreenFeed

"Đã từ lâu, người tiêu dùng Việt Nam luôn phải tìm kiếm một giải pháp sạch cho mỗi bữa cơm gia đình của mình. Nỗi lo "sạch" lấn át cả nhu cầu "ngon", trong khi đáng lẽ ra với mức thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, chúng ta xứng đáng có được bữa ăn "ngon" hơn là vẫn phải lo lắng về vấn đề "sạch". Giải pháp mà GreenFeed với thương hiệu G đưa ra là giải pháp sạch và ngon. Cam kết này được gói gọn trong một chữ G – tức là Green trên toàn chuỗi khép kín Feed – Farm – Food mà GreenFeed đã dày công xây dựng trong hơn 15 năm qua", ông Quang Thanh Cường, giám đốc Điều hành mảng Thực phẩm Tập đoàn GreenFeed chia sẻ trong buổi ra mắt sản phẩm ngày 10/4 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo đó, tập đoàn GreenFeed chính thức tham gia cuộc đua vào thị trường đầy tiềm năng lên tới 18 tỷ USD còn chưa được khai phá. Ngoài ra tập đoàn này còn hy vọng mang đến cho người tiêu dùng một lựa chọn chất lượng về sản phẩm thịt heo sạch trong bối cảnh thực phẩm không an toàn đang là nỗi lo ngại hàng đầu cho sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Được thành lập năm 2003, tập đoàn GreenFeed hiện là nhà cung cấp giải pháp hiệu quả cho ngành thực phẩm sạch theo mô hình khép kín 3F Plus (Feed – Farm – Food). Khởi đầu với ngành thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản, tập đoàn GreenFeed đến nay đã có hệ thống 8 nhà máy hiện đại tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar, được trang bị công nghệ sản xuất từ Mỹ và châu Âu.

Đây là một trong 4 công ty thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam với doanh số trên 500 triệu đô la Mỹ, đứng trong hàng ngũ top 100 công ty thức ăn chăn nuôi toàn cầu (theo tạp chí Feed International), một trong 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500).

GreenFeed cho biết sản phẩm thịt mới này tuân thủ quy trình sản xuất thịt mát theo tiêu chuẩn châu Âu, tuân thủ các qui định về thú quyền và vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà máy DnF mà GreenFeed sở hữu, quy trình vận chuyển tiêu chuẩn đảm bảo sản phẩm luôn giữ ở 0-4 độ C. Bên cạnh đó với việc sử dụng công nghệ QR code trên bao bì sản phẩm, nên khách hàng có thể truy xuất rõ thông tin chi tiết như thành phần cám heo ăn; ngày tiêm vắc xin cuối cùng (đảm bảo heo đã sạch thuốc hoàn toàn); ngày giết mổ, đóng gói,..

Phía GreenFeed cho biết sản phẩm này đã được lựa chọn là nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng như Hokkaido, Sofitel, Hotel Des Arts, Pullman Saigon, MetroPole, Hoàng Yến Group, Mùa Vàng Warehouse,…. và cũng đang được phân phối rộng rãi tại các siêu thị cao cấp như Lotte, VinMart+, Bách Hóa Xanh…

Theo Trí Thức Trẻ