Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Nhiều startup Việt Nam gọi được vốn đầu tư triệu USD

10/04/2022 07:55

Số lượng các startup tại Việt Nam nhận được vốn đầu tư hàng triệu USD đang tăng lên nhanh chóng. Năm 2021, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vượt 1,5 tỷ USD.

Quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã bước sang năm thứ 7 kể từ thời điểm Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng ban hành.

Tính đến nay, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong khi hệ sinh thái khởi nghiệp xếp hạng 59 trên 100 quốc gia.

Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Bên cạnh đó, hệ sinh thái tại 2 đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội cũng bứt phá lần lượt 46 và 5 bậc.

Năm 2021, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng 13% so với năm 2019 và 73% so với năm 2015 - một năm trước khi Đề án 844 ra đời.

1-1649552023.jpg

Tổng vốn huy động đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021

Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xây dựng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế thúc đẩy dòng vốn đầu tư, chuyển đổi tư duy từ quản lý sang hỗ trợ.

Trên thực tế, suốt 7 năm qua, số lượng quỹ/nhà đầu tư tại Việt Nam bùng nổ mạnh và đạt 217 đơn vị trong năm 2021, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, Việt Nam ghi nhận hơn 90 thương vụ đầu tư với tổng giá trị hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị đầu tư vào ngành tài chính và thương mại điện tử vượt 650 triệu USD.

2-1649552023.jpg

Đầu tháng 3/2022, SoBanHang - ứng dụng quản lý dành cho các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ, lẻ bán hàng qua mạng - tiếp tục huy động vốn đầu tư thành công và nhận được 2,5 triệu USD từ FEBE Ventures, Class 5, Trihill Capital…

Sau vòng gọi vốn hạt giống trị giá 1,5 triệu USD năm ngoái, SoBanHang được rót tổng cộng 4 triệu USD chỉ sau 8 tháng ra mắt.

Tuy hoạt động chưa đầy một năm, SoBanHang đã thu hút hơn 170.000 chủ cửa hàng và đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông và sàn thương mại điện tử.

Tương tự, Mio, nền tảng thương mại xã hội, đã huy động được 8 triệu USD trong vòng gọi vốn series A.

Kể từ vòng hạt giống từ tháng 5/2021 đến nay, Mio đã huy động được tổng cộng 9,1 triệu USD tiền đầu tư từ các quỹ như Jungle Ventures, Patamar Capital...

Ngân hàng số Timo đầu năm nay cũng huy động được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn dẫn dắt bởi Square Peg.

Startup y tế bùng nổ sau dịch Covid-19

Ngoài 2 ngành dẫn đầu là thương mại điện tử và tài chính, mảng y tế cũng thu hút dòng tiền đầu tư lớn, hơn 132 triệu USD.

Trước đại dịch Covid-19, các startup y tế có điều kiện bứt phá mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm không nhỏ từ các quỹ, tổ chức đầu tư, từ đó phản ánh khả năng giải quyết vấn đề bất cập của startup.

“Chính trong những cái ‘nguy’, chúng ta có cơ hội để khởi nghiệp, để đưa ra những sản phẩm thích nghi với điều kiện bình thường mới ở Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhận định.

Gần đây nhất, Med247 - hệ thống phòng khám gia đình 4.0 có trụ sở tại Hà Nội - đã huy động thành công 4,5 triệu USD trong vòng series A từ Altara Ventures, Pavilion Capital, MiRXES…

Startup nhan von dau tu trieu USD anh 1

Startup lĩnh vực y tế Med247 đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên và nhận 4,5 triệu USD.

Theo Báo cáo Digital Health in Vietnam của KPMG trong năm 2020, tính đến năm 2018, Việt Nam có 77.995 bác sĩ và 128.386 y tá. Tính trung bình, tỷ lệ bác sĩ và y tá trên 1.000 dân chỉ đạt 1 và 1,3, buộc mỗi bác sĩ phải chăm sóc 60-100 bệnh nhân/ngày.

Bộ Y tế cho biết cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh trong năm 2020, tức trung bình người Việt đến bệnh viện khám chỉ 1,67 lần/năm. Mặt khác, con số này ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hungary lần lượt là 16,6 lần, 12,6 lần và 10,9 lần.

Ngoài yếu tố sức khỏe, một trong những lý do khiến số lượt khám bệnh trung bình tại Việt Nam còn hạn chế là việc thiếu nhận thức thăm khám sức khỏe thường xuyên và tâm lý dồn về cấp trung ương.

Đứng trước tình trạng hệ thống y tế thường xuyên quá tải, Med247 theo đuổi mô hình Online to Offline, kết hợp khám bệnh truyền thống trực tiếp với công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa.

Người bệnh có thể kết nối với bác sĩ 24/7 để tư vấn, thăm khám, Med247 còn phát triển chuỗi phòng khám đảm bảo điều kiện chuyên môn trên nhiều tỉnh thành.

18 tháng qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Med247 đạt 500%, phục vụ khoảng 50.000 khách hàng. Tỷ lệ trung bình mỗi khách hàng quay trở lại hệ sinh thái dịch vụ của Med247 trong 3 tháng là 2,47 lần.

Theo Minh Khánh/Zing