Nhìn Ricons tăng trưởng trong khi Coteccons chững lại, Kusto có tiếc nuối?

08/08/2019 14:56

Dù đã được Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và nhiều cổ đông đề nghị xem xét phương án sáp nhập Ricons, Kusto luôn đưa ra những lý do để phản đối. Tuy nhiên, việc tăng trưởng chậm lại của Coteccons, thay vào đó là sự bứt phá của Ricons, Kusto hẳn sẽ tiếc nuối khi đã phản đối việc sáp nhập dù với lí do nào.

Coteccons ghi nhận lợi nhuận quí thấp nhất trong vòng 5 năm

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 của CTCP Xây Dựng Coteccons (Mã: CTD) vừa công bố cho thấy bức tranh kinh doanh xấu nhất của ông lớn xây dựng này trong vòng 5 năm qua.

Theo đó, Coteccons đạt 10.037 tỉ đồng doanh thu và 313 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm, giảm lần lượt 20% và và 56,4%.

ctd2

Nguồn: ST tổng hợp

Kết quả kinh doanh quí II, doanh thu của Coteccons giảm 30% so với cùng kì, xuống còn 5.788 tỉ đồng. Trong khi đó,  giá vốn hàng bán chỉ giảm 28% đã đẩy biên lợi nhuận gộp xuống mức 3,16%, chưa bằng một nửa so với cùng kì năm trước.

Chi phí quản lý trong kì này đã được Coteccons tiết giảm đáng kể, giảm 24% so với cùng kì năm ngoái, ghi nhận ở 95 tỉ đồng. Dù vậy lợi nhuận sau thuế vẫn giảm đến 71% xuống còn 124 tỉ đồng, mức thấp nhất kể từ quí I/2015.

Với KQKD 6 tháng đầu năm nay, Coteccons chỉ thực hiện 37% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua.

Tăng trưởng bắt đầu chững lại từ năm 2018

Trên thực tế, tăng trưởng kinh doanh của Coteccons đã cho thấy dấu hiệu chững lại kể từ năm 2018 với việc doanh thu chỉ tăng 5,2% còn lợi nhuận sau thuế giảm 9,1%.

Giai đoạn trước đó, Coteccons có tốc độ tăng trưởng vượt bậc với doanh thu tăng trung bình hơn 40% mỗi năm, từ 4.477 tỉ đồng năm 2012 tăng lên 27.153 tỉ đồng năm 2017.

Cùng xu hướng tích cực, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trung bình bình quân gần 50%, đạt mức cao nhất 1.653 tỉ đồng vào năm 2017. Đặc biệt, tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận gần chạm tới ngưỡng 100% vào năm 2016 khi tăng từ 733 tỉ đồng lên 1.422 tỉ đồng.

ctd1

Nguồn: ST tổng hợp

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, kết quả kinh doanh của Coteccons bắt đầu cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chững lại từ năm 2018. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2018 đạt 28.561 tỉ đồng, tăng trưởng 5,2% so với kết quả năm 2017, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 40% của những năm trước.

Không dừng lại ở đó, lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 1.510 tỉ đồng, giảm tới 9,1% so với năm 2017 trong khi những năm trước Coteccons duy trì tăng trưởng trung bình 50%.

Đến năm 2019, Coteccons tiếp tục đưa ra kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn với doanh thu và lợi nhuận đều thấp hơn so với kế hoạch và thực hiện năm 2018.

Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt 27.000 tỉ đồng, giảm 5,5% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thế dự kiến 1.300 tỉ đồng, giảm 13,9%. Trong khi, kế hoạch năm trước doanh thu 28.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỉ đồng.

Trái với Coteccons, Ricons vẫn giữ đà tăng trưởng

Trái ngược với kết quả đáng thất vọng tại Coteccons, công ty thành viên - CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Giai đoạn trước năm 2014, doanh thu của Ricons luôn dưới 2.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt được khoảng 30 - 40 tỉ đồng mỗi năm.

Kể từ năm 2015, cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, Ricons cũng chứng kiến tăng trưởng đột biến khi doanh thu tăng từ 1.590 tỉ đồng năm 2014 lên 9.306 tỉ đồng năm 2018, tương đương tỉ lệ tăng trưởng bình quân 56%/năm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 10 lần từ 41 tỉ đồng lên 431 tỉ đồng

ricon1

Nguồn: ST tổng hợp

Năm 2019, thị trường bất động sản chững lại với việc tín dụng bị thắt chặt cùng các vấn đề về chính sách đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của các công ty xây dựng, trong đó có cả Coteccons và Ricons.

Lũy kế nửa đầu năm, Ricons ghi nhận doanh thu thuần 2.573 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kì; lợi nhuận sau thuế đạt 102,2 tỉ đồng, giảm gần 20%, mức giảm thấp hơn so với Coteccons.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019, Ricons kì vọng doanh thu vượt mốc 10.000 tỉ đồng, tiếp tục tăng trưởng 17,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 475 tỉ đồng, tăng 10,2%.

Với những gì đạt được nửa đầu năm nay, Ricons còn rất xa so với kế hoạch đặt ra khi mới thực hiện hơn 23% và 21% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Biên lợi nhuận của Ricons vượt qua Coteccons

Thời điểm Ricons bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng năm 2011, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này chỉ bắng 14% so với Coteccons. Đặc biệt, đỉnh điểm về khoảng cách lợi nhuận giữa hai doanh nghiệp là năm 2013 khi lợi nhuận của Coteccons cao gấp hơn 16 lần so với đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, những năm gần đây mức chênh lệch đã thu hẹp đáng kể do Ricons liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao còn "ông lớn" Coteccons có dấu hiệu chững lại. Với việc lợi nhuận của Coteccons sụt giảm trong nửa đầu năm 2019, mức chênh lệch lợi nhuận giữa hai doanh nghiệp hiện giảm xuống chỉ còn 2,7 lần.

ricon2

Nguồn: ST tổng hợp

Song song với tăng trưởng lợi nhuận, biên lợi nhuận của Ricons cũng liên tục cải thiện qua các năm, từ tỉ lệ 4,11% năm 2012 tăng lên 6,47% trong nửa đầu năm 2019. Trong khi đó, biên lợi nhuận của Coteccons giảm từ đỉnh 8,66% năm 2016 xuống còn 4,55%.

Như vậy, biên lợi nhuận của Ricons đã chính thức vượt qua, thậm chí bỏ xa Coteccons.

Sáp nhập Ricons vào Coteccons, vì sao không thành?

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, HĐQT Coteccons đã trình cổ đông xem xét phương án sáp nhập Ricons để tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường và mở rộng thị phần. Với việc sáp nhập thêm Ricons, Coteccons sẽ tham gia xây dựng cả những phân khúc vừa và nhỏ.

Vấn đề sáp nhập được nhiều cổ đông hưởng ứng nhiệt tình. Trong đó, ông Andy Hồ, đại diện nhóm quỹ VinaCapital cho biết, thực hiện sáp nhập giúp công ty tiếp cận nguồn khách hàng tốt hơn, tăng doanh thu, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, minh chứng bởi các công ty lớn như Vinamilk hay Masan.

Tuy nhiên, phương án sáp nhập lại gặp phải cản trở từ nhóm cổ đông lớn Kustocem (Kusto), dẫn tới việc sáp nhập Ricons vào Coteccons tiếp tục được bỏ ngỏ.

Theo ông Talgat Turumbayev - đại diện Kusto, việc dùng cổ phiếu công ty để chi trả cho hoạt động M&A là không cho thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng, không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Thay vào đó, Coteccons nên tập trung phát triển bằng kinh doanh cốt lõi hơn là thông qua hoạt động mua bán sáp nhập.

Kusto phản đối sáp nhập có phải chỉ đơn giản do thấy không hợp lý?

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của Coteccons, nhóm nhà đầu tư liên quan đến Kusto đang nắm giữ gần 35% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành, bao gồm Kusto (18%), Kinh doanh và Đầu tư Thành Công (14,49%) và ông Talgat Turumbayev – thành viên HĐQT Coteccons (2,06%).

cocauctd

Nguồn: ST tổng hợp

Chủ tịch Nguyễn Bá Dương của Coteccons chỉ nắm 5,05% cổ phần tại Coteccons. Những người liên quan tới ông Dương, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2019, sở hữu tỉ lệ không đáng kể; người sở hữu nhiều nhất là em trai ông Dương - ông Nguyễn Xuân Đạo cũng chỉ sở hữu 0,33%.

Tuy nhiên, ông Dương còn được biết đến là người sáng lập và đang giữ chức Thành viên HĐQT của Ricons. Cơ cấu cổ đông của Ricons hiện có 5 cổ đông lớn, trong đó Bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc, vợ ông Dương nắm giữ 7,38% còn cá nhân ông Dương không nắm giữ cổ phần nào.

Trong khi đó, Coteccons là cổ đông lớn nhất với 14,87% vốn cổ phần. Một số lãnh đạo của Coteccons cũng nắm giữ cổ phần tại Ricons như Trưởng phòng kế toán - Hà Tiểu Anh (13,74%), Phó Tổng Giám đốc Trần Quang Quân (6,05%). Ngoài ra, Rewas Holdings Limited, quỹ thành viên của VinaCapital sở hữu 7,54%.

ricon

Nguồn: ST tổng hợp

Kusto không nắm giữ cổ phần tại Ricons. Do vậy, nếu sáp nhập Ricons với Coteccons diễn ra, tỉ lệ sở hữu cũng như sức ảnh hưởng của nhóm Kusto tại Coteccons sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, đây cũng có thể là một trong những lí do khiến cổ đông này nhất quyết phản đối việc sáp nhập.

Liệu rằng ngoài vấn đề pha loãng, Kusto còn mục đích nào khác?

Tại ĐHCĐ 2019, một cổ đông bày tỏ nghi ngờ mục đích đầu tư của Kusto vào Coteccons chỉ để thâu tóm. Cổ đông này cũng đề nghị làm rõ động cơ của Kusto để tránh lặp lại tình trạng như Bê tông 6 trở thành cổ phiếu "trà đá", hay Descons đã từng bị phá sản sau khi bị Kusto thâu tóm.

Thực tế cho thấy, với tình hình tăng trưởng chậm lại của Coteccons cũng như sự bứt phá của Ricons, Kusto hẳn sẽ tiếc nuối khi đã phản đối việc sáp nhập dù với lí do nào.

Sơn Tùng

Theo Kinh tế & Tiêu dùng