Điều đáng nói là nhược điểm chí mạng của gia tộc họ Tào lại chính là ưu điểm vượt trội của những người trong dòng họ của Tư Mã Ý.
Tào Tháo là một trong số những nhân vật nổi danh nhất thời Tam Quốc. Ông được người đời nhắc tới như một bậc "kiêu hùng", từng nắm Thiên tử trong tay để ban lệnh sai khiến các chư hầu, đánh bại Viên Thiệu, hùng cứ Trung Nguyên.
Lúc bấy giờ mặc dù thiên hạ chia ba, nhưng luận về thực lực, cả Thục Hán và Đông Ngô cùng hợp lực mới có thể chống lại thế lực của Tào Tháo. Chỉ tiếc rằng cho tới sau cùng, ông vẫn không phải là người nhất thống thiên hạ.
Sau khi Tào Tháo qua đời, dù không thiếu con cháu và nhân tài, thậm chí còn có rất nhiều công thần, tướng mạnh, nhưng vì sao thiên hạ lại có thể rơi vào tay gia tộc Tư Mã?
Tào Tháo có tổng cộng 25 người con trai. Hơn nữa trong số họ, những người có năng lực quả thực không hề ít. Vậy đâu là lý do chỉ trong vòng 30 năm sau khi Tào Tháo băng hà, Tư Mã Ý và dòng họ của mình lại trở thành những người nắm đại cục?
Sự thực là chỉ vài thập kỷ sau khi Tào Tháo qua đời, quyền lực của phe Tào Ngụy phần lớn đều nằm trong tay Tư Mã Ý. (Ảnh minh họa).
Nhược điểm chí mạng của hoàng tộc họ Tào...
Nguyên nhân của việc này có liên quan tới một nhược điểm chí mạng của gia tộc họ Tào. Đó chính là phần lớn con cháu Tào Tháo đều vô cùng vắn số.
Năm xưa, con trưởng của Tào Tháo là Tào Ngang vốn được coi là có năng lực, chỉ tiếc rằng nhân vật này không may chết trận trong cuộc chiến ở Uyển Thành.
Cậu con trai nhỏ tuổi từng được Tào Tháo đặc biệt yêu thích, thậm chí còn được mệnh danh là thần đồng Tam Quốc Tào Xung cũng bị bệnh qua đời ở tuổi 13.
Sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi mặc dù thuận lợi kế vị nhưng cũng chỉ thống trị chưa tới 7 năm ngắn ngủi liền lâm bệnh băng hà.
Mà nhân vật nổi tiếng với giai thoại "bảy bước thành thơ" là Tào Thực cũng chỉ sống tới 41 tuổi. Theo KKnews nhận định, nhân vật này là một trong số những người con nối dõi sống thọ nhất của Tào Tháo.
Nhìn lại số phận của những người con trai Tào Tháo, nhiều người cho rằng ngay cả khi các con ông đều không may vắn số thì gia tộc này ít nhất cũng còn có thể trông cậy vào các cháu trai. Thế lực họ Tào sở hữu nhiều công thần, cường tướng, ắt sẽ có người phò tá ấu đế.
Tuy nhiên thực tế thì phần đông các tướng lĩnh cốt cán năm xưa từng chinh chiến cùng Tào Tháo như Tào Chân, Tào Nhân, Hạ Hầu Đôn… cũng không sống thọ. Thậm chí một số người con cháu của họ cũng đều qua đời trước Tư Mã Ý.
... và "chìa khóa" khiến gia tộc Tư Mã trở thành người chiến thắng
Nếu như những tướng lĩnh, trung thần này sống lâu hơn, giang sơn của Tào gia cũng không dễ bị Tư Mã Ý đoạt mất như vậy.
Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, Tư Mã Ý ngoại trừ tài mưu lược hơn người còn sở hữu một ưu điểm mà người nhà họ Tào ít có – đó chính là sống lâu.
Sử cũ ghi lại, Tư Mã Ý sống tới 73 tuổi mới qua đời. Vào thời cổ đại, nhân vật này đã có thể xếp vào số những người trường thọ.
Chưa dừng lại ở đó, em trai ông là Tư Mã Phu thậm chí còn "vượt mặt" anh mình về tuổi thọ, sống tới 93 tuổi mới qua đời.
Hơn nữa, gia tộc Tư Mã nhân tài lớp lớp, con cháu tuổi thọ vừa cao, lại vừa có năng lực.
Tư Mã Ý không chỉ sở hữu mưu lược hơn người mà còn "ăn đứt" về mặt tuổi tác nếu so sánh với các nhân vật cốt cán trong gia tộc họ Tào. (Ảnh minh họa).
Điều này cũng giải thích tại sao chỉ vẻn vẹn chưa đầy 30 năm sau khi Tào Tháo qua đời, Tư Mã Ý đã thành công nắm quyền, tạo lập nền móng vững chắc để gia tộc Tư Mã sau này đoạt được thiên hạ, trở thành những người chiến thắng sau cùng trong Tam Quốc.
Từ minh chứng lịch sử này, có thể trong thời kỳ loạn lạc, ngoài tài năng, tuổi thọ và sức khỏe cũng là hai trong số những yếu tố góp phần tạo nên chiến thắng.
Theo Trần Quỳnh
Trí Thức Trẻ