Tôn Sách được đánh giá là thiếu niên hào kiệt, mệnh danh Giang Đông Tiểu Bá Vương. Cái chết của ông được cho là "có bàn tay" của em trai Tôn Quyền - một nhân vật đa mưu túc trí.
Trước khi hình thành cục diện "tam phân thiên hạ", hay còn gọi là thời đại Tam Quốc, thì Đông Ngô đã là một thế lực hùng mạnh nhờ công gây dựng của "mãnh hổ Giang Đông" Tôn Kiên.
Tuy nhiên, 2 nhân vật nổi trội nhất trong số những người con của Tôn Kiên là Tôn Sách - Tôn Quyền có tính cách khác nhau, thậm chí tồn tại mâu thuẫn lớn về quan điểm chiến lược.
Tôn Quyền muốn hiện thực hóa mục tiêu của bản thân thì buộc phải đoạt được quyền vị trong tay Tôn Sách.
Có quan điểm cho rằng, Quyền "có đầy đủ động cơ để mưu sát Tôn Sách".
"Tam Quốc Chí - Ngô thư - Tôn Sách truyện" đánh giá - "Sách là bậc thiếu niên hào kiệt, dũng mãnh hơn người, mưu lược toàn tài, có chí nhất thống thiên hạ".
Tôn Sách là mãnh tướng "có khí thế của Tiểu Bá Vương", nhưng tính tình nóng vội, không biết dùng người.
Trương Hoành từng khuyên Sách - "Chủ tướng là tính mệnh của ba quân, không nên khinh địch đám tiểu khấu. Xin tướng quân tự bảo trọng".
Tôn Sách đáp - "Lời tiên sinh như vàng ngọc, chỉ e nếu ta không làm gương, tướng sĩ sao có thể hết mình".
Lời nói của Tôn Sách tuy thể hiện được "bản sắc anh hùng" của cá nhân ông, song cũng bộc lộ vấn đề mâu thuẫn trong quân đội của "Tiểu Bá Vương".
Tiểu Bá Vương Tôn Sách bị "Hứa gia tam khách" ám sát.
Nghi vấn vụ ám sát Tiểu Bá Vương
Nhiều bình luận nói rằng, xuất phát từ sự không thống nhất trong nội bộ, nên Tôn Sách mới bị hành thích trọng thương khi đi săn huơu tại Đan Đồ Tây Sơn, trong lúc "chư tướng và quân sĩ vẫn chậm chạp phía sau".
Trái ngược với Tôn Bá Phù, em trai ông Tôn Quyền "biết ẩn nhãn, trọng nhân tài, nhiều mưu kế, thực dụng, là bậc tuấn kiệt anh minh.
Quyền có thể tự mình cai trị Giang Biểu, tạo dựng sự nghiệp" - Tam Quốc Chí có đoạn.
Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc bình luận, Tôn Sách là mẫu nhân vật "nhà binh", cả năm trời thống lĩnh quân đội chinh chiến, hành tung bất định.
Vì vậy, việc Sách bị ám sát khi đi săn "có nhiều điểm nghi vấn".
Bên cạnh đó, việc chủ công xuất ngoại săn bắn vốn là "chuyện nhà", không nhiều khả năng được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như thời hiện đại.
Do đó, "Hứa gia tam khách" gần như không có khả năng biết trước lịch trình của Tôn Sách để "ôm cây đợi thỏ", trừ khi "có thông tin tình báo về thời gian, địa điểm, nhân sự của Sách".
Xét từ vấn đề thái độ trong nội bộ Tôn gia, cái chết của Tôn Sách cũng cho thấy không ít điểm đáng ngờ.
Trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng như thực tế lịch sử, Tôn Sách được ghi nhận là bị hành thích dẫn đến tử vong khi mới 25 tuổi.
Sau đó, Tôn Quyền ngồi lên "tọa trấn" Giang Đông.
Tôn Sách là mãnh tướng nhưng kém tài dùng người, trái ngược với em trai Tôn Quyền "lắm mưu nhiều kế".
Ba người em trai khác là Tôn Dực, Tôn Khuông, Tôn Lãng hầu như không được nhắc đến.
"Tam Quốc Chí - Ngô thư - Tôn Dực truyện" có nói - "Tôn Dực, tự Thúc Bật, em trai Quyền, tính cách quả liệt, giống huynh trưởng Sách".
Sử gia Bối Tùng Chi trích dẫn sách "Điển lược" có đoạn - "Sách lâm chung, đám Trương Chiêu tưởng Sách giao binh cho Dực.
Nhưng Sách gọi Quyền, giao cho ấn tín".
Như vậy, người kế vị Tôn Sách có khả năng là Tôn Quyền, cũng có thể là Tôn Dực.
Cuộc "thanh trừng gia tộc" của Tôn gia Giang Đông?
Tôn Dực chẳng những không thể tiếp quản ngôi vị của huynh trưởng, mà về sau, Dực cũng bị ám sát giống như Tôn Sách.
Thủ phạm chính là gia tướng của Dực, Biên Hồng.
Bối Tùng Chi dẫn sách "Ngô lịch" - "Dực ra vào đều mang đao, thường hay uống rượu.
Tay không tiễn khách, (Biên) Hồng từ đằng sau chém Dực, trong quận hỗn loạn.
Không ai cứu Dực. Dực bị Hồng giết, Hồng chạy trốn vào núi".
Việc thích khách là một gia tướng "thân tín" bên cạnh Tôn Dực, cộng với tình tiết "không một ai cứu Dực" cho thấy vụ ám sát Tôn Dực cũng có nhiều điểm khả nghi.
Không ít ý kiến cho rằng, cái chết của Tôn Dực "có bàn tay sắp đặt".
Kết cục không mấy tốt đẹp của huynh đệ Tôn gia là kết quả cuộc thanh trừng nội bộ của Tôn Quyền?
Tôn Sách và Tôn Dực bị ám sát, Tôn Khuông "chết không rõ ràng", Tôn Lãng "bị Tôn Quyền giam giữ đến cuối đời", là những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng "anh hai" Tôn Quyền đã nhúng tay thực hiện hàng loạt vụ "thanh trừng nội bộ" trong Tôn gia.
Từ Tiểu Bá Vương Tôn Sách tới Tôn Quyền, Đông Ngô trải 2 giai đoạn cao trào "hình thành nội các" văn võ đại thần.
Thứ nhất là giai đoạn Tôn Sách mượn binh khởi nghiệp cho tới lúc hùng cứ Giang Đông, hiền tài đầu quân có Chu Trị, Lữ Phạm, Trương Chiêu, Trương Hoành...
Các danh tướng Chu Du, Tưởng Khâm, Chu Thái, Trần Vũ, Thái Sử Từ... cũng gia nhập lực lượng Đông Ngô trong thời kỳ này.
Giai đoạn "tuyển dụng" thứ hai là dưới thời Tôn Quyền chinh phạt Hoàng Tổ.
Các mưu sĩ Lỗ Túc, Gia Cát Cẩn, Cố Ung, Trình Phổ, Trương Ôn, Chu Hằng... về với Đông Ngô trong giai đoạn này.
Võ tướng Lữ Mông, Lục Tốn, Từ Thịnh, Đinh Phong, Cam Ninh cũng đầu quân cho Tôn Quyền.
Căn cứ vào những nhân vật có ảnh hưởng ở Đông Ngô sau thời Tôn Sách, ngoại trừ đại đô đốc Chu Du, quyền lực triều đình hầu hết đã được "thay máu" và nằm trong tay nhóm "nội các" mới, dưới trướng chủ công Tôn Quyền.
Theo Hải Võ
Trí Thức Trẻ