Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Những bí mật đằng sau thương vụ Daesang mua Xúc xích Đức Việt

29/10/2019 08:33

Đối với ông Mai Huy Tân, cha đẻ của thương hiệu Xúc xích Đức Việt, một tư tưởng quản trị minh bạch và trung thực không chỉ cần thiết khi doanh nghiệp có định hướng M&A mà còn là yêu cầu để phát triển lành mạnh và lâu bền.

Đối với ông Mai Huy Tân, cha đẻ của thương hiệu Xúc xích Đức Việt, một tư tưởng quản trị minh bạch và trung thực không chỉ cần thiết khi doanh nghiệp có định hướng M&A mà còn là yêu cầu để phát triển lành mạnh và lâu bền.

Ông Mai Huy Tân, nhà sáng lập thương hiệu Xúc xích Đức Việt

Hơn ba năm về trước, thông tin đại gia Hàn Quốc mua lại Công ty CP Thực phẩm Đức Việt đã từng khiến người tiêu dùng dậy sóng. Đối với ông Mai Huy Tân, nhà sáng lập thương hiệu Xúc xích Đức Việt, đây là một trong những thành công lớn trong sự nghiệp của ông.

Khởi nghiệp ở tuổi 52 với số vốn 100 nghìn USD tích cóp sau ba thập kỷ, ông Tân đã làm nên một doanh nghiệp được Tập đoàn Deasang định giá lên tới 32 triệu USD sau 16 năm. Quá trình định giá cũng diễn ra rất nhanh, từ thời điểm ký biên bản ghi nhớ, lập dự thảo hợp đồng cho tới khi hoàn tất chỉ mất đúng sáu tháng.

Là một tiến sỹ toán học bỏ nghề chuyển sang làm tay ngang, từ những ngày đầu khởi nghiệp, ông Tân đã có một tư duy quản trị rất minh bạch và trung thực, tư tưởng này được ông duy trì trong suốt cả quá trình phát triển doanh nghiệp.

Nhận thấy có yếu tố nước ngoài trong công ty nên từ đầu, kiểm toán hàng năm của Đức Việt đều trong nhóm Big4. Đó cũng là lý do các công ty tư vấn thẩm định đầu tư của đối tác Hàn Quốc hết sức hài lòng. Ông cũng cho biết trong quá trình phát triển, công ty thường xuyên và đều đặn thực hiện kiểm toán. Do đó, quá trình M&A không gặp bất kỳ vướng mắc nào về sổ sách vì rất minh bạch.

“Tôi nghĩ trong quá trình làm M&A, kiểm toán nội bộ và minh bạch sổ sách là yếu tố cần thiết mà người mua dù là trong hay ngoài nước đều yêu cầu. Doanh nghiệp nào có định hướng M&A cũng cần quản trị như thế, và nhìn chung, đó là yêu cầu để doanh nghiệp phát triển lành mạnh và lâu dài”, ông Tân nhận định tại Chương trình Cafe quản trị tháng 10 do Hội các Nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức.

Sự minh bạch và trung thực dường như từ lâu đã in sâu vào máu của ông Tân. Thời điểm làm việc với 21 nhà cung cấp khác nhau khi xây dựng nhà máy sản xuất xúc xích ở Phố Nối (Hưng Yên), ông không hề uống với ai một cốc bia, không cầm một phong bì nào. Ông chỉ yêu cầu các đối tác làm đúng hợp đồng về chất lượng và thời gian.

Trong buổi liên hoan sau khi nhà máy được xây xong, một người quen của ông Tân là đại tá thuộc Binh chủng công binh có 40 năm kinh nghiệm về xây dựng trong Bộ Quốc phòng được ông nhờ theo dõi và giám sát dự án đã khẳng định, nếu công trình của ông Tân là công trình Nhà nước thì thời gian và chi phí nhân hệ số 2, chất lượng nhân hệ số ½. Vị này khẳng định, đây là một công trình xây nhanh, chất lượng tốt và tương đối rẻ.

Để xây dựng nên nhà máy ở Phố Nối, tổng kinh phí là 2 triệu Euro trong khi em rể của người bạn đến từ nước Đức cùng ông Tân lập nên công ty là một kỹ sư xây dựng cho biết nếu công trình này xây dựng ở Đức thì sẽ tốn một khoản tiền lên tới 16 triệu Euro.

Sự minh bạch trong từng con số đã góp phần giúp ông đưa doanh nghiệp phát triển với tốc độ chưa từng có trong ngành. Dù chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất xúc xích và thậm chí “chưa bao giờ đi chợ và thái thịt” trước đó nhưng là một người làm khoa học, ông nghiên cứu và tính toán rất chi tiết nguyên vật liệu, tỷ lệ bao nhiêu, chi phí sản xuất một kg xúc xích rồi lên kế hoạch bán hàng, sau là kế hoạch sản xuất. Ông tính ra chi phí sản xuất là 35.000 đồng/kg, bán ra 50.000 đồng/kg và nếu làm 20 tấn/năm sẽ thu hồi vốn sau hai năm.

Với sự hướng dẫn của một nhà sản xuất xúc xích người Đức cũng chính là hàng xóm của đối tác, ông Tân và Đức Việt chỉ mất vỏn vẹn tám tuần kể từ khi động thổ đến thời điểm mẻ xúc xích đầu tiên ra lò. Đây là một kỷ lục chưa từng có ở Đức.

Năm đầu tiên, công ty đã đạt sản lượng 20 tấn xúc xích/năm và dần mở rộng, luôn ghi nhận tăng trưởng 100% mỗi năm để đến thời điểm M&A thì sản lượng đã lên tới 25 tấn mỗi ngày, khẳng định vị thế là một trong ba doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam trong ngành sản xuất xúc xích.

Bộ máy quản trị nhân sự tốt là bắt buộc

Xét về giá trị sổ sách, ông Tân cho biết người Hàn khẳng định chỉ với 5 triệu USD đã có thể xây nên một nhà máy mới và hiện đại, nhưng sự chênh lệch về giá trị doanh nghiệp trong thương vụ này là do giá trị thương hiệu, giá trị con người được đào tạo bài bản, cẩn thận và giá trị của hệ thống phân phối. Theo ông Tân, người Hàn và các doanh nghiệp khác trên thế giới khi vào Việt Nam đều đánh giá rất cao điều này.

Ông luôn cảm thấy may mắn vì có được một bộ máy cộng sự toàn tâm toàn ý cùng ông xây dựng công ty tốt. Con trai và con gái của doanh nhân người Đức cùng ông sáng lập công ty đều sang Việt Nam làm việc. Trong đó, người con gái học đại học ở Đức, lấy chồng Việt Nam và về Hà Nội làm việc. Người con trai học chuyên ngành marketing ở Mỹ về cũng được bố khuyến khích sang Việt Nam làm giám đốc marketing và thương hiệu. Là một “ông Tây” nặng hơn 100kg, cao trên 2m nhưng anh này thường xuyên về các trường tiểu học để làm chiến dịch.

Những người lãnh đạo chủ chốt khác cũng là những người giỏi, thân cận, được ông Tân tin dùng và vẫn luôn gắn bó với ông suốt mấy chục năm. Ông xác định tin tưởng đối tác và khách hàng là điều quan trọng nhưng trên hết là phải có được sự tin tưởng trong chính nội bộ công ty.

Ông nhìn nhận, sinh ra không để làm doanh nhân nên khi lập doanh nghiệp với đội ngũ 10 người, ông mời những người ông quen để biết chắc là họ sẽ đi cùng ông mặc dù không thể khẳng định họ tài đến đâu bởi ông khiêm tốn: “Tôi tự nhận thấy mình chưa tài lắm nhưng phải trong sáng, minh bạch và dễ hiểu. Những con người đó cho đến lúc M&A vẫn là cộng sự bên cạnh chứng tỏ tôi chọn đúng”.

Nhà sáng lập Xúc xích Đức Việt nhận định: “Xây dựng doanh nghiệp với tốc độ phát triển 100% mỗi năm thì không thể không nghĩ đến bộ máy quản trị nhân sự tốt”.

Ông chia sẻ thêm: “Có người bảo không đi theo tôi thì không được như bây giờ, nhưng tôi lại nói không có họ thì tôi sẽ không được như bây giờ. Như vậy, chúng tôi là một đội ngũ cộng hưởng với nhau”.

Cha đẻ thương hiệu Xúc xích Đức Việt nhấn mạnh, tư duy này của ông hình thành không phải vì xác định sẽ mua bán và sáp nhập Công ty. Vào những ngày đầu khi chưa có ý niệm M&A, ông và đội ngũ đã luôn nỗ lực làm tốt nhất và “sạch” nhất ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Với lực lượng công nhân nhà máy chủ yếu là người dân vùng nông thôn, thậm chí không biết dùng các cuộn giấy vệ sinh thì ông Tân cũng phải chú trọng dồn tầm huyết đào tạo, dạy về HACCP là những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Ông bắt đầu với việc dạy về vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, tổ chức các đội đào tạo nhân sự cho toàn Công ty.

Nhân sự ở Xúc xích Đức Việt được hướng dẫn, đào tạo từ những chi tiết nhỏ nhất.

Do đã làm việc thân quen với một số tổ chức ở Đức nên ông Tân xin hỗ trợ của Tổ chức cung cấp chuyên gia SES đưa chuyên gia sang đào tạo cho công nhân bởi ông nhận thấy hệ thống trường nghề của Việt nam không dạy chế biến thịt trong khi thịt là một sản phẩm quan trọng trong đời sống gần 100 triệu người dân.

Ông tân luôn tự hào, năng suất của đội ngũ lao động ở Đức Việt rất cao. Khi so sánh, một chuyên gia người Đức cho biết năng suất lao động của công nhân Xúc xích Đức Việt tương đương 90% năng suất lao động trong ngành chế biến của Đức.

“Tôi tự hào là một anh tay ngang không học về xúc xích, khởi nghiệp nhỏ nhưng trưởng thành thì đạt đẳng cấp Đức - nơi đạt số 1 thế giới về xúc xích”, ông Tân tự hào.

Có lẽ cũng nhờ tâm huyết không chỉ với đứa con đẻ của mình mà còn là tâm huyết cho sự phát triển của từng cá nhân cán bộ công nhân viên, sự tin tưởng và khả năng tập hợp lòng người mà ông Tân đã có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.

Còn nhớ vào một đêm hè năm 2010 khi phần lớn cán bộ công nhân viên đi nghỉ mát ở Hạ Long, nhà máy xảy ra hỏa hoạn lớn gây nên thiệt hại lên tới 10 tỷ đồng, hệ thống kho chứa bao bì đóng gói, kho thành phẩm, phân xưởng đóng gói với máy móc hiện đại cũng bị thiêu rụi, tạo nên một khung cảnh thê lương. Ông Tân xác định, nếu vắng mặt trên thị trường chỉ một tháng là chắc chắn bị đối thủ vượt qua. Ông đặt mục tiêu khôi phục lại sản xuất chỉ sau một tuần.

Với sự đồng lòng của toàn bộ cán bộ công nhân viên, ngày đêm tìm mọi cách khắc phục và đúng một tuần sau đó, nhà máy quay trở lại sản xuất như bình thường. Không những vậy, ông Tân còn nghiên cứu nâng cấp nhà máy và cho tăng gấp đôi năng suất.

Giá trị của chiếc xúc xích nằm ở sự tử tế

Xuất thân làm khoa học, đến thời điểm hiện tại khi đã trải qua năm lần khởi sự kinh doanh nhưng chưa bao giờ ông Tân nghĩ mình là doanh nhân.

Ông cho biết tầm nhìn bây giờ khác với thời điểm khởi nghiệp lập nên thương hiệu Xúc xích Đức Việt. Ông vẫn không ngừng học tập, tiếp tục tiếp cận kiến thức và công nghệ mới: “Tôi rất chăm chỉ nên tầm nhìn ấy sinh ra bởi lao động chứ không sinh ra bởi điều gì khác, tất nhiên phải có thực tiễn”.

Với ông Tân, kinh doanh trước hết phải vì con người

Ông Tân khẳng định, giá trị thương hiệu nằm trong chiếc xúc xích đức việt là thịt và gia vị tử tế. Với ông, đạo đức kinh doanh không chỉ nằm ở việc minh bạch sổ sách mà trước hết là phải vì con người.

Đó cũng chính là tôn chỉ hoạt động của công ty ông trong suốt quá trình hình thành và phát triển, và mở rộng ra đó cũng luôn là tôn chỉ của ngành F&B phục vụ con người.

Ông xác định không tô vẽ mà quan trọng là tính thực chất của Đức Việt. Ông nhìn nhận, quản lý người Hàn thực ra không giỏi hơn đội ngũ lãnh đạo cũ của Đức Việt nhưng nhờ mua được doanh nghiệp tốt, từ chất lượng, máy móc đến con người tử tế và thật cộng với tiềm lực mạnh sẵn có nên doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

“Tôi không đầu tư vào chứng khoán, không có ý định đánh bóng tên tuổi cổ phiếu để khi lên sàn có vốn thặng dư của hàng triệu cổ đông nhỏ lẻ. Vốn là thứ tôi tự làm ra. Cái chất của tôi là làm thật, ăn thật”, ông Tân chia sẻ.

Nhà sáng lập Xúc xích Đức Việt kể lại, năm 2007, một doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc có quy mô lớn gấp một vạn lần Đức Việt tiếp cận ông và ngỏ ý mua chuộc, đề nghị ông đặt hàng từ Trung Quốc đưa sang mỗi tuần 20 container sau đó phân phối xúc xích Trung Quốc nhưng gắn với thương hiệu Việt Nam. Nếu đồng ý hợp tác thì chỉ sau mấy năm, ông Tân sẽ là tỷ phú. Nhưng ông kiên quyết từ chối.

“Tôi không phải là nhà chính trị yêu nước nhưng tôi là doanh nhân yêu nước”, ông Tân khẳng định.

Là một người làm khoa học có đức tính thật thà, khiêm tốn, ông luôn cho rằng mình may mắn khi thành công trong phát triển doanh nghiệp và có được những kinh nghiệm thực tế so với chiếc bằng tiến sỹ toán ông cho là “vô dụng” đã được khóa chặt trong tủ.

Ông luôn biết ơn gia đình đã ủng hộ trong mọi bước đường kể cả khi khó khăn, biết ơn hàng triệu khách hàng người Việt, biết ơn tổ quốc thứ hai là nước Đức đã đào tạo và cung cấp cho ông những kiến thức quan trọng cũng như các mối quan hệ. Ông luôn mang trong mình tâm thế không chỉ phát triển doanh nghiệp mà còn phát triển xã hội.

3ha đất thuê làm nhà máy ở Hưng Yên vốn là đất trồng lúa với sản lượng 12 triệu tấn thóc, mỗi năm thu hoạch 70 triệu đồng/ha, tương đương 4.000 USD nhưng cũng trên mảnh đất đó, Xúc xích Đức Việt đạt doanh thu 10 triệu USD/ha. Ngày xưa nông dân mỗi năm thu về ba triệu đồng thì làm cho Đức Việt đã có thu nhập 90 triệu đồng/năm. Trước kia nhà nước không thu thuế ở 3ha đó nhưng Đức Việt vào đã đóng thuế lên tới 45 tỷ đồng/năm. Ông Tân khẳng định, đầu tư doanh nghiệp vào khu vực nông thôn là một trong những hướng đầu tư góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế.

Vào thời điểm bán lại doanh nghiệp, ông Tân không ngừng nhận được những dấu chấm hỏi rất lớn khi công ty đang ở trên đỉnh của thời kỳ phát triển. Thế nhưng, CEO thức thời là người biết điểm dừng và thời điểm dừng. Để một doanh nghiệp có tiềm lực như Deasang tiếp quản và phát triển công ty là một cách để ông giúp đứa con đẻ của mình vững vàng trước những cơn sóng lớn, cạnh tranh được với những ông lớn sừng sõi trong ngành có quy mô hàng tỷ USD như Tập đoàn CP (Thái Lan).

Đến giờ ông Tân vẫn thấy vui vì người Hàn quản lý công ty rất tốt, họ vẫn giữ nguyên hệ thống từ nhà máy đến nhân sự, giữ nguyên bộ nhận diện thương hiệu, vẫn tiếp tục nhận được các danh hiệu tốt.

“Là người sinh ra nó tôi cảm thấy tự hào, cũng như có một cô con gái sinh ra gả chồng vẫn thấy yêu”, ông Tân chia sẻ.

Sau khi M&A xong, thay vì nghỉ ngơi thì ông Tân lại tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực xử lý môi trường, đặc biệt tư vấn xử lý rác thải, năng lượng tái tạo. Ông cũng đang nghiên cứu thực hiện đề án tổ hợp nông nghiệp hữu cơ, tổ chức hệ thống sản xuất lúa lớn trên 75.000ha mà người dân đang làm, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Hậu Giang từ khâu trồng đến đóng gói để đưa vào các siêu thị và xuất khẩu, gia tăng giá trị của gạo lên gấp ba lần. Ông nhìn nhận, nếu tỉnh Hậu Giang làm thành công thì 13 tỉnh còn lại cũng sẽ học hỏi và áp dụng thành công.

Đặng Hoa