Những chuỗi cà phê đang kiếm tiền nhiều nhất

06/11/2018 09:53

Doanh thu của Highlands Coffee gấp 4 lần Phúc Long, 8 lần The Coffee House và khoảng 3 lần so với Starbucks.


Doanh thu của Highlands Coffee gấp 4 lần Phúc Long, 8 lần The Coffee House và khoảng 3 lần so với Starbucks.

Len lỏi khắp các tòa nhà lớn và trung tâm thương mại, Highlands Coffee đang bứt phá mạnh mẽ sau thời gian chững lại. Thương hiệu này được thành lập năm 2002 bởi một người Mỹ gốc Việt. Năm 2012, Highlands Coffee được mua lại bởi Jollibee Foods - một tập đoàn nhà hàng tại Philippines. Chỉ sau vài năm, thương hiệu này đã có 230 cửa hàng. Cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh, doanh thu của công ty cũng đang đứng đầu trong nhóm kinh doanh cà phê chuỗi tại Việt Nam.

Năm 2017, Công ty cổ phần dịch vụ cà phê Cao Nguyên – chủ sở hữu chuỗi cà phê Highlands Coffee ghi nhận doanh thu 1.237 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước đó, gấp 4 lần Phúc Long, 8 lần The Coffee House và khoảng 3 lần so với chuỗi cà phê Starbucks. Đây cũng là bước đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ sau 5 năm thay đổi diện mạo mới. Ngoài thay đổi thiết kế quán, chuỗi này cũng điều chỉnh giá bán thấp hơn so với các món tương đồng ở các chuỗi lớn khác.

Chuỗi cà phê ngày càng ăn nên làm ra. Ảnh: Quỳnh Trần.

Chuỗi cà phê ngày càng "ăn nên làm ra". Ảnh: Quỳnh Trần.

Không tiết lộ mức doanh thu cụ thể, nhưng được xác định đang là chuỗi cà phê “ăn nên làm ra”, Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập The Coffee House cho biết, doanh thu năm 2017 của chuỗi cà phê này cũng tăng trưởng gấp đôi so với 2016. Hiện, chuỗi cà phê này đã vượt mốc đón 20 triệu lượt khách.

“Doanh thu chuỗi cà phê đang tăng trưởng khá tốt, trung bình mỗi ngày quán có thể đón 500 - 1.000 lượt khách. Chúng tôi sẽ mở rộng gấp đôi lượng cửa hàng trong năm nay, và dự định mở 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với trung bình mỗi tháng có 10 điểm kinh doanh mới ra đời”, ông Ninh nói. Hiện, công ty đã cán mốc 100 cửa hàng trên toàn quốc. Điểm khác biệt của chuỗi này là không đầu tư cửa hàng tại những vị trí vàng, nhưng lại ghi điểm bằng thiết kế quán trẻ trung, ấn tượng, phù hợp với giới trẻ. Giá thức uống cũng ở mức khách hàng trung cấp chấp nhận.

Bênh cạnh chuỗi The Coffee House, mới đây, doanh nghiệp này hoàn tất việc mua lại mảng cà phê của Cầu Đất Farm hồi tháng 1, song song đó, cho ra đời chuỗi cà phê mới – Flagship The Coffee House Singnature. Đây là chuỗi cửa hàng có vốn đầu tư lớn lên tới cả triệu USD, diện tích cửa hàng tại TP HCM rộng 1.000 m2, gấp nhiều lần The Coffee House. Tại đây khách hàng có thể trải nghiệm chọn loại cà phê ưa thích, gồm cả cách pha lẫn những loại cà phê lạ trên thế giới như Kenya, Ethiopia. Cửa hàng có phòng trữ cà phê, máy rang xay trực tiếp.

Còn với chuỗi cà phê Trung Nguyên, doanh thu quán tốt nhất của Trung Nguyên đạt mức trên 2 - 3 tỷ đồng một tháng; các quán khác trung bình 400 - 500 triệu. Hồi tháng 6, công ty này lại một lần nữa thay đổi diện mạo sau 2 năm chuyển mình. Không tiết lộ số vốn đầu tư mới, nhưng Trung Nguyên khẳng định, tiền đầu tư cho dự án này khá lớn với các thư viện sách gồm hơn 16.000 cuốn thuộc 12 lĩnh vực của tủ sách nền tảng đổi đời. Ngoài ra, tại chuỗi mới còn có không gian riêng để khách hàng có thể tĩnh tâm đọc sách, thư giãn. Dự kiến, nếu mô hình này thành công, Trung Nguyên sẽ chuyển đổi toàn bộ 80 quán theo mô hình mới trong tương lai. Đến cuối năm 2018, Tập đoàn sẽ nâng tổng số lên 100.

Là chuỗi cà phê gắn liền với trà sữa, Phúc Long cũng đang có tăng trưởng doanh thu 7% một năm. Tuy nhiên, lượng khách uống cà phê ở đây không nhiều mà chủ yếu doanh thu chiếm phần lớn đến từ trà sữa.

Ở Phía Bắc, dù sinh sau đẻ muộn nhưng chỉ trong vòng 10 năm, Cộng cà phê – chuỗi cà phê Việt nổi tiếng ở Hà Nội đã có hơn 50 cửa hàng. Chuỗi này đang có kế hoạch mở thêm 1- 2 cửa hàng mỗi tháng đến năm 2020. Không chỉ phát triển trong nước, Cộng cà phê đã có một cửa hàng tại Seoul (Hàn Quốc) hồi tháng 8 và đang lên kế hoạch cho 2 điểm kinh doanh khác ở nước này.

Với sự gia tăng nhanh chóng của các chuỗi cà phê Việt, lượng tiêu thụ cà phê trong nước của Việt Nam cũng tăng mạnh. Báo cáo Ngành Nông nghiệp Việt Nam quý III/2017 của BMI Research cho thấy, sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay của Việt Nam niên vụ 2017 - 2018 ước khoảng 2,55 triệu bao, tăng mạnh so với trước đó.

Báo cáo cũng cho biết, trong giai đoạn 2005 - 2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng từ 0,43 kg một người một năm, lên 1,38 kg một người một năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, và dự báo lên 2,6 kg một người một năm vào 2021. Xu hướng cà phê nguyên chất đang ngày càng gia tăng.

Thi Hà

Theo Vnexpress