Tôi rất thích bức ảnh mà ai đó chụp anh ngồi tươi cười phía sau một dãy lọ thuỷ tinh chứa đầy những viên kẹo đủ màu rực rỡ. Lại gần, nghe anh nói, màu này cho cây xoài, màu này cho lúa, còn đây là cho cây mía…
Làm sao anh thuyết phục được người nông dân đồng bằng quê tôi mua những “viên kẹo màu” này về bỏ xuống mảnh ruộng, khu vườn của họ với số lượng ít đi, mà hiệu quả cao hơn những bao phân được khuyến mãi rầm rộ? Tôi vẫn nghĩ vậy cho đến hôm gặp anh ở hội nghị xúc tiến đầu tư mà tỉnh Đồng Tháp phối hợp với hiệp hội Doanh nghiệp Úc, tổ chức ở Sài Gòn .Anh kể. Mừng lắm chị. Mùa rồi, chuỗi liên kết ở Trà Vinh rất tốt, tiết kiệm chi phí khá, mà năng suất và hiệu quả cao.
Tôi thở phào. Anh vẫn tiếp tục đi ban những viên kẹo màu vui mắt, nhưng bây giờ đã có một mô hình được hình thành. Trên chuỗi liên kết đó là những “vì sao lấp lánh” được kết nối với nhau: lúa giống ST 24 thiệt ngon của kỹ sư Hồ Quang Cua, thiết bị và phân bón thông minh của anh, nhà máy chế biến của Tín Thương, và người phân phối gạo giỏi công ty lương thực Đồng Tháp. Họ đã tìm gặp nhau và cùng đi đến một kết quả tích cực.
Và tôi tin chất xúc tác, kết dính tất cả chính là anh, với tấm lòng thiết tha đẩy mạnh canh tác của người nông dân Việt. Bằng công nghệ, tài quản trị và cả tiền vốn đổ vào sản xuất ra thiết bị và phân bón thông minh, cùng nhiều nông cụ khác ứng dụng internet vạn vật quản lý, như những đám mây đo được lượng nước tưới, độ phèn trong nước…
Tính liên kết vẫn là yếu tố yếu kém của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông nghiệp đến công nghiệp, dịch vụ của người Việt.Nhưng bây giờ, thiết kế được chuỗi liên kết mà các bên đều cần nhau và tương thuộc với nhau như vậy, cùng trải qua cuộc thực nghiệm trên ruộng, vườn thành công là lời hứa hẹn rất đáng mừng.
2. Tôi được anh Nguyễn Lâm Viên mời một ly nước củ dền đỏ, thú thực, tôi ngại uống nước củ dền vì không thích cái mùi riêng của nó. Anh chắc đoán được, vừa khuấy ly nước có màu của rượu vang đỏ, vừa nói, hoàn toàn nguyên chất, nhưng tôi pha chút táo và chanh dây cho thơm và hấp dẫn. Ngon tuyệt.Tôi nói nhanh, nếu tôi mà ngại mùi củ dền không uống ly nước này là coi như bị thiệt thòi rồi. Anh liên tục cho ra thị trường những vị mới: mãng cầu, thơm, chuối, giờ là củ dền đỏ, rồi sẽ đến các loại đạm thực vật khác (còn bí mật), nhưng chắc chắn là ngon.
Nhưng câu chuyện rồi cũng quay về với niềm say mê bất tận của anh: làm sao tận dụng được lợi ích của vi khuẩn mà từ lâu con người cứ hãi sợ. Anh nhấn mạnh, phương pháp hữu cơ không phải là 5 không, 6 không rất ngặt nghèo. Mà với tôi, hữu cơ là không hoá chất; nhưng cũng là tăng hàm lượng sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học, nuôi cấy vi khuẩn và sử dụng tốt ngay cả lớp vỏ thường bị vứt đi của đủ loại trái cây, rau củ trong thiên nhiên, như những thứ quà tặng quý giá của trời.
Có những thứ đạm thực vật rất quý, mình bỏ đi, nhưng các bạn trẻ tập tạ phải mua thực phẩm bổ sung nhập từ Anh. Tất cả có sẵn trong bếp nhà mình, trong vườn của quê mình chứ đâu.Tôi đang làm một loạt chuỗi liên kết ở các tỉnh. Như những bột củ dền này là chế biến từ khu đất tôi thuê 100ha ở Hậu Giang mà tôi có một đội đang sống cùng nông dân, hướng dẫn và giám sát họ trồng thật trúng cách trồng hữu cơ. Tôi phải thuê đất vì sẽ phải làm thủ tục chứng nhận hữu cơ.
Sau khi thu hoạch, tôi chế biến xong lại giao cho các siêu thị phân phối. Tôi giao cho nông dân lượng chính xác phân NPK hữu cơ mà Vinamit Organic tự làm, dần dần tôi mong họ biết phương pháp rồi có thể tự làm luôn, gồm những con vi sinh cố định đạm hay kali từ vỏ trái cây phân huỷ với vi khuẩn lên men… Cốt lõi của chuỗi liên kết này cũng là công nghệ, kỹ năng quản trị và vốn của anh đầu tư cho chuỗi phát triển ổn định, khi mà sản phẩm anh làm ra hiện không đủ bán.
3. Tôi vừa được mời bay ra Hà Nội chứng kiến ra mắt mô hình chuỗi mà người khai sinh ra nó công khai nói là anh học từ tỉnh Đồng Tháp. Bí thư Lê Minh Hoan cũng có mặt. Ông giám đốc ngân hàng Thế giới vui vẻ phát biểu, ông Hoan là bạn thân của tôi, tôi mừng thấy tinh thần liên kết với mô hình chặt chẽ và hiệu quả từ Đồng Tháp, nay được ứng dụng ở “Ruộng nhà mình”. Không chỉ đồng hành về chủ trương, công ty lương thực tỉnh Đồng Tháp cùng với nông dân xây dựng “Vùng nguyên liệu gạo nội địa chiến lược” có diện tích 1.000ha tại HTX Tiến Cường và Thuận Tiến cho mô hình này.
Có sáu đơn vị cùng phối hợp trên chuỗi liên kết có các đơn vị làm nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm ra tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu: dự án VnSAT (dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam), trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, báo Nông Nghiệp Việt Nam, công ty cổ phần chuỗi nông sản thực phẩm Việt, viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, công ty cổ phần phát triển nông nghiệp xanh Hà Nội, phụ trách phân phối sản phẩm trên toàn miền Bắc (chưa thấy phân phối cho miền Nam?)
Có thể qua ba mô hình trên, ở mỗi mô hình đều có vai trò chủ đạo hay cốt lõi của một nhà công nghệ và đầu tư. Họ bỏ vốn, trao công nghệ và tham gia trực tiếp bằng kinh nghiệm quản trị và kinh doanh.Không có và cũng không cần những văn bản ký kết giữa ba nhà, bốn nhà; mà sự lý giải thấy rất hay, nhưng không được thực nghiệm trên ruộng – vườn trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt.
Chất keo nào sẽ kết dính bền vững các thành tố trên chuỗi. Tôi tin chỉ có sự phân chia lợi nhuận hay thu nhập hợp lý là quyết định. Tính hợp lý cũng phải được phân tích diễn giải thật minh bạch và được sự đồng thuận của từng thành viên. Có những yêu cầu căn gốc thường không được đồng thuận sâu sắc trong mỗi người nông dân. Như việc tuân thủ tự nguyện các yêu cầu của tiêu chuẩn trong từng bước của quá trình canh tác, như một thứ kỷ luật sắt.
Như sự trung thực ngay thẳng khi lỡ vấp một thiếu sót về kỹ thuật, đòi hỏi biện pháp khắc phục hiệu quả, rõ ràng có quy định hạn chót chính xác. Hay đơn giản là việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, dù đã được các kỹ sư, các chuyên viên đơn giản hoá đi nhiều, cũng cần sự kiên nhẫn bền bỉ hiếm thấy.Còn việc bắt mạch thị trường, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm… là những việc lớn đòi hỏi bản lĩnh và đầu tư công phu, người nông dân cũng cần hiểu rõ.
Theo Kim Hạnh (TGTT)