Nhiều chuyển biến đáng chú ý ở FPT Retail về tình hình tài chính trong nửa đầu năm nay cũng như về chiến lược phát triển ở tầm nhìn xa hơn.
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, hé lộ nhiều chuyển biến đáng chú ý về tình hình kinh doanh cũng như tình hình tài chính.
Xét riêng quý II/2019, FPT Retail ghi nhận 3.985 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty này ở mức 543 tỷ đồng, tăng 9,3%.
Dù vậy, kết thúc quý, công ty sở hữu chuỗi siêu thị FPT Shop này vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 17% lên 120 tỷ đồng, phần vì doanh thu tăng, phần vì tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của FPT Retail đạt 8.002 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, tăng 9,7%.
Doanh thu và lợi nhuận phục hồi đáng kể trong quý II/2019 giúp kết quả kinh doanh nửa đầu năm của FPT Retail tích cực hơn sau quý I kinh doanh khá ảm đạm. Đây có thể coi là điểm sáng trong tình hình kinh doanh của FPT Retail, dù chặng đường đạt đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm nay vẫn khá gian nan.
Một điểm tích cực khác khi nhìn vào báo cáo tài chính quý II/2019 của FPT Retail là việc hàng tồn kho lẫn các khoản phải thu ngắn hạn đồng loạt giảm đáng kể. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, hàng tồn kho của công ty này đã giảm 362 tỷ đồng, tương đương mức giảm 14,4%. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 181 tỷ đồng, tương đương mức giảm 15%.
Diễn biến dòng tiền cũng khá sáng khi nửa đầu năm nay, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FPT Retail ghi nhận mức dương (+) 215 tỷ đồng, trái ngược với mức âm (-) 1.087 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Đó là những chuyển biến khá tích cực trong nửa đầu năm nay. Xa hơn, giai đoạn 2019 - 2021, FPT Retail đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 15%/năm đối với doanh thu và 20% đối với lợi nhuận trước thuế - mục tiêu tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh ngành bán lẻ điện thoại đang dần bão hòa.
Đi sâu hơn, trong cơ cấu doanh thu, FPT Pharma - mảng dược phẩm của FPT Retail với thương hiệu nhà thuốc Long Châu - sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng, dự tính đem về cho FPT Retail 500 tỷ đồng trong năm 2019 (chiếm tỷ trọng 2,8% trong cơ cấu doanh thu), 1.900 tỷ đồng trong năm 2020 (chiếm tỷ trọng 9,3%) và 4.300 tỷ đồng trong năm 2021 (chiếm tỷ trọng 18,4%).
Xét riêng chuỗi bán lẻ FPT Shop, doanh thu 3 năm tới dự kiến tăng bình quân 7,8%/năm; trong đó, năm 2019 tăng 12,4%, năm 2020 tăng 7,3% và năm 2021 tăng 3,5%/năm, hàm ý dự báo thị trường bán lẻ điện thoại sẽ tiếp tục đi đến bão hòa trong những năm tới.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ ngày càng đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn cho FPT Retail
Để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu chuỗi FPT Shop, FPT Retail dự kiến sẽ mở thêm tổng cộng 100 cửa hàng trong năm nay, nâng tổng cửa hàng lên 633 và giữ nguyên con số này trong các năm 2020 và năm 2021.
Đồng thời, "ông lớn" ngành bán lẻ điện thoại này cũng sẽ tiến hành các động thái nhằm thúc đẩy người tiêu dùng nâng cấp điện thoại với chính sách mua lại điện thoại cũ và bán điện thoại mới cho khách hàng.
Cùng với đó, kích cầu đổi điện thoại bằng việc hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng thông qua các khoản cho vay tiêu dùng của Home Credit, FE Credit và chi tiêu qua thẻ tín dụng ngân hàng (FPT Retail đã thiết lập mối quan hệ với 21 ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ khách hàng của FPT Retail chi tiêu qua thẻ tín dụng).
Nhằm thúc đẩy doanh thu, FPT Retail còn đề ra chiến lược bán hàng đa kênh trên nền tảng điện tử, bao gồm: hợp tác với các thương hiệu điện thoại mạnh về phân phối qua kênh điện tử như Xiaomi, Honor, Realme; hợp tác với các nhà bán lẻ khác (như Nguyễn Kim) để cung cấp danh mục sản phẩm mới; mua sắm xuyên biên giới (thông qua hợp tác với Fado).
Với mảng dược phẩm, dự kiến FPT Pharma sẽ mở hàng trăm cửa hàng dược phẩm trong những năm tới và như đã đề cập, kỳ vọng thu về 4.300 tỷ đồng vào năm 2021.
Về tăng trưởng lợi nhuận, đối với chuỗi bán lẻ FPT Shop, bên cạnh mặt hàng điện thoại truyền thống, FPT Retail sẽ tập trung nâng tăng trưởng lợi nhuận bằng việc thúc đẩy bán phụ kiện nguồn gốc Trung Quốc, kỳ vọng thu về 1.000 tỷ đồng trong năm 2019 với biên lợi nhuận gộp rất cao, khoảng từ 40% đến 50%.
Ở mảng dược phẩm, trong hai năm 2019 và 2020, công ty này chưa đặt kỳ vọng có lợi nhuận. Mức lợi nhuận dự kiến trong năm 2021 vào khoảng trên 60 tỷ đồng và khoảng gần 200 tỷ đồng vào năm 2022.
Theo VietnamFinance