Những 'đại gia' cổ phiếu đình đám giờ ra sao?

07/06/2022 07:12

Những mã cổ phiếu từng “làm mưa làm gió” trên thị trường như THD của Thaiholdings do ông Nguyễn Đức Thụy là cổ đông lớn, cũng như loạt cổ phiếu mang “họ” Louis của ông Đỗ Thành, bỗng chốc không còn được ai quan tâm.

Trong 1 năm, “bầu” Thụy mất gần 1 tỷ USD

Cổ phiếu THD của Công ty cổ phần Thaiholdings, doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) là thành viên sáng lập, từng là cổ phiếu “hot” nhất thị trường, được nhiều nhà đầu tư săn đón. Thế nhưng giá cổ phiếu này đang lao dốc không phanh, nhất là sau khi ông Thụy đăng ký bán toàn bộ lượng cổ phiếu đang sở hữu.

Những 'đại gia' cổ phiếu đình đám giờ ra sao? - Ảnh 1

Với việc giá cổ phiếu THD hết thời tăng nóng, ông Nguyễn Đức Thụy đã không còn giữ được vị trí trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Mới đây, ông Nguyễn Đức Thụy đăng ký bán toàn bộ 87,40 triệu cổ phiếu THD do cá nhân ông đang sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện trong tháng 6 này. Nếu giao dịch thành công với mức giá hiện tại, “bầu” Thụy dự kiến thu về khoảng 3.600 tỷ đồng từ việc thoái vốn này.

Trước đó ông Thụy từng nhiều tháng ròng nắm giữ vị trí thứ 8 trong Top 10 người giàu nhất. Hiện nay, doanh nhân quê Ninh Bình đang có khối tài sản trị giá 4.200 tỷ đồng.

Khối tài sản này đến từ việc ông Thụy sở hữu 87,40 triệu cổ phiếu THD, tương đương 24,97% cổ phần tại Thaiholdings, và 41,57 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,76% vốn cổ phần tại LienVietPostBank.

Từng có thời điểm, THD lập đỉnh giá 277.000 đồng/cp (31/12/2021), tăng 13 lần so với giá chào sàn tháng 6/2020. Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, THD giá 41.200 đồng/cp, giảm 85% giá trị kể từ đầu năm 2022, đồng nghĩa với việc tài sản của ông Thụy tại THD đã giảm mạnh 20.600 tỷ đồng.

Tính chung từ đầu năm 2022, tổng tài sản của ông Thụy tại THD và LPB giảm 20.900 tỷ đồng so với lúc giá cổ phiếu ở mức đỉnh, còn 4.200 tỷ đồng.

Cổ phiếu “họ” Louis được đặt biệt danh “cổ phiếu cây thông Noel”

Nhóm cổ phiếu của đại gia Nguyễn Thành Nhân như: Công ty cổ phần Louis Land (BII), Công ty cổ phần Louis Capital (TGG), Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang (AGM), Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC), Công ty cổ phần Smetel (SMT)... và nhiều dự án khác cũng từng dậy sóng dưới tay ông Đỗ Thành Nhân. Nhóm cổ phiếu “họ” Louis từ "vịt trời" bỗng hóa "thiên nga". Các mã cổ phiếu phần lớn có giá trị chỉ bằng “ly trà đá” đã thay nhau lập đỉnh, tăng gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2021. Trong đó, hai mã BII và TGG liên tục ghi nhận hàng loạt phiên tăng trần.

Những 'đại gia' cổ phiếu đình đám giờ ra sao? - Ảnh 2

Sau nhiều đồn đoán về nghi vấn thao túng giá cổ phiếu, giá các cổ phiếu trên nhanh chóng quay đầu giảm giá kể từ tháng 9/2021, và đặc biệt giảm giá mạnh kể từ thời điểm ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố. Một loạt cổ phiếu từ “vịt trời” bỗng hóa “thiên nga”, nay thì thiên nga đã gãy cánh. Các nhà đầu tư đặt cho cổ phiếu họ Louis biệt danh “cổ phiếu cây thông Noel” vì tốc độ giảm theo phương thẳng đứng.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, diễn biến giá của các cổ phiếu này như sau: Cổ phiếu BII của Công ty cổ phần Louis Land giảm 60% về giá, còn 5.400 đồng/cp; TGG của Công ty cổ phần Louis Capital giảm 57,35% còn 7.890 đồng/cp; VKC của Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh giảm 60,46% còn 5.100 đồng/cp; LDP của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng giảm 52% còn 17.900 đồng/cp; SMT của Công ty cổ phần Smetel giảm 11% còn 13.800 đồng/cp; AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang giảm 16% còn 30.400 đồng/cp;...

Mới đây, một loạt tài sản của ông Đỗ Thành Nhân gồm bất động sản và siêu xe đã bị Ngân hàng SHB thu giữ để đảm bảo thu hồi nợ trước thời hạn. Động thái này diễn ra ngay sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt giữ. SHB cho biết, ngân hàng thu hồi các tài sản này trước ngày 19/05/2022.

Chủ tịch Yeah1 "dứt áo ra đi" sau 16 năm, bán hết cổ phiếu thu 80 tỷ đồng

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vừa công bố đã bán hết 4 triệu cổ phiếu, tương đương gần 13% doanh nghiệp, trong ngày 1/6. Sau giao dịch trên, ông Tống không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu YEG nào.

Những 'đại gia' cổ phiếu đình đám giờ ra sao? - Ảnh 3

Tạm tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu YEG phiên 1/6, số tiền ông Tống thu về ước tính là khoảng 80 tỷ đồng. Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu YEG liên tục tăng mạnh, trong đó có 3 phiên đóng cửa ở mức giá trần. Hiện tại, thị giá YEG dừng ở 21.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 30% chỉ sau một tuần.

HĐQT Yeah1 cũng đã thông báo danh sách 5 thành viên được đề cử làm thành viên ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới 2022-2027 để trình đại hội cổ đông bầu cử. Ông Tống không có tên trong danh sách nên chắc chắn sẽ thôi giữ chức chủ tịch cũng như rút khỏi HĐQT Yeah1 sau đại hội cổ đông dự kiến họp vào ngày 15/6 tới. 

Như vậy, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống sẽ rút hoàn toàn khỏi công ty do bản thân sáng lập và điều hành trong 16 năm qua. Được thành lập vào năm 2006 với khởi đầu chỉ là một trang thông tin, Yeah1 trở thành công ty truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Ở thời điểm niêm yết vào tháng 6/2018, cổ phiếu YEG từng trở thành hiện tượng khi có mức thị giá lên tới hơn 300.000 đồng, thuộc nhóm đắt đỏ nhất trên sàn. Tuy nhiên, giá trị cùng với kết quả kinh doanh của công ty lao dốc từ năm 2019 khi bị YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những vi phạm trong quản lý nội dung.

Với giá cổ phiếu hiện tại, vốn hóa của Yeah1 chỉ hơn 600 tỷ đồng. So với thời điểm mới lên sàn, mức định giá của Yeah1 đã sụt giảm hơn 90%.

Theo Trúc Linh/Doanh nhân và Pháp luật