Năm 2021 là một năm đáng quên đối với công tác đấu thầu ở Việt Nam. Bên cạnh "đại án" nâng giá kit xét nghiệm Covid của Công ty Việt Á khiến không ít lãnh đạo ngành y tế, CDC các tỉnh, thành phải "xộ khám" và đến nay còn chưa đến hồi kết, thì một "đại án" khác cũng làm cho nhiều người đứng đầu ngành giáo dục ở địa phương vướng vào lao lý.
Đấy là các vụ án sai phạm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị giáo dục tại Quảng Ninh, Thanh Hóa và Điện Biên. Theo đó, cách đây tròn một năm, ngày 25/6/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan, theo Khoản 3, Điều 222 Bộ Luật hình sự.
C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với 15 bị can. Trong đó, 9 bị can bị bắt tạm giam gồm Vũ Liên Oanh (cựu giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh), Ngô Vui (cựu trưởng phòng kế hoạch tài chính), Hà Huy Long (cựu phó phòng kế hoạch tài chính), Trần Ngọc Thắng và Trần Thị Thanh Xuân (cựu tổng giám đốc Công ty MQF), Ngô Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc Công ty MQF), Lê Long Hải và Lê Đại Tấn (chuyên viên Công ty NSJ), Vũ Ngọc Minh (giám đốc Công ty Thẩm định giá Gia Lộc)...
Tiếp đó, ngày 16/7/2021, C03 cũng ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và các công ty, đơn vị liên quan. Cùng với đó là quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Hằng, nguyên giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa (thời điểm bị bắt bà Hằng là phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa).
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố 8 người khác, trong đó bắt tạm giam 6 người, cho tại ngoại 2 người để điều tra về cùng tội danh.
Cuối cùng, ngày 23/9/2021, C03 cũng ra quyết định khởi tố vụ án với sai phạm tương tự tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên. Lệnh bắt giam ông Nguyễn Văn Kiên, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cũng được thực hiện ngay sau đó, nhằm điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Đồng thời, 5 bị can khác cũng bị bắt tạm giam, là lãnh đạo của những đơn vị liên quan, như nhà thầu, thẩm định giá...
Nhà thầu "bí ẩn" ở Hà Nội, vươn khắp các tỉnh thành
Gần đây, dư luận xôn xao về việc Học viện Nông nghiệp Việt Nam công bố kết quả mở thầu gói thầu mua sắm "thiết bị hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu" trị giá hơn 41,6 tỷ đồng, thuộc dự án thành phần "tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới", nằm trong dự án "nâng cao chất lượng giáo dục đại học, vay vốn WorldBank" (SAHEP).
Ngày 2/3/2022, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Văn Cường đã ký thay Giám đốc để ban hành Quyết định số 1073/QĐ-HVN phê duyệt hồ sơ mời thầu của gói thầu mang số hiệu VNUA-G04 này.
Điểm đáng chú ý, đó là hồ sơ mời thầu đã không đề cập chi tiết về số lượng hàng hóa, cũng như mẫu mã, giá thành từng loại. Với lượng thông tin ít ỏi là vậy, sau khi kết thúc giai đoạn mở thầu, gói thầu do Học viện Nông nghiệp Việt Nam mời thầu chỉ ghi nhận duy nhất một đơn vị nộp hồ sơ dự thầu.
Mức giá dự thầu mà nhà thầu này đưa ra là 40,1 tỷ đồng, thấp hơn chưa đầy 5% so với mức giới hạn ngân sách mà chủ đầu tư công bố. Sẽ không có gì ngạc nhiên, nếu như nhà thầu này được Học viện Nông nghiệp Việt Nam lựa chọn là nhà thầu thực hiện gói thầu số hiệu VNUA-G04 trên, trong điều kiện "trải thảm đỏ", không tồn tại bất kỳ sức ép cạnh tranh nào.
Và nhà thầu "bí ẩn" này chính là Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An, một doanh nghiệp đến từ Hà Nội nhưng rất "năng nổ" tham gia các gói thầu trang thiết bị giáo dục khắp các tỉnh thành cả nước, đặc biệt là đối tác tương đối "thân thiết" với Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, thời bà Vũ Liên Oanh.
Điểm đáng nói, theo thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đang lưu trữ, Công ty Tràng An giai đoạn 2014-2022 đã tham gia cả trăm gói thầu trên cả nước, tổng giá trị các hợp đồng ước tính hơn 1.150 tỷ đồng, xấp xỉ 50 triệu USD, song số lần trượt thầu chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều là các gói thầu có giá trị thấp.
Không chỉ sở hữu tỷ lệ thắng rất cao, cách mà Công ty Tràng An trúng thầu cũng khiến giới quan sát giật mình, bởi lẽ gần như nhà thầu được "ưu ái" khi cứ "một mình một ngựa", thuận lợi "chui tọt" vào những gói thầu mang giá trị lớn mà chẳng có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào, để rồi nghiễm nhiên giành thắng lợi.
Kể qua một vài gói thầu tiêu biểu của Công ty Tràng An để minh chứng cho điều này. Chẳng hạn tại "gói thầu số 1 mua sắm trang thiết bị dạy học đối với các trường công nhận mới, công nhận lại chuẩn quốc gia năm 2021" của chủ đầu tư Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang (Hà Giang) hoàn thành vào cuối năm ngoái, chỉ có mình Công ty Tràng An tham gia dự thầu và trúng thầu với giá 2.514.595.000 đồng, tiết kiệm chỉ 79.925.000 đồng cho ngân sách huyện, là tỷ lệ giảm giả quá thấp cho dù chào hàng cạnh tranh.
Có nhiều chi tiết tương tự là gói thầu "mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6, thiết bị phục vụ các trường bán trú và trường có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Kon Tum" do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum mời thầu, có kết quả chấm thầu sau đó hơn chục ngày.
Ở cú "bắt tay" với sở này, Công ty Tràng An cũng thuận lợi thắng thầu trong điều kiện là nhà thầu duy nhất tham dự, kèm mức giá trúng thầu trên 25.555.367.000 đồng, tương đương hệ số tiết kiệm chưa đầy 3% cho nguồn kinh phí thực hiện.
Hay nhìn xa hơn về cuối năm 2018, liên danh Công ty Tràng An và Công ty Cổ phần Vật tư Thiết bị Phương Nam đã được bà Vũ Liên Oanh, khi ấy là Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh ký quyết định lựa chọn là nhà thầu thực hiện gói thầu số 4 "mua sắm, lắp đặt thiết bị mầm non" thuộc dự án "đầu tư trang bị, thiết bị cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm học 2018-2019", trị giá 35.286.975.000 đồng.
Liên danh Công ty Tràng An - Phương Nam lúc này chỉ việc bỏ giá 35.198.369.800 đồng, tức thấp hơn giá gói thầu 88.605.200 đồng, song vẫn dễ dàng "ẵm" về một bản hợp đồng "béo bở"...
Trên đây là các ví dụ điển hình về kịch bản đấu thầu kém cạnh tranh, tỷ lệ giảm giá vô cùng thấp nếu có sự tham gia của Công ty Tràng An, sẽ còn rất dài nếu tiếp tục thống kê chi tiết như vậy.
Dấu hiệu sai phạm?
Còn ở những gói thầu có sự cạnh tranh thì sao? Công ty Tràng An đã khéo léo thế nào để giành được chiến thắng? Đó là những hoài nghi ban đầu của dư luận, và cũng từ đó dư luận đặt ra câu hỏi có hay không Công ty Tràng An sử dụng chiêu bài "quân xanh, quân đỏ" để trục lợi?
Như đã biết, liên danh Công ty Tràng An và Phương Nam đã được bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh phê duyệt trúng gói thầu 35.286.975.000 đồng hồi cuối năm 2018. Đó là bước đệm để liên danh này tiếp tục đồng hành và cùng thu hoạch gói thầu "mua trang thiết bị, đồ dùng cho các trường học năm 2018" (trị giá 6.439.244.000 đồng, giảm giá 0 đồng) của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; gói thầu "mua sắm thiết bị dạy học tổi thiểu lớp 1" (giá gói thầu 15.370.017.000 đồng, giá trúng thầu 15.138.369.000 VND) của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, sau đó vài năm...
Rõ ràng mối quan hệ giữa Công ty Tràng An và Công ty Phương Nam là thân thiết, vậy mà ở các gói thầu khác, Công ty Tràng An và Công ty Phương Nam lại "đóng vai" là hai đối thủ trực tiếp.
Ví dụ, tại gói thầu "mua bàn ghế học sinh và đồ dùng phục vụ sinh hoạt" do tỉnh Hà Giang mời thầu, Công ty Phương Nam đã đối đấu với Công ty Tràng An, nhưng chỉ "làm nền" và nhường phần thắng lại cho Công ty Tràng An, với giá trúng 24.627.863.000 đồng, trong khi giá gói thầu 24.745.897.000 đồng.
Ngoài ra, cũng có thể thấy các dấu hiệu "lạ" này trong mối quan hệ giữa Công ty Tràng An và Công ty Tràng An và Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Hà Thành.
Trong vai "đối thủ", Công ty Tràng An và Công ty Hà Thành ganh đua nhau ở gói thầu "mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 và bàn ghế học sinh cho các trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2021" của chủ đầu tư là Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, hoàn tất hồi tháng 3/2022.
Công ty Tràng An đã vượt qua Công ty Hà Thành và Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Khoa học kỹ thuật Long Thành, với mức giá trúng thầu 19.580.036.000 đồng, rất sát với giá gói thầu 19.980.000.000 đồng.
Tiếp nữa ở gói thầu số 6 "mua sắm trang thiết bị từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2019" do Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La mời thầu giai đoạn quý IV/2019. Công ty Tràng An, Công ty Hà Thành và 3 nhà thầu khác đã "so găng" với nhau, để rồi chung cuộc thắng lợi vẫn dành về phía Công ty Tràng An.
Chiều hướng ngược lại, Công ty Tràng An và Công ty Hà Thành lại thường xuyên "có mặt" trong những gói thầu màu mỡ.
Có thể kể đến gói thầu "mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nhà bếp, phòng học tin cho trường mầm non trên địa bàn các huyện, thành phố" của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc; gói thầu "mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị đồ dùng, đồ chơi mầm non năm 2020" của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình...
Từ đó để thấy, phải chăng đã đến lúc cần thanh, kiểm tra để làm rõ, qua đó giải toả những nghi vấn của cộng đồng, dư luận đối với những gói thầu có sự tham gia của Công ty Tràng An.
Được biết, nhà thầu này thành lập ngày 12/11/2001, có trụ sở tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là giám đốc Lê Hùng Mạnh, cũng là chủ sở hữu doanh nghiệp.
Đáng nói là vốn điều lệ của Công ty Tràng An chỉ 20 tỷ đồng. Song với nguồn thu rất lớn từ các gói thầu, doanh thu lại rất đáng nể với 328,8 tỷ đồng (2019), 408,5 tỷ đồng (2020) và 218,7 (2021). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại quá thấp với 933 triệu đồng, 1,2 tỷ đồng, 623 triệu đồng.
Như vậy, nhận doanh thu từ ngân sách nhà nước, song Công ty Tràng An lại đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước ở mức rất thấp, chẳng hạn năm 2020 là 323 triệu đồng và năm 2021 là 162,7 triệu đồng? Con số này dường như "chỉ báo cáo cho có lệ", tiềm ẩn rủi ro thất thoát ngân sách lớn.
Trong khi đó, lưu ý rằng sức khỏe tài chính của Công ty Tràng An đâu có gì nổi bật. Vốn chủ sở hữu chỉ đạt 23,2 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 178 tỷ đồng, tại thời điểm 31/12/2021.
Nhà thầu này vay nợ tài chính ngắn hạn gần 118 tỷ đồng, tức gấp gần 6 lần vốn điều lệ. Việc sử dụng đòn bẩy cao như vậy có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cung cấp, liệu rằng các đơn vị duyệt thầu đã bỏ qua yếu tố này hay không?
Trong danh sách các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, Công ty Tràng An ghi nhận khoản nợ từ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh 92,6 triệu đồng, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên 26,4 tỷ đồng...